Giải pháp nào phát triển Phú Quốc bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

Hữu Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Phú Quốc, Kiên Giang được xem là một trong những địa phương phát triển nóng về xây dựng. Tuy nhiên để Phú Quốc phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề mà chính quyền và doanh nghiệp địa phương này đang hướng tới.

Theo định hướng của Chính phủ tại Quyết định 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010; Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2021-2022; Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP Phú Quốc nhiệm kỳ 2021-2025. Định hướng TP Phú Quốc (thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam) trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Kiên Giang.

Đô thị du lịch chăm sóc sức khỏe

Theo TS.KTS. Hồ Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiên Trúc, Bộ Xây Dựng cho rằng: Kiến trúc đô thị thích ứng biến đổi khí hậu với các mục tiêu phát triển bền vững vừa là mục tiêu hướng tới cũng vừa là cơ hội để các nhà quy hoạch, các kiến trúc sư thể hiện đóng góp của mình trong việc cải thiện cuộc sống của con người, bảo vệ hành tinh mà chúng ta đang sinh sống; xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên thế giới để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.

Xây dựng đô thị du lịch chăm sóc sức khỏe là một trong những giải pháp giúp Phú Quốc phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh Hữu Tuấn
Xây dựng đô thị du lịch chăm sóc sức khỏe là một trong những giải pháp giúp Phú Quốc phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh Hữu Tuấn

Riêng với đô thị Phú Quốc, việc tổ chức không gian kiến trúc bền vững có hiệu quả việc xây dựng, phát triển, quản lý và chỉnh trang thành phố, đô thị hóa thích ứng biến đổi khí hậu, với hội nhập tinh hoa quốc tế và trở thành một mô hình phát triển bền vững của Việt Nam, tạo mối liên hệ nội tại giữa môi trường kiến trúc và xây dựng với cơ hội tạo việc làm cô hội sinh kế và chất lượng cuộc sống con người là hết sức quan trọng và cần thiết, TS.KTS Hồ Chí Quang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đối với Phú Quốc để tổ chức quy hoạch, không gian kiến trúc bền vững phải đảm bảo những điều kiện như: Quá trình khai thác có hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Xác định mục tiêu, động lực phát triển khu du lịch chăm sóc sức khỏe cần xác định chính xác tính chất, dự báo quy mô dân số của khu chức năng, yêu cầu cụ thể về định hướng phát triển không gian, các công trình công hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho từng giai đoạn quy hoạch xây dựng chung, quy hoạch phân khu 1/2000 và quy hoạch chi tiết 1/500.

Đồng thời, gắn lý thuyết điểm đến du lịch thông minh vào nội dung đồ án quy hoạch với các cách tiếp cận hợp lý – toàn diện. Với việc phát triển điểm đến du lịch sức khỏe và khám phá văn hóa bản địa, mỗi điểm đến phải lựa chọn nhiều hình thức khác nhau và giải quyết nhiều vấn đề góp phần tạo nên đề xuất dịch vụ độc đáo của thương hiệu điểm đến du lịch. Lợi ích kinh tế cho cộng đồng nhân dân khu vực phải được đưa vào quy hoạch, chiến lược, chiến thuật, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm và tiếp thị của điểm đến như một trung tâm thương mại du lịch dịch vụ sức khỏe với nội dung đặc sắc.

Ngoài ra, quy mô, dây chuyền, không gian kiến trúc cảnh quan cũng phải được xác định phù hợp theo tính các chất cấu trúc dây chuyền. Các khu du lịch cần gắn với bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, qua đó du khách sẽ được sống trong một môi trường văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và bảo vệ mối quan hệ truyền thống, có sự kết hợp hài hòa giữa con người với tự nhiên và xã hội.

Phát triển không gian công cộng

Theo TS.KTS Hà Văn Thanh Khương, Giám đốc Sở Xây Dựng tỉnh Kiên Giang cho rằng: Không gian công cộng (KGCC) là một thành phần quan trọng của đô thị. Một TP phát triển thành công và bền vững là phải có hệ thống KGCC với chất lượng cao, cảnh quan đẹp và bền vững về môi trường. KGCC không chỉ chịu áp lực trong thực tế mà ngay cả trong các đồ án quy hoạch.

Phát triển không gian công cộng cần phải sự tham gia của ba khu vực. Ảnh Hữu Tuấn
Phát triển không gian công cộng cần phải sự tham gia của ba khu vực. Ảnh Hữu Tuấn

“Quy hoạch chung xây dựng xác định đất dành cho KGCC của toàn TP Phú Quốc khoảng 3.372ha. Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đảo Phú Quốc; công bố đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; phê duyệt danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Kiên Giang” TS.KTS. Hà Văn Thanh Khương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc phát triển KGCC ở Phú Quốc còn phụ thuộc vào cơ sở pháp lý, các công cụ quản lý KGCC ở khu vực nhà nước gồm: cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp TP, cấp xã, phường; khu vực của các nhà đầu tư và khu vực cộng đồng dân cư còn nhiều nội dung từ các bước quy hoạch, kêu gọi đầu tư, đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng chưa rõ ràng để thống nhất thực hiện.

Bên cạnh đó, việc phát triển thiếu cân bằng giữa các khu chức năng, thiếu đồng bộ giữa các hạng mục công trình. Trong tổng số 335 đồ án QHCT được phê duyệt thì tập trung vào các dự án du lịch, khu đô thị mới, khu dân cư, chưa tập trung nhiều vào các dự án hạ tầng như xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường tại các dòng sông, bãi biển, các dự án về y tế và giáo dục…; đặc biệt là thiếu các công trình công cộng, không gian mở để phục vụ cộng đồng.

Ngoài ra, chưa phối hợp chưa đầy đủ trong việc thực hiện KGCC ở 3 khu vực: Nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư. Nhiều KGCC đã được quan tâm, đầu tư và trở thành hình ảnh đặc trưng của Phú Quốc. Nhưng chưa phát triển đồng đều, các khu vực tư nhân được quan tâm đầu tư nhưng có sự hạn chế cho người tiếp cận, sử dụng. Trong khi đó, các KGCC thuộc phạm vi quản lý của nhà nước lại đơn sơ, thiếu cải tạo, chỉnh trang nên bị xuống cấp và ít thu hút người dân và du khách.

Ông Hà Văn Thanh Khương cũng khẳng định: Các đô thị phát triển theo xu hướng bền vững thì cần thực hiện đúng định hướng phát triển của TP Phú Quốc; đánh giá hiện trạng KGCC. Thực hiện 5 giải pháp để hình thành KGCC với sự tham gia của 3 khu vực: Nhà nước quản lý, Tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, Cộng đồng dân cư giám sát thực hiện, các bên tham gia thống nhất quản lý bằng các quyết định, quy định, quy chế quản lý.