Giảm thời gian giải quyết nhiều thủ tục
Nửa đầu năm nay, một kết quả nổi bật của TP trong thực hiện cải cách TTHC là triển khai Chỉ thị 08 ngày 13/3/2018 của Thủ tướng về tăng cường biện pháp rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Cuối tháng 3, UBND TP đã giao các sở liên quan và địa phương chủ động rà soát đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện, cắt giảm thủ tục không cần thiết: Thẩm duyệt PCCC từ 30 ngày còn tối đa 20 ngày; kết nối cấp điện từ 14 ngày còn tối đa 7 ngày; đấu nối cấp - thoát nước từ 14 ngày còn tối đa 7 ngày; đăng ký đất đai, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất, quyền sở hữu (QSH) nhà ở và tài sản gắn liền với đất từ 30 ngày còn tối đa 20 ngày…
Cuối tháng 5, TP tiếp tục yêu cầu Giám đốc một số sở như Tư pháp, Công thương, KH&ĐT... báo cáo UBND TP phê duyệt, bảo đảm số TTHC có phương án đơn giản hóa đạt tối thiểu 20% tổng TTHC được giao rà soát.Từ đầu năm đến nay, TP đã thông qua phương án đơn giản hóa 61 TTHC thuộc phạm vi quản lý nhà nước của TP trong các lĩnh vực QH-KT, NN&PTNT, GD&ĐT, KH&CN, y tế, BQL các KCN&CX, LĐTB&XH. Sở TN&MT cũng rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 52 ngày chỉ còn không quá 20 ngày với thủ tục cấp GCN cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở; rút gọn thành phần giấy tờ từ 9 loại còn 4 loại; lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu giảm thời gian giải quyết TTHC từ 30 ngày còn 20 ngày... Đáng kể, một số đơn vị đã chủ động phối hợp với dịch vụ bưu chính thống nhất phối hợp trả kết quả giải quyết TTHC tại nhà, tuyên truyền bằng nhiều hình thức và hướng dẫn tại bộ phận "một cửa" khi người dân đến giao dịch.
Đẩy mạnh liên thôngCùng với đơn giản hóa thành phần hồ sơ, thủ tục, nhằm rút gọn tối đa thời gian, chi phí giải quyết TTHC cho người dân, nhiều sở, ngành TP cũng tích cực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông (MCLT) trong giải quyết hồ sơ. Đặc biệt, đầu tháng 5/2018, UBND TP đã chính thức ban hành “Quy định áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế MCLT trong cung ứng dịch vụ công (DVC) tại các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), DN, HTX tại TP”.
Với động thái này, Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên quy định thống nhất toàn TP việc áp dụng cơ chế một cửa, MCLT trong cung ứng DVC, với đối tượng áp dụng là các ĐVSNCL, UBND quận huyện, thị xã có thẩm quyền được giao hoặc được ủy quyền cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; các DN, hợp tác xã được lựa chọn hoặc giao cung ứng các dịch vụ công ích. Triển khai quyết định của TP, đáng kể nhất Sở Xây dựng đã sớm xây dựng kế hoạch áp dụng cơ chế này trong các ĐVSNCL, DN, hợp tác xã thuộc chức năng quản lý nhà nước ngành xây dựng.Trong tháng 5, TP cũng đã ban hành quyết định về liên thông giải quyết 5 TTHC giữa cơ quan nhà nước thuộc TP và EVN Hà Nội trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình điện trung áp; quy chế phối hợp thực hiện liên thông TTHC cấp phiếu lý lịch tư pháp - cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài.Tuy nhiên, theo nhận định của Phòng CCHC (Sở Nội vụ), việc xây dựng quy trình nội bộ của một số cơ quan, quy chế phối hợp giữa các đơn vị chưa có kết quả rõ nét. Nhất là, một số TTHC vẫn thiếu tính liên thông và phối hợp thực hiện; việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị của các cơ quan nhà nước và thông báo kết quả xử lý cho người dân chưa kịp thời.
Ngoài ra, còn một bộ phận cán bộ, công chức làm việc gây phiền hà cho người dân, DN. Vì vậy, TP đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tích cực thực hiện hoặc đề xuất sửa đổi những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp theo thẩm quyền, chuẩn hóa các TTHC. Đặc biệt, cần hoàn thành xây dựng quy trình nội bộ, quy trình phối hợp liên thông giữa các sở, ngành, UBND cấp huyện trong giải quyết công việc, TTHC.