Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải quyết khiếu nại, tố cáo triệt để từ cơ sở

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tình hình đơn thư có chiều hướng giảm; việc thực hiện các kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) đã có hiệu lực pháp luật cũng được các đơn vị thực hiện tốt, dứt điểm nhiều vụ việc.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ việc chậm được giải quyết, dẫn đến khiếu kiện nhiều lần. Đó là vấn đề được chỉ ra qua đợt giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội vừa qua.

Vẫn còn tồn đọng

Theo kết quả giám sát, từ năm 2016 đến nay, công tác tiếp dân và giải quyết KNTC trên địa bàn TP có chuyển biến tích cực. Chất lượng giải quyết các vụ việc được nâng cao, giảm vụ khiếu kiện đông người, hiện chỉ còn các vụ đơn lẻ. Dù vậy, tại một số địa phương cho thấy, tình hình KNTC vẫn tiềm ẩn phức tạp, chủ yếu phát sinh trong quá trình triển khai GPMB một số dự án phát triển giao thông đô thị; chuyển đổi mô hình chợ; công tác dồn điền, đổi thửa xây dựng nông thôn mới...
 Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội Nguyễn Hoài Nam phát biểu tại buổi làm việc với quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Trần Thảo 
Theo tổng hợp của Thanh tra TP, các quận, huyện, thị xã: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Ứng Hòa, Gia Lâm, Sơn Tây, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Hoài Đức… có số vụ việc KNTC phát sinh nhiều. Đáng lưu ý, một số vụ việc đã được các cấp, ngành giải quyết hết thẩm quyền, có lý có tình, nhưng công dân vẫn tiếp tục KNTC.

Như tại huyện Phú Xuyên, do công tác dồn điền, đổi thửa còn vướng mắc ở một số nơi khiến một số công dân gửi đơn, thư vượt cấp. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn tồn đọng 9 vụ việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật liên quan đến đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Bảo cho rằng: Nguyên nhân là do một số xã, thị trấn giải quyết chưa dứt điểm; công tác tiếp nhận, giải quyết đơn, thư của các phòng chuyên môn của huyện còn chậm. Một số vụ việc giải quyết chưa đúng quy định, chưa đúng thời hạn nên phát sinh khiếu nại nhiều lần...

Ở hầu hết các quận, huyện, Đoàn giám sát đều cho thấy còn tồn tại những kết luận, thông báo giải quyết KNTC có hiệu lực pháp luật, chưa được thực hiện triệt để. Có những địa bàn, vụ việc đã tồn tại nhiều năm vẫn để “treo”. Nhiều quyết định giải quyết khiếu nại đã đúng chính sách, pháp luật, các cơ quan đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân nhiều lần nhưng công dân không thực hiện mà vẫn gửi đơn đến các cấp. Chế tài xử lý vi phạm trong việc thực hiện các văn bản kết luận đã có hiệu lực pháp luật cũng còn thiếu.

Xác định rõ thẩm quyền

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam, nguyên nhân của các vụ việc tồn đọng, kéo dài là do các địa phương mới chú trọng kiểm điểm xử lý cán bộ, chưa chỉ đạo khắc phục triệt để hậu quả. Đặc biệt, ở những địa phương triển khai công tác dồn điền, đổi thửa có xu hướng tăng số vụ việc KNTC do bức xúc của người dân chưa được chính quyền tháo gỡ, xử lý kịp thời, dứt điểm.

“Để giảm đơn, thư vượt cấp, KNTC nhiều lần, các cấp chính quyền cần chỉ đạo xử lý trách nhiệm cán bộ đi liền với khắc phục hậu quả” - đó là một trong những nhận định được Ban Pháp chế HĐND TP nhấn mạnh. Qua giám sát, Ban Pháp chế đã đề nghị, người đứng đầu các địa phương cần xác định rõ thẩm quyền, chủ động đối thoại, nắm tình hình, giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở. Đặc biệt là với các điểm nóng, cần có cách giải quyết cụ thể, quy rõ trách nhiệm giải quyết thuộc đơn vị nào. Đồng thời, đề ra thời điểm kết thúc vụ việc, các thông báo, kết luận, tránh tình trạng KNTC kéo dài.