Làm rõ trách nhiệm việc chậm rà soát quản lý tài sản công là nhà đất

Tiên Long - An Sơn - Thái Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 5/7, tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, đại biểu HĐND TP đề nghị lãnh đạo Sở làm rõ trách nhiệm của tình trạng chậm xử lý, sắp xếp lại quỹ nhà ở đối với các nhà ở thuộc sở hữu nhà nước giao doanh nghiệp quản lý khai thác.

Đại biểu Lưu Quang Huy (Tổ ĐB huyện Sóc Sơn) đặt câu hỏi chất vấn.
Đại biểu Lưu Quang Huy (Tổ ĐB huyện Sóc Sơn) đặt câu hỏi chất vấn.

Thực trạng xử lý, sắp xếp quỹ nhà đất công

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Lưu Quang Huy (Tổ ĐB huyện Sóc Sơn) đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng làm rõ trách nhiệm của tình trạng chậm xử lý, rà soát, kê khai, sắp xếp lại quỹ nhà ở đối với các nhà ở thuộc sở hữu nhà nước giao doanh nghiệp quản lý khai thác và giải pháp trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn của đại biểu về quản lý tài sản công, nhà đất và các dự án do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, sau khi HĐND TP Hà Nội thông qua đề án quản lý tài sản công, UBND TP đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện, khắc phục hạn chế trong lĩnh vực này.

Cụ thể, ở khu đô thị Việt Hưng, hiện đang có 112 ki-ốt. Thành phố đã thu hồi 65 ki-ốt, trong đó 35 ki-ôt đã được bàn giao cho Bộ Xây dựng. Một số các ki-ốt chưa được thu hồi do còn thời hạn hợp đồng, số còn lại đã được Công ty Dịch vụ Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUDS), thành viên của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), khởi kiện tại Tòa án quận Long Biên. Trong số này, Tòa án quận Long Biên đã hòa giải 1 trường hợp và tuyên HUDS thắng 8 vụ. Tòa án sẽ thực hiện xét xử các vụ còn lại trong năm 2023.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trả lời chất vấn. 
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trả lời chất vấn. 

Về vấn đề chậm tổ chức đấu giá quyền thuê tầng 1 và quỹ nhà không sử dụng để ở, thành phố đang quản lý hơn 80.000m2 quỹ đất loại này và còn 33.000m2 chưa có đơn vị sử dụng. Sở Xây dựng đã ban hành 3 văn bản chấp thuận danh mục đơn vị đấu giá, bao gồm Ban Quản lý nhà công (Sở  Xây dựng) phụ trách 14.300m2 và HUD phụ trách 14.012m2. Trong số này, HUD đã tổ chức đấu giá 59 điểm với diện tích khoảng 10.000m2 nhưng chỉ thành công tại 8 điểm (diện tích hơn 900m2).

Hiện tại, vướng mắc lớn nhất là quy định về dự toán thu chi đối với quỹ nhà không được sử dụng để ở liên quan đến Thông tư 124 của Bộ Tài chính. Theo Giám đốc Sở Xây dựng, về vấn đề này, Bộ Tài chính phản hồi cần hướng dẫn của Chính phủ. Hiện thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng và Sở Tài chính tách khối lượng công việc có thể thực hiện ngay để triển khai.

Thúc đẩy tiến độ chuyển đổi số trong các đơn vị

Đại biểu Nguyễn Quang Thắng (Tổ đại biểu quận Long Biên) cho biết, qua giám sát của HĐND TP cho thấy công tác xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn Hà Nội còn chậm.

Đại biểu Nguyễn Quang Thắng (Tổ đại biểu quận Long Biên) đặt câu hỏi chất vấn. 
Đại biểu Nguyễn Quang Thắng (Tổ đại biểu quận Long Biên) đặt câu hỏi chất vấn. 

Theo đại biểu, kết quả tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống phân tích thông tin, báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu còn hạn chế; dữ liệu phân tán chưa có sự rõ ràng theo phân cấp. Đồng thời, việc triển khai ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố chưa hoàn thành, chậm muộn. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở TT&TT cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp thực hiện trong thời gian tới?

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng cũng nhận định, công tác chuyển đổi số trên địa bàn TP Hà Nội còn chậm. “Với vai trò cơ quan tham mưu, Sở xin nhận trách nhiệm” – ông Nguyễn Việt Hùng nói.

Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng trả lời chất vấn. 
Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Việt Hùng trả lời chất vấn. 

Theo Giám đốc Sở TT&TT, về khách quan cho thấy, đây là vấn đề không dễ mà đây vấn đề khó, mới, nhất với quy mô đô thị lớn như Hà Nội, cần rất nhiều thời gian xây dựng và thực hiện. Việc triển khai một số nhiệm vụ tại một số địa phương còn phụ thuộc vào hướng dẫn Trung ương, bộ, ngành.

Về chủ quan, trách nhiệm thuộc Sở và một số đơn vị được TP giao nhiệm vụ triển khai không đảm nhiệm tiến độ. Cùng với đó, cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin tại các cơ quan TP còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng.

Nhận thức về vấn đề này, từ năm 2022, TP đã chỉ đạo ban hành Nghị quyết số 18 về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng năm 2030. Ngay sau khi Nghị quyết ra đời đã tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động tất cả các cấp, các ngành, đơn vị của TP.

Về công tác xây dựng cơ sở giữ liệu, TP đang quyết tâm thực hiện và đảm bảo hoàn thành trong năm 2023. Đối với hệ thống điều hành thông minh, Sở đã trình UBND TP và được chấp nhận đề án tổng thể, trong năm 2023, sẽ hoàn thành đề án thành phố thông minh và trung tâm điều hành IOC. Ngày 15/7, Sở sẽ phối hợp đối tác tổ chức một hệ thống thử nghiệm theo đúng tinh thần của Chính phủ và đảm bảo việc điều hành của lãnh đạo TP.  Giai đoạn thử nghiệm sẽ diễn ra trong vòng 1 năm.

Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân trả lời chất vấn. 
Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân trả lời chất vấn. 

Cũng liên quan đến cải cách hành chính, đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao (Tổ đại biểu quận Nam Từ Liêm) cho rằng, Sở KH&ĐT thực hiện nhiều nội dung cải cách hành chính, nhưng qua giám sát chỉ số cải cách hành chính của Sở cũng tụt giảm so với năm 2021. Giám đốc Sở nêu một số nội dung sẽ thực hiện trong thời gian tới như đối thoại với doanh nghiệp, tuy nhiên qua giám sát cho thấy, những năm qua hầu như Sở chưa thực hiện. Đại biểu đề nghị cho biết nguyên nhân, giải pháp trong thời gian tới để nâng cao thứ hạng của Sở trong bảng xếp hạng cải cách hành chính?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lâm Thị Quỳnh Dao, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân thừa nhận, thời gian qua Sở KH&ĐT chưa thực hiện được việc tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp. Thời gian tới sẽ Sở sẽ thực hiện nội dung này, đồng thời với thông qua các hình thức như tiếp nhận thông tin của doanh nghiệp qua Zalo, phòng đăng ký kinh doanh... quan trọng là giải quyết thủ tục hành chính tốt nhất, làm sao cho người dân hài lòng.