Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2012: Chưa trao đã bị từ chối

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 29/1, Hội Nhà văn Việt Nam mới trao giải thưởng của Hội năm 2012, nhưng ngay khi công bố giải thưởng (ngày 16/1), hai nhà văn đã liên tiếp gửi đơn từ chối nhận bằng khen là nhà văn Y Ban ngày (18/1) và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam (ngày 19/1).

Vì sao tác giả từ chối?

Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2012: Chưa trao đã bị từ chối - Ảnh 1
Nhà văn Y Ban từ chối nhận bằng khen của giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012

Trong bức thư gửi lên Chủ tịch và Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Y Ban nêu rõ lý do không nhận bằng khen của Hội: “Tôi từ chối không nhận bằng khen. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi không thừa nhận Ban giám khảo này. Tại sao tôi lại phải chấp nhận một Ban giám khảo không đủ Tâm đủ Tầm đủ Tài? Với một lý lẽ thông thường: Dám làm dám chịu các vị cũng không dám, mà lại thích mưa móc ban ơn”. Minh chứng “nàng văn” đưa ra là cách bỏ phiếu có vấn đề: “Có 5 thành viên hội đồng có mặt. Nhà văn Bão Vũ có bản nhận xét và bỏ phiếu qua email. Nhà văn Thái Bá Lợi xin bỏ sau. Nhà Văn Trần Văn Tuấn bỏ phiếu qua điện thoại. Một chị ở Hội Nhà văn nghe điện thoại nói lại, anh Tuấn bảo anh ấy bỏ tất cho mọi người vì... chưa kịp đọc. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường cầm điện thoại nói với nhà văn Trần Văn Tuấn: Không bỏ thế được đâu. Ông đọc ai rồi thì bỏ. Nhà văn Trần Văn Tuấn bỏ phiếu duy nhất cho tác phẩm “Thành phố đi vắng”. Kết quả cuối cùng, có 4 cuốn lọt vào chung khảo: Thành phố đi vắng (6/7 phiếu), Một thế kỷ bị mất (6/7 phiếu), Trò chơi hủy diệt cảm xúc (5/7 phiếu) và Sông núi nước Nam được đề nghị bằng khen”.

Điều xui khiến nhà văn Y Ban từ chối nhận giải thưởng là vì nhà văn muốn: “Ít nhất từ năm sau, cách xét giải phải khác đi. Tôi muốn nhận xét về những tác phẩm lọt vào chung khảo phải được công khai minh bạch”. Chị còn nhấn mạnh: “Hội Nhà văn Việt Nam là hội nghề nghiệp, những người ngồi ghế giám khảo đều là những chuyên gia. Vì thế, họ phải lên tiếng chính thức chứ không phải bỏ phiếu kín như thế này”.

Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2012: Chưa trao đã bị từ chối - Ảnh 2
 
Bìa 1 và 2 cuốn sách Thế kỉ bị mất của Nguyễn Ngọc Cảnh Nam

Một ngày sau khi nhà văn Y Ban từ chối nhận bằng khen của Hội, nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam cũng từ chối giải thưởng này. Trong thư ngỏ gửi Hội Nhà văn Việt Nam, ông viết: “Tôi, Phạm Ngọc Cảnh Nam, người vừa được Hội Nhà văn Việt Nam công bố  tặng bằng khen năm 2012 cho cuốn tiểu thuyết “Một thế kỉ bị mất”. Tôi xin giành quyền được từ chối bằng khen này. Lý do đơn giản mà ai cũng thấy là giải thưởng đã không được xét đúng theo tiêu chí văn chương. Và, cũng là để cho sự trung thực còn có chỗ trú ngụ trong ngôi đền thiêng liêng của nó là văn học”.

Tự ái vì không được giải thưởng?

Thông tin hai nhà văn từ chối nhận giải thưởng vừa đưa ra đã có những lời bàn tán. Nhà văn Y Ban cho biết chị sẵng sàng đương đầu với dư luận: “Đã có người nói tôi vì không được giải chính thức thì hờn giận. Nhưng câu trả lời của tôi là nếu không vào hang thì sao bắt được cọp. Nếu không ngồi ghế ủy viên Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam thì làm sao tôi hiểu được nội tình vụ việc như thế nào”. Chị còn nhắc lại điều đã viết trong thư ngỏ về việc từ chối chiếc ghế ủy viên Hội đồng Văn xuôi của Hội: “Đã trải qua 2 mùa giải thưởng. Mùa giải năm 2011, những tác phẩm mà chị yêu thích và bỏ phiếu thì không đoạt giải. Việc tôi ngồi ở hội đồng không thể đem lại lợi ích nào cho các nhà văn, cho người viết”.

 
Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2012: Chưa trao đã bị từ chối - Ảnh 3
 
Tác phẩm "Trò chơi hủy diệt cảm xúc" của nhà văn Y Ban

Chị còn chia sẻ: “Bản thân giải thưởng không có lỗi. Trong thâm tâm của mỗi nhà văn, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam là giải thưởng của hội nghề nghiệp, điều mà nhiều người mong muốn có được bên cạnh sự đánh giá của công chúng, không ngoại trừ tôi. Tuy nhiên, người ta càng khao khát bao nhiêu thì lại càng thất vọng bấy nhiêu khi phát hiện ra sự thật. Đây không phải lần đầu tiên có người từ chối giải thưởng. Nhiều người đã từ chối rồi nhưng họ chọn cách im lặng, còn tôi thì không. Những năm trước tôi không tham gia hội đồng nên không biết và không thể nào nói được. Với việc tham gia hoạt động hai năm qua, tôi tận mắt chứng kiến nên tôi không thể làm ngơ”.

Không phải điều đáng ngạc nhiên

Theo nhà văn Đình Kính, người phát ngôn của Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên ban chung khảo giải thưởng năm 2012: “Quyền rút khỏi giải thưởng là quyền của mỗi người. Việc trao giải thưởng là quyền của Hội và ban chấp hành. Việc từ chối nhận giải thưởng không có gì đáng ngạc nhiên, đó là hiện tượng bình thường, bởi đến giải Nobel còn có người từ chối”. Về giải thưởng năm nay, ông Kính cho biết ban chấp hành sẽ có thông báo cụ thể về chất lượng của các tác phẩm đoạt giải trước lễ trao giải và đó sẽ là phát ngôn chính thức của Hội. Và khẳng định, Hội cũng sẽ rút kinh nghiệm để những lần trao giải sau tốt hơn.

Đây không phải lần đầu tiên có nhà văn từ chối giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2003, nhà văn Hồ Anh Thái đã từ chối nhận “tặng thưởng” cho tập truyện ngắn “Tự sự 265 ngày” của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2006, tác giả Ly Hoàng Ly cũng gửi thư ngỏ tới Hội xin từ chối tặng thưởng dành cho tập thơ “Lô Lô”. Lý do nhà thơ trẻ đưa ra là: “không thấy được sự nghiêm túc trong việc xét giải, ngược lại còn thấy một thái độ thiếu tôn trọng các tác phẩm mà Hội đồng đưa ra để bình bầu”. Cùng năm, tác phẩm “Thương lượng với thời gian” được trao giải ở hạng mục thơ cho Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh gây nhiều “dị nghị” vì được cho là không minh bạch. Và nhà thơ Hữu Thỉnh đã từ chối nhận giải thưởng tại lễ trao giải. Năm 2011 nhà văn Sơn Tùng và gia đình nhà văn Sơn Nam (ông đã qua đời năm 2008) xin rút khỏi đề cử Giải thưởng Nhà nước; nhà văn Nguyên Ngọc cũng từ chối cơ hội được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh do bất bình với cách hành xử mà theo họ là thiếu minh bạch của Hội Nhà văn.