Tại phiên chất vấn của HĐND TP Hà Nội chiều 5/7, đại biểu Nguyễn Bích Thủy - Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Pháp chế HĐND Thành phố cho biết, việc thành lập, xác nhận, hợp nhất, giải thể, quy hoạch mạng lưới các đơn vị theo ngành thời gian qua còn chậm, nhất là liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn tham mưu cho TP trong quản lý nhà nước?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ: “Từ sáng đến nay, các cơ quan báo chí phản ánh việc ở một số trường tư thục phụ huynh xếp hàng từ sáng sớm để nộp hồ sơ cho con. Đến lúc trường công bố lại không được nộp hồ sơ, dẫn đến bức xúc”.
Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định, tại thành phố Hà Nội, chỗ học không thiếu. Tuy nhiên, một số trường có uy tín, đào tạo tốt nên phụ huynh bằng mọi giá, xếp hàng sớm mong con được học ở đó.
“Chúng tôi đã có sự chấn chỉnh. Sở GD&ĐT TP luôn nỗ lực trong chuyển đổi số. Thời gian tới, sẽ triển khai tuyển sinh trực tuyến, góp phần giảm sự vất vả cho phụ huynh” - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói thêm.
Ông Trần Thế Cương nhấn mạnh, Sở luôn nỗ lực cố gắng về xây dựng mạng lưới trường học; đã và đang cùng các quận, huyện, thị xã báo cáo UBND TP thu hồi các dự án chậm triển khai để xây trường học, nhất là trong khu vực nội đô.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết thêm, năm 2016, TP chấp thuận phương án sáp nhập 30 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 16 Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp và Trung tâm dạy nghề thành 29 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, thường xuyên. Hiện nay theo phân cấp, các đơn vị này được giao về cho các quận, huyện quản lý; các trung tâm hiện nay chịu trách nhiệm đào tạo, phân luồng học sinh.
"Đến thời điểm này, Hà Nội có 2.845 trường học tại 30 quận/huyện và tăng dần theo từng năm. Tuy nhiên mỗi năm cần tăng từ 30 – 35 trường học mới đủ chỗ cho học sinh. Đến nay, TP đang quyết liệt chỉ đạo xây dựng thêm các trường học đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh trên địa bàn"- Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho biết.