Những tín hiệu khả quan
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách Nhà nước nếu cùng kỳ năm 2013 còn đạt thấp và phải đến những ngày cuối cùng của năm mới đạt được dự toán do Quốc hội đề ra, thì bước sang năm 2014, tình hình bớt căng thẳng hơn và đã có dấu hiệu khả quan. Tổng thu ngân sách tính đến tháng 9 đạt khoảng 633 ngàn tỷ đồng, là tỷ lệ khá so với dự toán cả năm. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm có thể vượt khá so với dự toán (ngành tài chính đang đề ra mục tiêu vượt 10%, Thủ tướng giao nhiệm vụ vượt 8 - 10%). Như vậy, tỷ lệ tổng thu ngân sách/GDP 9 tháng năm nay đạt xấp xỉ 23,7%. Đây là tỷ lệ được coi là hợp lý, vừa để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa để nuôi dưỡng nguồn thu, nuôi dưỡng sức dân.
Sản xuất điện thoại di động tại Công ty TNHH SamsungElectronics Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
|
Trong thu ngân sách, thu nội địa đạt 403,8 ngàn tỷ đồng - khoản thu chiếm tỷ trọng lớn nhất (67,4%), đồng thời là khoản thu phản ánh trực tiếp nhất hiệu quả hoạt động của nền kinh tế đã đạt tỷ lệ khá so với dự toán cả năm (74,9%). Nhiều khoản thu quan trọng đạt tỷ lệ khá so với dự toán năm. Thu từ khu vực Nhà nước: 135,7 ngàn tỷ đồng, đạt 73,5%; thu từ khu vực công, thương nghiệp ngoài quốc doanh: 78,9 ngàn tỷ đồng, đạt 73,6%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: 86,3 ngàn tỷ đồng, đạt 77,3%; thu từ dầu thô: 74,22 ngàn tỷ đồng, đạt 87,1% dự toán…
Ở đầu kia, tổng chi ngân sách ước đạt 722 ngàn tỷ đồng, bằng 71,7% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 127,3 ngàn tỷ đồng, bằng 78,1% dự toán; chi trả nợ, viện trợ đạt 88,9 ngàn tỷ đồng, bằng 74,1% dự toán…
Từ những số liệu trên cho thấy, bội chi ngân sách tính đến tháng 9 ước đạt 131,7 ngàn tỷ đồng, bằng 58,8% dự toán - thấp hơn tỷ lệ đạt được của tổng thu, tổng chi. Tỷ lệ bội chi/GDP 9 tháng đạt dưới 5%. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm có thể đạt thấp hơn tỷ lệ 5,3% theo nghị quyết của Quốc hội.
Phải tăng được GDP
Kết quả tích cực như trên đạt được do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân quan trọng là do GDP (thể hiện hiệu quả của nền kinh tế) 9 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần làm cho "chiếc bánh GDP" to ra, vì đó là lợi ích chung của người lao động, của doanh nghiệp (DN) và của Nhà nước. Đồng thời, còn có nguyên nhân quan trọng là do các DN, người sản xuất, kinh doanh đã có nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đạt hiệu quả và có ý thức chấp hành tốt pháp luật về thuế của Nhà nước. Bên cạnh đó còn do sự đóng góp tích cực của công tác bảo đảm thu, chống thất thu, chuyển giá, gian lận, nợ đọng thuế.
Tuy nhiên, thách thức không nhỏ hiện nay là sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn cả về mặt tăng trưởng và hiệu quả hoạt động. Tăng trưởng chưa phục hồi, thậm chí còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, nợ xấu cao, tiêu thụ chậm, tồn kho lớn. Hiệu quả hoạt động thấp do hiệu quả đầu tư, năng suất lao động thấp, tính gia công lắp ráp cao, việc chế biến làm tăng giá trị sản phẩm chưa nhiều... Trong khi đó, tình trạng lãng phí, thất thoát còn lớn; các khoản chi cũ đã lớn, nay lại xuất hiện thêm các khoản chi mới, trong khi nguồn dự phòng ngân sách hiện rất "mỏng".
Để vượt thu 10% như quyết tâm của Bộ Tài chính, thì những tháng còn lại của năm phải thực hiện số thu tương đương với 23,7% dự toán cả năm, tức là phải thu được trên 185 ngàn tỷ đồng nữa. Bình quân một tháng phải thu khoảng 53 ngàn tỷ đồng, trong khi còn phải thực hiện miễn, giãn, hoãn thuế cho rất nhiều đối tượng DN.
Vấn đề đặt ra là phải tăng GDP. Điều này liên quan trực tiếp đến việc tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, tăng tỷ suất lợi nhuận đi cùng với việc chống thất thu, nợ đọng, chuyển giá, thực hiện quyết liệt tiết kiệm chi, tránh tình trạng vượt chi ở tất cả các đơn vị, các cấp dự toán.