Đến Quỹ Bảo lãnh tiếp cận vốn
Tài sản thế chấp luôn là nỗi lo của nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa khi thực hiện thủ tục vay vốn ngân hàng, về phía ngân hàng đã có chỉ đạo gì để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
- Tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm chỉ là phương án thu nợ thứ hai trong nghiệp vụ của ngân hàng. Chính vì thế, DN khi muốn vay vốn ngân hàng trước hết phải có năng lực tài chính, phương án kinh doanh khả thi. Khi DN đã hết tài sản thế chấp, không đủ điều kiện vay tín chấp, hiện có một hướng mở ra mới đó là Quỹ Bảo lãnh của TP (Quỹ Bảo lãnh DNNVV đang nằm trong Quỹ Đầu tư của TP) để làm các thủ tục bảo lãnh vay. Mới đây, Quỹ Đầu tư TP đã tổ chức hội nghị mời các tổ chức tín dụng trên địa bàn, kể cả Hiệp hội DN vừa và nhỏ tham gia để có thể triển khai quỹ này. Trong thời gian tới, NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu để đưa ra điều kiện cho vay tín chấp thông thoáng, phù hợp với tình hình thực tế. Mục đích giúp DN có phương án kinh doanh khả thi, có khả năng trả nợ ngân hàng có thể tiếp cận với nguồn vốn vay này.
Ông có thể nói rõ hơn về những điều kiện này?
- Trước hết đó là năng lực tài chính, phương án vay vốn, trong đó có quy định một tỷ lệ nhất định (hơn 10% vốn tự có) trong nhu cầu cho vốn kinh doanh của DN. Đồng thời, có các điều kiện khác như: DN có thể sử dụng chính tài sản hình thành từ vốn vay để bảo đảm nghĩa vụ được bảo lãnh. DN có thể tham khảo các Nghị định của Chính phủ về Quỹ Bảo lãnh, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Riêng NHNN đã có Thông tư 05/TT - NHNN hướng dẫn và chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ với Quỹ Bảo lãnh hướng dẫn cụ thể các nội dung, các hợp đồng ký kết, thỏa thuận với nhau nhằm bảo lãnh cho DN.
Một số DN phản ánh, khi tìm hiểu quy định để được bảo lãnh tại các quỹ còn chặt không khác gì vay ngân hàng. Do vậy, DN chuyển vay ngân hàng?
- Đúng là trong các quy định có quy định về tài sản bảo đảm, UBND TP với sự tham mưu của ngân hàng và Quỹ Đầu tư TP đã có văn bản gửi Bộ Tài chính tham mưu với Chính phủ sửa đổi quy định này để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho DN được bảo lãnh. Hy vọng thời gian tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu sửa đổi một số quy định đó trong nghị định về bảo lãnh. Nếu được sửa đổi, khi DN vay vốn sẽ không cần 100% tài sản đảm bảo. Thực tế thời gian qua đang tồn tại một điều chưa hợp lý đó là tài sản bảo đảm phải thực hiện ở cả Quỹ Bảo lãnh và tổ chức tín dụng. DN thiếu tài sản bảo đảm mới tìm đến quỹ, nhưng đến đấy cũng lại đòi tài sản đảm bảo là chưa hợp lý. Hy vọng thời gian tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu sửa đổi một số quy định đó trong Nghị định về bảo lãnh.
Không cào bằng
Còn việc DN muốn thế chấp bằng máy móc, thiết bị cũng gặp khó, điểm mấu chốt là gì, thưa ông?
- Việc áp dụng hình thức này còn tùy thuộc vào các tổ chức tín dụng có điều kiện cụ thể của riêng mình làm sao vừa phục vụ phát triển tín dụng, hỗ trợ DN về vốn, vừa phải đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng. Trong thời gian qua, có nhiều trường hợp cầm cố tài sản đảm bảo là tài sản, là máy móc thiết bị, hàng hóa hình thành từ vốn vay... khi đem phát mại giá trị quá thấp, thu hồi vốn không đảm bảo. Do đó, các ngân hàng đang phải cân nhắc khá kỹ trong việc nhận thế chấp cầm cố bằng những loại tài sản như vậy. Sắp tới, ngân hàng sẽ có chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiên cứu cho cụ thể, không thể cào bằng, không thể thấy rủi ro nhiều, cứ nghĩ thế chấp cầm cố bằng tài sản, máy móc, thiết bị là không chấp nhận. Như tôi đã nói ban đầu, phải căn cứ vào khả năng tài chính, phương án kinh doanh, khả năng trả nợ của ngân hàng để xem xét duyệt cho vay.
DN cũng đang mong muốn vay tín chấp dựa trên thang tín nhiệm, nhưng Việt Nam chưa có được xếp hạng các DN như nhiều nước trên thế giới. Theo ông, vướng mắc hay rào cản trong việc xây dựng thang xếp hạng tín nhiệm của DN là gì?
- Tôi cho rằng, không có rào cản nào làm trở ngại xếp hạng tín dụng của DN, bởi có rất nhiều cơ quan, đơn vị tiến hành chứ không chỉ có mỗi ngành ngân hàng. Xếp hạng tín nhiệm DN chỉ là một kênh thông tin tham khảo để áp dụng xem xét có đủ điều kiện tín chấp hay không, chứ đây không phải là điều kiện tiên quyết.
Xin cảm ơn ông!