Trong đó có thị trường vốn đến từ Nhật Bản để DN ngành tăng thêm nguồn lực tài chính, mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh.
Động lực cho tăng trưởng
Thời gian qua, cộng đồng DN Việt Nam, trong đó có khối DN ngành sản xuất Công nghiệp và CNHT phải đối diện nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, khủng hoảng năng lượng, bất ổn chính trị thế giới... Dưới sự lãnh đạo của Nhà nước - Quốc hội - Chính phủ, cộng đồng DN quốc nội với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã nỗ lực, năng động, linh hoạt, vượt qua khó khăn để đóng góp những điểm sáng quan trọng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam.
Kết quả 9 tháng năm 2022, tăng trưởng kinh tế nước ta đạt mức 8,83%, lạm phát bình quân được kiểm soát ở mức 2,73%, đảm bảo ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế là một thành công, được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao, với bức tranh kinh tế 9 tháng có nhiều điểm sáng.
Trong bức tranh tăng trưởng chung, khu vực nông nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu lương thực thực phẩm của nền kinh tế với giá ổn định; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%; đặc biệt chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2022 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng 2,5% của cùng kỳ năm 2020, mức tăng 3,9% của cùng kỳ năm 2021 và ngang bằng mức tăng 9,6% cùng kỳ năm 2019. Sản xuất công nghiệp vẫn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Cùng với các nghị quyết kịp thời của Quốc hội để phát triển KT- XH, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các DN ngành CNHT, hàng trăm DN thành viên Hiệp hội DN ngành CNHT Thủ đô Hà Nội (HANSIBA) - tổ chức chuyên ngành được thành lập đầu tiên trên cả nước - đã kịp thời nắm bắt chủ trương, chính sách, cùng sự hỗ trợ, quan tâm của lãnh đạo T.Ư và Thành ủy, UBND TP, các cấp các ngành đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất ngay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và trong những tháng đầu năm 2022.
Với sự đồng hành, kết nối của Ban Lãnh đạo, Đoàn Chủ tịch HANSIBA, các DN ngành CNHT Thủ đô đã khai mở việc xúc tiến thương mại, hợp tác tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tiếp tục mở rộng đầu tư. Điển hình là những DN thành viên HANSIBA như: TOMECO, THT, INDEMA, SAVIC, Cơ khí Hà Nội CNC, Bách Liên, MEKAMIC… đã ký hợp đồng thuê đất tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) do Công ty N&G (thành viên Tập đoàn N&G Group) đơn vị đồng sáng lập HANSIBA làm chủ đầu tư - để đầu tư xây dựng các tổ hợp, nhà máy dự án sản xuất sản phẩm CNHT và CNHT cho công nghệ cao. Ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ, tư vấn công nghệ và quản trị, cung ứng linh kiện xuất khẩu cho các DN châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản: như Công ty ONAGA, SEIN I&D, Brother…
Thêm nguồn lực phát triển
Để hỗ trợ cho các DN hội viên, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, có nhu cầu về tài chính vay vốn sản xuất kinh doanh, được tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi đầu tư, HANSIBA liên tục có các hoạt động đối ngoại với các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính ngân hàng trong và ngoài nước. Trong đó có thị trường vốn đến từ Nhật Bản, để các DN hội viên có thêm nguồn lực tài chính, mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực CNHT mà Chính phủ đang định hướng, khuyến khích phát triển.
Hiệp hội HANSIBA nhận thấy, Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản tầm nhìn 2030 (Chiến lược công nghiệp hóa) trong đó ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp, bao gồm: Điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô thành những ngành chủ lực của nền kinh tế.
Do đó, rất cần đến các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, các DN Nhật Bản liên kết chuyển giao, đổi mới công nghệ cho DN đối tác của Việt Nam, hỗ trợ nguồn tài chính ưu đãi, nhằm giúp các DN này phát triển, đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản ở Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.
Việc một số DN Nhật Bản đã và đang tìm đến HANSSIP thuê đất lập dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm CNHT, CNHT cho công nghệ cao; cũng như việc các DN Nhật Bản thực hiện tư vấn cho các DN hội viên HANSIBA nâng cao năng lực quản trị sản xuất, chất lượng sản phẩm là điển hình cho việc thúc đẩy hợp tác phát triển giữa DN hai nước Việt Nam – Nhật Bản, hướng tới hình thành Tổ hợp CNHT Việt Nam – Nhật Bản bên trong HANSSIP.
Tại buổi làm việc ngày 15/9/2022 giữa Bộ trưởng Bộ KH&ĐT và Thống đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) có sự tham dự của Chủ tịch
HANSIBA, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đề nghị sự hỗ trợ của JBIC trong việc tài trợ vốn thực hiện các dự án quan trọng, hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Đồng thời, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn JBIC và DN Nhật Bản quan tâm hơn nữa để phát triển ngành CNHT Việt Nam và hình hình thành các khu công nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao; phát triển khu CNHT; hình thành nên hệ sinh thái khu công nghiệp, góp phần hiện thực hóa Chiến lược công nghiệp hóa.
Để thực hiện được điều đó, ngoài sự nỗ lực cố gắng của các DN phía Việt Nam, rất cần đến sự hỗ trợ của các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính, trong đó có JBIC theo đúng định hướng phát triển đẩy mạnh hợp tác các nguồn lực quan trọng, đồng thời giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của các ngành sản xuất công nghiệp của Nhật Bản ra thế giới.