Về mặt quy hoạch, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho hay: Theo Quyết định 69, toàn TP có 17 khu xử lý rác thải. Do yêu cầu thực tiễn, Hà Nội mới đây đã báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh bổ sung cục bộ Nhà máy xử lý chất thải rắn tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), nên đến nay, toàn TP có 18 khu xử lý rác thải. Trong quá trình triển khai thực hiện, có 8 khu hiện hữu được cải tạo, nâng cấp, mở rộng, với tổng diện tích 347,53ha; 2 khu đã có chủ trương của TP dừng chôn lấp để trồng cây xanh (Kiêu Kỵ-Gia Lâm, Vân Đình-Ứng Hòa); 6 khu đang được tiếp tục đầu tư cải tạo với diện tích 330ha, trong đó trọng tâm vào 2 khu của Sóc Sơn, Sơn Tây. Còn lại, với 10 khu tiến hành xây dựng mới, có 6 khu đang được triển khai theo hình thức xã hội hóa (XHH); 4 khu chưa triển khai, sẽ tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư và tìm hướng đầu tư phù hợp.
Bên cạnh đó, về tình hình triển khai các dự án nhà máy trong các khu xử lý chất thải, ông Quyền cho biết, qua tổng hợp của Sở KH&ĐT, hiện TP có 20 dự án. Trong đó, 14 dự án đã có quyết định đầu tư, với tổng diện tích 170ha, tổng công suất 10.400 tấn/ngày. Về hình thức đầu tư, có 12 dự án đầu tư trực tiếp, 2 dự án theo hình thức TPP; 13 dự án đầu tư trong nước và 1 dự án đầu tư nước ngoài. Đến nay, có 5 dự án đi vào hoạt động, 5 dự án đang được thực hiện các thủ tục đầu tư, 1 dự án đang được lựa chọn nhà đầu tư, 1 dự án đã có quyết định đầu tư nhưng di chuyển địa điểm (dự án công nghệ cao tại khu xử lý Bắc Sơn), 2 dự án đã được TP có chủ trương dừng chôn lấp để trồng cây xanh, 4 dự án đang được nghiên cứu đầu tư. Các dự án còn lại đang được triển khai theo chủ trương.Liên quan đến tổng nguồn vốn đầu tư lĩnh vực rác thải, theo tổng hợp của Sở giai đoạn 2011-2017, có tổng kinh phí 6.335 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đầu tư cho hạ tầng khu xử lý rác (chủ yếu tập trung cho khu Nam Sơn và khu Xuân Sơn) với kinh phí 1.665 tỷ đồng; hỗ trợ đầu tư hạ tầng xã hội cho những xã bố trí quỹ đất phục vụ các khu xử lý rác với tổng kinh phí 870 tỷ đồng. Về kêu gọi XHH đầu tư, đến nay đã có 14 dự án có quyết định đầu tư, TP đã thu hút được tổng đầu tư 3.800 tỷ đồng. Về những vấn đề liên quan khu xử lý rác ở Sóc Sơn, theo Giám đốc Sở KH&ĐT, hiện khu có 6 dự án đang triển khai, trong đó 3 dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách, 1 dự án bằng vốn XHH, 2 dự án được đầu tư bằng hình thức TPP. Trong đó, 2 dự án đã được thực hiện xong, 3 dự án đang triển khai và 1 dự án chuyển về Xuân Sơn (Sơn Tây). “Các dự án lĩnh vực rác thải, đúng là có chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn để hạn chế tối đa việc chôn lấp, nhưng hiện còn nhiều khó khăn. Trước hết, do liên quan đến lĩnh vực này thực sự chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Về công nghệ thì từ lãnh đạo TP đến lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện hết sức băn khoăn, cân nhắc trong viếc lựa chọn công nghệ sao cho tốt nhất, hiện đại nhất mà phải cân đối được nguồn lực. Đồng thời, liên quan đến giải phóng mặt bằng, các dự án này muốn triển khai nhanh cũng gặp nhiều khó khăn. Chính những điều đó đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án xử lý rác thải của TP”, ông Quyền lý giải.Với các khu xử lý rác nói chung và khu Xuân Sơn nói riêng, ông Quyền cho biết: Lộ trình triển khai theo đăng ký của các nhà đầu tư và chỉ đạo của TP, phấn đấu đến năm 2020, TP sẽ cơ bản đưa các dự án đi vào hoạt động, cơ bản đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải. Nhưng quan trọng nhất là TP phải giải quyết được bài toán lựa chọn công nghệ sao cho hiện đại, chủ yếu về việc đốt rác và phát điện, xử lý được đầu vào trong quá trình phân loại rác và đầu ra sao cho chuyển hóa được than để không có độc tố. “Vừa qua TP đã có chỉ đạo, đang từng bước có tháo gỡ. Tới đây, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hy vọng các dự án sẽ được đẩy nhanh, đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải trên địa bàn”, ông Quyền nói.