Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ: Chú trọng giáo dục thành người trước khi thành tài

Trung Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/9 tới, học sinh (HS) Hà Nội cùng HS cả nước sẽ chính thức bước vào năm học mới 2017 – 2018.

Chia sẻ trước thềm năm học mới, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định quan điểm: Chú trọng giáo dục thành người trước khi thành tài.
Năm học vừa qua, Hà Nội tiếp tục ghi dấu nhiều thành tựu, giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Đâu là những dấu ấn quan trọng mà thầy trò đã đạt được, thưa ông?
- Có thể nhìn nhận những kết quả mà thầy trò ngành GD&ĐT Thủ đô đạt được ở những điểm nổi bật như: Quy mô giáo dục tiếp tục được ổn định và phát triển; Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới. Công tác quản lý cũng có nhiều đổi mới. Với tinh thần chủ động tích cực, ngành tiếp tục tham mưu với Thành ủy, HĐND, UBND TP ban hành nhiều quyết sách, đề ra các chỉ tiêu về phát triển giáo dục, đào tạo; đặc biệt là chính sách đặc thù cho Hà Nội như đầu tư xây dựng mới 26 trường học tại 13 huyện với kinh phí gần 600 tỷ đồng.
Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được tăng cường, có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo đồng bộ về cơ cấu. Công tác thi và tuyển sinh có nhiều điểm mới, ngành đã triển khai phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 trên toàn TP, khẳng định quyết tâm trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong đổi mới quản lý, điều hành và cải cách thủ tục hành chính; góp phần tăng cường tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Thủ đô.
Vậy nhưng, tình trạng thiếu trường, lớp, phải học nhờ, học tạm vẫn còn. Liệu năm học này, Hà Nội có biện pháp gì để xóa bỏ những bất cập đó?
- Trước thực trạng thiếu cơ sở vật chất, trường học, nhiều trường xuống cấp, từ nhiều năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tích cực chủ động tham mưu với UBND, HĐND TP Hà Nội chỉ đạo các quận, huyện ưu tiên dành quỹ đất xây trường học đáp ứng theo yêu cầu. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, tập trung xóa các phòng học cấp 4 xuống cấp ở tất cả các cấp học; xây dựng, nâng cấp các nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn; tăng cường trồng cây xanh trong khuôn viên trường học tạo cảnh quan, môi trường sư phạm thân thiện, xanh - sạch - đẹp… Với đề xuất và tham mưu của Sở GD&ĐT Hà Nội, TP đã rất quan tâm đến giải quyết cơ sở vật chất, trường lớp cho các trường. Theo đó, TP đã chỉ đạo các khu chung cư, đô thị mới buộc phải có quy hoạch xây dựng trường học. Ngoài ra, cũng đã chỉ đạo các quận, huyện tìm quỹ đất để xây trường, cũng như có phương án cải tạo, nâng cấp trường lớp. Còn ở những quận trong nội thành không còn quỹ đất để xây trường học, Sở GD&ĐT Hà Nội đã và đang có chủ trương tham mưu với UBND TP, các quận, huyện cho phép trường phổ thông được nâng tầng và có thể xây dựng nhiều tầng, cho HS đi thang máy.
Năm học 2017 – 2018, Hà Nội có những giải pháp gì để duy trì vị trí “đầu tàu” về chất lượng giáo dục, thưa ông?
- Trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết 29/NQ-TW, vai trò của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là then chốt trong mọi khâu, mọi hoạt động, mọi lĩnh vực. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm học này là nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng thiết thực, bám sát thực tiễn. Nhằm tăng chất lượng giáo dục, Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, công chức, viên chức ngành GD&ĐT Hà Nội; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho 135.406 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành. Đây cũng là năm đầu tiên, ngành GD&ĐT Hà Nội triển khai bồi dưỡng đại trà cho 91.759 cán bộ quản lý và giáo viên của 30 quận, huyện, thị xã. Ngoài bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, ngành tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các hoạt động của nhà giáo ở các cơ sở đào tạo để có những chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời những khó khăn, tồn tại liên quan đến đội ngũ nhà giáo.
Còn công tác chuẩn bị cho năm học mới? Với tư cách “tư lệnh” của giáo dục Thủ đô, ông nhắn gửi gì đến đội ngũ cán bộ giáo viên và HS?
- Trong năm học qua, mặc dù đã đạt được một số thành tựu trên các mặt hoạt động, tuy nhiên ngành giáo dục Thủ đô vẫn còn những khó khăn, tồn tại nhất định. Đó là chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục còn có sự chênh lệch, chưa đồng đều giữa các trường, các quận, huyện; vấn đề dạy thêm học thêm, thu chi tài chính không đúng quy định vẫn chưa được khắc phục; Một số trường nội thành còn khó khăn về diện tích đất, không đủ tiêu chuẩn đạt chuẩn quốc gia. Điều này đòi hỏi toàn ngành phải nghiêm túc đánh giá và sớm khắc phục. Trong đó, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS đều cần chung tay góp sức để khắc phục khó khăn, xây dựng lớp mình, trường mình ổn định và phát triển.
Có thể khẳng định, đến thời điểm này mọi công tác chuẩn bị cho năm học mới đã được các nhà trường chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng chào đón HS. Một năm học mới với nhiều kế hoạch mới, tôi mong các thầy cô giáo và các em HS nỗ lực thi đua "Dạy tốt- Học tốt và Quản lý tốt" nêu cao trách nhiệm, sự tâm huyết, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục, đào tạo, kiên định mục tiêu giáo dục thành người trước khi thành tài.
Xin cảm ơn ông!

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ trao Bằng khen cho học sinh có thành tích xuất sắc năm học 2016 - 2017. Ảnh: Kim Thoa