Cùng với các nhà quản lý, cơ quan chức năng đang nỗ lực có những giải pháp đầu tư đồng bộ trong việc xử lý nước thải sinh hoạt thì những doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng đang góp sức mình để nâng chất lượng sống cho người dân Thủ đô.
Bức xúc nước thải sinh hoạt
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển về kinh tế, nhu cầu về nhà ở, sinh hoạt, giải trí của người dân cũng có những biến động mạnh mẽ. Hàng loạt các khu đô thị mới đã được hình thành tại những khu vực trung tâm và ngoại ô Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề về xử lý nước thải (XLNT) tại các khu vực này còn tồn tại nhiều hạn chế.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội, thực tế hiện nay có không ít các khu đô thị mới với vẻ ngoài hoành tráng, chủ đầu tư chỉ chú trọng vào xây dựng các công trình kiến trúc để kinh doanh thuận lợi nhưng lại ít chú trọng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật trong đó có việc thiếu các trạm XLNT. Thậm chí nhiều khu đô thị, khu công nghiệp đã xây dựng trạm XLNT, rác thải nhưng do công tác giám sát chưa được chặt chẽ nên đã nhiều nơi đã xảy ra vi phạm. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn khiến các hộ dân vô cùng bức xúc.
Hình ảnh thiết bị MGB tại nhà N06B2 KĐT Dịch Vọng – Từ Liêm – Hà Nội.
|
Ông Phùng Đức Phương, Phó trưởng Phòng Quản lý dự án, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện có 99 dự án khu đô thị mới, 52 dự án phát triển nhà ở được giao đất có quy hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải nhưng mới chỉ có 9 dự án có trạm xử lý nước thải đã được xây dựng và đưa vào vận hành. Nước thải không được xử lý trước khi xả vào hệ thống thoát nước chung của thành phố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không ít khu đô thị xả thẳng nước thải ra môi trường khiến các con kênh, mương quanh khu vực bị ô nhiễm, bốc mùi.
Tại khu đô thị Ciputra (quận Tây Hồ), nơi được xem là khu đô thị kiểu mẫu với kiến trúc sang trọng, quy mô rất lớn nhưng cho đến nay vẫn chưa có nơi XLNT (mặc dù trong quy hoạch được phê duyệt có), toàn bộ nước thải khu đô thị đều xả thẳng ra môi trường không qua xử lý. Không chỉ có Ciputra mà nhiều khu đô thị khác tại Hà Nội như Mỹ Đình - Mễ Trì, Yên Hòa, Văn Khê... cũng đã từng bị phạt bởi lí do xả thải gây ô nhiễm môi trường nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện hệ thống XLNT.
Hồi sinh lại môi trường bằng công nghệ mới
Thấy được thực trạng này, với mong muốn góp sức mình trong việc xây dựng môi trường xanh sạch cho cộng đồng, Công ty Cổ phần môi trường Xanh và Xanh đã nghiên cứu, sáng chế ra thiết bị XLNT tại nguồn, hố ga thoát nước không lắng cặn, thiết bị tiêu năng, hệ thống thu gom và XLNT sinh hoạt trong các tòa nhà cao tầng, phương pháp cải tạo bể phốt thành bể xử lý nước thải… đặc biệt thiết bị có khả năng biến nước thải thành nước đủ tiêu chuẩn phục vụ trồng trọt và chăn nuôi.
Xử lý nước thải cho Nhà máy Hamaden Việt Nam - Giai đoạn 2 tại Khu công nghiệp Thăng Long 2 - Hưng Yên.
|
Từ thiết bị nổi tiếng trong lĩnh vực xử lý nước thải của Nhật Bản có tên JOHKASOU, TS Trương Văn Đàn cùng các cộng sự tại Công ty Cổ phần môi trường Xanh và Xanh đã cải tiến và phát triển ra một thiết bị mới phù hợp với môi trường và điều kiện Việt Nam đó là MGB – JOKASO. Đây là thiết bị có thể xử lý được nước thải y tế, sinh hoạt, vốn phần lớn nhiễm chất thải hữu cơ, một cách triệt để và thể hiện được tính nổi trội trong phương án kinh tế, kỹ thuật .
Thiết bị MGB – JOKASO thuộc loại thiết bị chế tạo trọn gói, theo dạng kết cấu hoàn chỉnh, đáp ứng nhiều loại công suất xử lý khác nhau (dạng module). Do tính chất liền khối của hệ xử lý nên việc lắp đặt có thể tiến hành nhanh chóng, sử dụng ít diện tích, kể cả lắp đặt ngầm tại những nơi có diện tích eo hẹp hoặc những nơi có nhu cầu nghiêm ngặt về cảnh quan.
Công nghệ xử lý nước thải MGB – JOKASO hiện đã được đưa vào sử dụng trong nhiều bệnh viện, công trình xây dựng, nhiều dự án đô thị trong nước và quốc tế. Trong đó đặc biệt tại Hà Nội đã có rất nhiều tòa nhà cao tầng, khách sạn, các khu chung cư đô thị, các công trình công cộng đã lắp đặt thiết bị này để XLNT như tòa nhà CT8 Khu đô thị Dương Nội, tòa nhà CT2 Trung Văn, tòa nhà Vicem KĐT mới Cầu Giấy, nhà ga hành khách T2 Nội Bài… tất cả chủ đầu tư các công trình sử dụng thiết bị này đều cho phản hồi tốt.
Bà Nguyễn Thị Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty Xanh và Xanh cho biết, hiện nay với nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước quá lớn nhưng Công ty mới chỉ đáp ứng được phần nhỏ yêu cầu do chưa tìm được nguồn vốn đầu tư phát triển KHCN. Đây cũng là sự thiệt thòi cho các sản phẩm KHCN mà đã được thị trường chấp nhận và tin dùng. Do đó, mong muốn trước mắt của Công ty hiện nay là được tham gia chương trình đổi mới công nghệ Quốc gia nhằm sản xuất sản phẩm bằng dây chuyền hiện đại, tự động hoá. Sản phẩm được làm bằng các nguyên liệu tốt hơn, bền vững hơn. Đáp ứng nhu cầu của thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam ngang với hàng hoá cùng loại của các nước tiên tiến.
Ngoài ra, để minh chứng và tạo sự lan toả về những ưu việt của sản phẩm, bà Sơn đã đã có kiến nghị TP Hà Nội, các sở ban ngành liên quan tạo điều kiện để công ty được nhận xử lý thí điểm tại một cụm dân cư hoặc một cửa cống nước thải đổ vào sông Tô Lịch.
Với khát vọng được phục vụ cộng đồng, với mục tiêu và niềm tin hồi sinh lại môi trường, các doanh nghiệp KH&CN trong lĩnh vực môi trường đóng trên địa bàn Hà Nội đang mong muốn cùng sát cánh với TP thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và hơn lúc nào hết họ cần được quan tâm tạo điều kiện.