Mực nước sông ngày một hạ thấp
Khác với những năm gần đây, vụ Xuân 2023, Bộ NN&PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ thực hiện hai đợt xả tăng cường từ các hồ chứa thuỷ điện để bổ sung nguồn nước phục vụ sản xuất cho Hà Nội và 10 tỉnh, TP khác thuộc khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
Trong cả hai đợt xả, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đều tăng cường phát điện trước từ 2 - 3 ngày, với mục tiêu dâng mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội lên mức trung bình từ 1,8 - 1,9m trong thời gian chính của cả hai đợt xả. Dù vậy, thực tế mực nước trung bình trong cả hai đợt đều không đạt.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện toàn TP đã có khoảng 90% diện tích canh tác vụ Xuân 2023 được cung cấp đủ nước. Hiện chỉ còn một số diện tích chưa lấy nước thuộc các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức…
Cụ thể, mực nước trung bình tại trạm thuỷ văn Hà Nội trong 4 ngày của đợt xả đầu tiên (từ ngày 6 - 9/1/2023) chỉ đạt 1,56m. Đến đợt xả tăng cường thứ hai, mực nước trung bình trong 8 ngày (từ ngày 1 - 8/2/2023) cũng chỉ đạt 1,61m. Thời gian mực nước sông Hồng tại trạm thuỷ văn Hà Nội đạt trung bình từ 1,8 - 1,9m là rất ít.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong hai đợt xả tăng cường, đã có tổng cộng 3,62 triệu m3 nước được các nhà máy thuỷ điện bổ sung phục vụ sản xuất vụ Xuân 2023 cho Hà Nội và 10 tỉnh, TP khác thuộc khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Dù vậy, mực nước dâng thực tế là không đủ cao để nhiều trạm bơm dọc sông Hồng, sông Đà có thể vận hành.
Trong số các công trình thuỷ lợi không thể vận hành trong cả hai đợt xả tăng cường vừa qua, có nhiều trạm bơm đóng vai trò quan trọng đối với công tác chống hạn của Hà Nội. Có thể kể tới như: Trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây), trạm bơm Ấp Bắc (huyện Đông Anh), trạm bơm Trung Hà (huyện Ba Vì), cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), cống Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ)… Đây cũng là nguyên nhân khiến tiến độ lấy nước của Hà Nội chậm hơn so với 10 tỉnh, TP khác thuộc khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
Cấp thiết đầu tư trạm bơm
Theo các chuyên gia, việc mực nước sông Hồng, sông Đà hạ thấp có nguyên nhân từ việc lòng dẫn đang ngày một bị hạ thấp. Nguyên nhân đầu tiên phải kể tới chính là tình trạng khai thác cát lòng sông diễn ra vô cùng phức tạp trên các tuyến sông giáp ranh thuộc Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên…
Khi việc giải bài toán khai thác khoáng sản lòng sông trái phép vẫn chưa thể giải quyết triệt để thì giải pháp công trình đang được đặt ra cấp thiết. Thực tế những năm gần đây, Bộ NN&PTNT cũng như UBND TP Hà Nội đã đầu tư nguồn lực lớn cho việc nâng cấp các công trình lấy nước, mà mới đây nhất là trạm bơm Thanh Điềm tại huyện Mê Linh.
Để bảo đảm nguồn nước trong thời gian sản xuất của toàn vụ Xuân 2023, thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Tích lắp đặt hai trạm bơm dã chiến Sơn Đà và Trung Hà (huyện Ba Vì). Giải pháp linh hoạt góp phần cung cấp nguồn nước sản xuất kịp thời cho những diện tích canh tác thuộc khu vực Tây Bắc của Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, trong tháng 6/2023, Bộ sẽ phối hợp cùng UBND TP Hà Nội triển khai dự án đầu tư xây dựng trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây). Trạm bơm dự kiến cơ bản hoàn thành, có thể phục vụ công tác chống hạn từ vụ Xuân 2024. Công trình này được kỳ vọng giúp Hà Nội chủ động hơn trong việc lấy nước.
Do nguồn lực cần phân bổ cho các địa phương khác, Bộ NN&PTNT kiến nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu kế hoạch đầu tư xây dựng trạm bơm Trung Hà (huyện Ba Vì) để thay thế trạm bơm cũ không thể vận hành trong điều kiện mực nước sông Đà ngày một hạ thấp hiện nay. Hiện, UBND TP Hà Nội đang giao Sở NN&PTNT nghiên cứu, đề xuất phương án, với mục tiêu bảo đảm việc cung cấp nước cho sản xuất vụ Xuân mà không phụ thuộc vào các hồ chứa thuỷ điện.