Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm gánh nặng ngân sách

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, tiền chi trả trợ giá cho xe buýt của Hà Nội là hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Đây là một gánh nặng không nhỏ đối với ngân sách TP, và gánh nặng đó có thể vơi bớt, thậm chí giảm mạnh nếu chuyển từ cơ chế đặt hàng sang đấu thầu cung ứng dịch xe buýt.

Xe buýt vẫn đang là lực lượng chủ công trong vận tải hành khách công cộng của Hà Nội. Lợi thế lớn nhất của xe buýt là giá rẻ, và được tạo nên bởi sự quan tâm thiết thực của chính quyền TP thông qua việc trợ giá bằng tiền ngân sách.

Nhưng ở chiều ngược lại, khoản tiền trợ giá xe buýt mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng đang gây ra cho Hà Nội một số khó khăn nhất định. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, các lĩnh vực như y tế, giáo dục… đều đang đòi hỏi ngày càng nhiều khoản đầu tư khổng lồ. Chính vì vậy, Hà Nội đang xem xét việc đưa ra đấu thầu cung ứng dịch vụ xe buýt để giảm dần mức trợ giá nhằm dành thêm nguồn lực thiết yếu cho xã hội.

Nói như vậy không có nghĩa là nên cắt giảm trợ giá xe buýt bằng mọi giá để rồi khiến giá vé xe buýt tăng vọt, gây khó khăn cho người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển vận tải công cộng và hạn chế phương tiện cá nhân. Muốn vừa giảm được tiền trợ giá, vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ xe buýt với giá vé không tăng, TP cần phải đưa hoạt động xe buýt về đúng bản chất của nó. Trên thực tế, xe buýt cũng là một loại hình dịch vụ, được các đơn vị vận tải khai thác, kinh doanh. Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh, ai mang đến chất lượng tốt nhất, giá rẻ nhất sẽ là người chiến thắng.

Thay vì đặt hàng cung ứng dịch vụ xe buýt như trước đây, Hà Nội sẽ đưa các tuyến buýt có trợ giá ra đấu thầu. Đơn vị nào cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất với giá vé thấp nhất, mức trợ giá từ ngân sách nhỏ nhất sẽ được khai thác. Thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức đấu thầu 16 tuyến buýt có trợ giá. Kết quả cho thấy, so với đặt hàng, việc đấu thầu đã cắt giảm 65 tỷ đồng trợ giá cho 16 tuyến buýt này. Đó là con số không khỏi khiến nhiều người giật mình tiếc nuối. Toàn TP hiện có 112 tuyến xe buýt, trong đó 90 tuyến có trợ giá. Nếu đem cả 90 tuyến này đấu thầu, ngân sách có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Từ khoản tiết kiệm đó sẽ có thêm nhiều con đường, ngôi trường, trung tâm y tế… được xây nên; góp phần cải thiện an sinh xã hội cho biết bao người dân Thủ đô.

Mặt khác, kết quả từ việc đấu thầu cung ứng dịch vụ xe buýt thời gian qua cũng cho thấy Hà Nội đang đi đúng hướng trên con đường phát triển hiện đại, minh bạch. Đấu thầu cũng đồng nghĩa với việc sẽ khó lòng phát sinh hiện tượng “xin - cho”; cơ hội kinh doanh, phát triển sẽ được chia đều cho tất cả. Điều quan trọng nhất là người dân Hà Nội vẫn được sử dụng dịch vụ xe buýt với chất lượng ngày càng cao mà giá thành hợp lý.