Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải pháp phát triển gắn với chuỗi liên kết tại huyện Thạch Thất

Doãn Thành - Vũ Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều mô hình chăn nuôi trên địa bàn huyện Thạch Thất đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhằm đảm bảo việc chăn nuôi an toàn sinh học và nâng cao hiệu quả cho người dân, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội phối hợp với Phòng kinh tế huyện Thạch Thất xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững gắn với chuỗi liên kết trên địa bàn huyện Thạch Thất.

Đẩy mạnh liên kết trong chăn nuôi
Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Nguyễn Văn Toàn cho biết, hiện nay, huyện có tổng đàn vật nuôi trên 1.183.600 con. Đàn lợn trên 72.000 con, trong đó nuôi tại các nông hộ vừa và nhỏ trên 30.800 con, nuôi tại các trang trại chăn nuôi gia công tổng đàn trên 41.000 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 10.500 tấn, bằng 104,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Đàn trâu bò gần 7.900 con, sản lượng thịt trâu bò ước đạt 620 tấn, bằng 102% so với cùng kỳ. Đàn gia cầm gần 1 triệu 104.000 con, hằng năm gia cầm xuất chuồng đạt 5.200 tấn, bằng 108% so với cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thủy sản 520ha chủ yếu nuôi cá truyền thống, sản lượng đạt 1.720 tấn/năm.
Các mô hình chăn nuôi trên địa bàn Thạch Thất đạt hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Doãn Thành).
“Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 4 đợt tổng vệ sinh tiêu độc trên toàn địa bàn, số hóa chất đã sử dụng gần 6.500 lít, 4,9 tấn vôi bột. Đồng thời làm tốt công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y trên địa bàn” - ông Toàn cho hay.
Về phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, huyện đã tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi liên doanh, liên kết xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đồng thời hoàn thiện xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tiếp tục xây dựng và duy trì hoạt động của các chuỗi tiêu thụ thịt lợn ở trang trại của ông Phùng Ngọc Vĩnh (thôn Sen Trì, xã Bình Yên); trang trại chăn nuôi hộ ông Đỗ Xuân Nhung (xã Kim Quan)...
Tập trung chăn nuôi an toàn sinh học
Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Thành Trung cho biết, với năng lực và tổng đàn vật nuôi hiện có, TP Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân. Do vậy trong thời gian tới, Thạch Thất cần quan tâm để phát triển chăn nuôi bền vững, đẩy mạnh tái đàn lợn, chuyển sang phát triển chăn nuôi bò, dê, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương; tập trung đầu tư đàn lợn nái năng suất, chất lượng cao.
“Huyện Thạch Thất cần tập trung chăn nuôi theo chuỗi giá trị, chăn nuôi an toàn sinh học để nâng cao hiệu quả, đem lại giá trị thương phẩm cao hơn so với hình thức chăn nuôi thông thường giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khoẻ cộng đồng, đảm bảo cung ứng ra thị trường những thực phẩm sạch, an toàn; đồng thời thu hút thêm nguồn vốn từ doanh nghiệp để đầu tư cho phát triển chăn nuôi của địa phương” - ông Trung nói.
Bên cạnh đó, giải pháp trong phát triển chăn nuôi trong thời gian tới, huyện Thạch Thất tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi chuyển từ hình thức nhỏ lẻ trong khu dân cư, chuyển ra vùng chăn nuôi tập trung theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Vận động, hướng dẫn người chăn nuôi tái cơ cấu giống vật nuôi, tiếp tục đầu kinh phí tái đàn lợn, chuyển đổi sang chăn nuôi các loại gia súc khác; khuyến khích phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm ngành chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tăng giá trị thương phẩm.