Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn tại buổi làm việc, năm 2018 và 9 tháng năm 2019, cơ bản hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới trên địa bàn diễn ra ổn định; công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh đối với người, phương tiện hàng hóa được nhanh chóng và thuận lợi. Hàng năm, có gần 3.000 DN trên cả nước thường xuyên tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân vào khoảng 5 tỷ USD/năm, trong đó mặt hàng nông sản chiếm 2,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong tuần qua, một lượng lớn hàng hóa nông sản dồn về cửa khẩu Tân Thanh tăng đột biến với khoảng 250 xe/ngày. Cùng với đó là Hải quan Trung Quốc áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát quy trình hàng nhập khẩu nên thời gian kiểm tra kéo dài dẫn tới lượng xe hàng xuất khẩu trong ngày chỉ đạt 120 - 150 xe gây ùn ứ cục bộ tại cửa khẩu. Tính đến hết ngày 18/10, lượng xe ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh là 500 xe.
Ngay khi xảy ra tình trạng này, UBND tỉnh Lạng Sơn đã lập đoàn công tác làm việc với lực lượng Hải quan Trung Quốc, đề nghị phía nước bạn đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, giám sát hàng hóa. Đồng thời, không thực hiện kiểm tra, giám sát tại cổng cửa khẩu mà chỉ thực hiện khi xe hàng đã vào bãi tập kết và kéo dài thời gian làm thủ tục thông quan tới 21 giờ hàng ngày. Cùng với đó, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, các lực lượng chức năng đã tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông; thực hiện làm thêm giờ, kéo dài thêm thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa. Đặc biệt là tuyên truyền khuyến cáo với các chủ DN để có sự điều tiết hợp lý lượng hàng lên cửa khẩu. Nhờ các biện pháp can thiệp kịp thời, trong ngày 18/10 đã có 351 xe chở hàng hoa quả đã được thông quan, trong đó có 311 xe chở thanh long.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phối hợp chặt chẽ, điều tiết hợp lý lượng hàng hóa, không để tình trạng nông sản ùn ứ kéo dài. Đối với các DN cần phân loại rõ chủng loại đóng gói hàng hóa, phù hợp các điều kiện vận chuyển, giao nhận để rút ngắn thời gian xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu. Các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Lạng Sơn để nâng cao hiệu quả xử lý xuất khẩu nông sản trong thời gian tới. Theo ông Phùng Đức Tiến, về lâu dài, các địa phương trong nước tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với DN, thương nhân. Đặc biệt là hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch theo các tiêu chuẩn tiên tiến, xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa rõ ràng...