Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải quyết khủng hoảng di cư châu Âu: Há miệng mắc quai?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc khủng hoảng di cư xảy ra tại châu Âu có xu hướng ngày càng “bùng nổ” khi trong vòng nửa tháng, thi thể người di cư được phát hiện tại biên giới các nước ngày càng tăng.

Trong khi đó, châu Âu vẫn chưa thống nhất được cách ứng xử với cuộc khủng hoảng di cư một cách thống nhất và thỏa mãn với các giá trị mà cộng đồng này đề ra.

Theo thống kê, 107.500 người di cư đã đến được biên giới các nước Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 7 qua - một con số cao kỷ lục và gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. Ngoài ra, ít nhất 2.500 người di cư thiệt mạng kể từ tháng 1/2015 đến nay, hầu hết chết chìm ở Địa Trung Hải.
Người di cư tràn vào Hungary bất chấp nước này đã dựng hàng rào thép gai.
Người di cư tràn vào Hungary bất chấp nước này đã dựng hàng rào thép gai.
Cuộc khủng hoảng đang đòi hỏi các nước châu Âu phải đoàn kết và thống nhất để vượt qua nhưng thực tế cho thấy, những mâu thuẫn đã xuất hiện trong nội bộ khối này. Điển hình là Hungary. Quốc gia này đã không ủng hộ chính sách phân bổ hạn ngạch người nhập cư bởi theo họ chính sách này sẽ chỉ khuyến khích làn sóng di cư gia tăng.

Trước khả năng nhập cư bất hợp pháp có thể trở thành cuộc khủng hoảng ngoài tầm kiểm soát, Hungary dựng dây thép gai dài 175km, cao 4m, trên biên giới với Serbia để chặn dòng người di cư từ các nước Balkan tràn vào. Điều này đã khiến cho một cuộc xô xát giữa người nhập cư và cảnh sát Hungary nổ ra trong 2 ngày qua, trước khi nước này quyết định mở cửa các ga tàu cho người di cư vào ngày 3/9. Cùng với Hungary, Áo cũng siết chặt việc kiểm tra các xe tải gần biên giới phía Đông nước này, gây kẹt xe kéo dài trên các con đường từ Hungary dẫn đến biên giới Áo.
Người di cư xô xát với cảnh sát Hungary.
Người di cư xô xát với cảnh sát Hungary.
Trong khi đó, Đức và Pháp lại cho rằng việc ngăn chặn người di cư là đi ngược với các giá trị mà EU theo đuổi. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius chỉ trích việc Hungary dựng hàng rào dây thép gai nhằm ngăn chặn người di cư còn Thủ tướng Đức Angela Merkel thì lên án kịch liệt các hành động quá khích nhằm vào người di cư.
Một số quốc gia lên án hành động kiểm soát biên giới của Áo là đi ngược chính sách tự do qua lại biên giới của 26 nước châu Âu tồn tại 30 năm qua. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng chỉ trích các nước châu Âu đã không giải quyết một cách thích hợp với cuộc khủng hoảng. Cách tiếp cận đáng lo ngại quốc gia châu Âu với dòng người di cư đã gây ra một sự thất vọng “Vấn đề cần được xem xét ở một góc độ quyền con người cơ bản”, Hội đồng An ninh Quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ nói với hãng tin Reuters trong một tuyên bố.

Tuy vậy, vẫn có mối đe dọa đối với các quốc gia thuộc EU nếu các quốc gia thực hiện chính sách mở cửa biên giới. Châu Âu có thể sẽ phải hứng chịu một “trận bão hoàn hảo” - bao gồm khủng bố, khủng hoảng người di cư và tội ác, theo cách gọi của các ngoại trưởng châu Âu tại cuộc họp gần đây ở Paris - Pháp. Để ngăn chặn kịch bản tồi tệ này, EU triệu tập cuộc họp khẩn của bộ trưởng nội vụ các nước thành viên vào ngày 14/9. Và vấn đề đặt ra tại cuộc họp khẩn cấp này là tìm được một giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư mà vẫn thực hiện đúng các tôn chỉ về quyền con người, nhân đạo mà EU đã đặt ra khi thành lập.