70 năm giải phóng Thủ đô

Giảm giá hàng đông, khuyến mãi hàng hè

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều ngày nay, trên địa bàn Hà Nội, có vô số các cửa hàng quần áo treo biển giảm giá hàng đông, khuyến mại khi mua hàng hè.

KTĐT - Nhiều ngày nay, trên địa bàn Hà Nội, có vô số các cửa hàng quần áo treo biển giảm giá hàng đông, khuyến mại khi mua hàng hè.

Giảm giá hàng đông “hút” khách

Sau tết, thời tiết đã ấm dần lên, nhiều cửa hàng bán quần áo trên đường Kim Mã, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Bạch Mai...đều treo biển giảm giá hàng đông từ 10% đến 50% để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Nhiều bạn trẻ cứ sau giờ học là lại rủ nhau đi chọn đồ. Tiêu chí của họ thường là giá cả phải chăng, càng rẻ càng tốt, chất lượng vải tốt, màu sắc và kiểu dáng phải trẻ trung, phù hợp với lứa tuổi hoặc môi trường họ sử dụng.

Chia sẻ về sở thích săn hàng đông của mình, Lan, một sinh viên năm thứ 2 cho biết “sau tết, bọn em còn có chút tiền mồng tuổi để giành nào là đầu tư cho việc mua sắm quần áo, giầy dép…hết. So với đợt đầu đông, thì bây giờ quần áo ít có mốt mới lắm, màu sắc cũng không đa dạng như đợt đầu. Tuy nhiên, giá cả “mềm” hơn hẳn nên bọn em vẫn rủ nhau đi chọn xem có cái nào đẹp thì mua để giành cho mùa đông năm sau”.

Với tiêu chí mua sắm như trên, địa điểm mà các sinh viên hay chọn là các chợ quần áo lớn như chợ Nhà Xanh, chợ Ngã tư sở, chợ Nghĩa Tân, chợ Phùng Khoang …nếu bạn chọn mua vào ban ngày. Chợ đêm sinh viên trên đường Xuân Thủy, chợ Đồng Xuân, … nếu bạn chọn mua hàng vào buổi tối. Nếu có điều kiện một chút, các bạn trẻ thường chọn các shop lớn, có thương hiệu để mua hàng giảm giá.

Tuy nhiên, Nam, một sinh viên trường đại học Kiến Trúc than vãn “người ta treo biển giảm giá vậy thôi chị ạ, chứ thực ra giá cả vẫn khá cao. Cùng một chiếc áo ở cửa hàng này là 230 nghìn sau khi đã giảm giá 20%, nhưng khi sang cửa hàng bên cạnh em đã “sốc” vì mình bị hớ 30 nghìn rồi. Chưa kể tới chất lượng của chúng, chưa chắc đã “ổn”, nên khi mua các bạn cần xem xét kĩ để tránh tiền mất tật mang”.

Hải Yến, sinh viên năm cuối trường Đại học Quốc gia Hà Nội, người từng có nhiều năm kinh nghiệm “săn” hàng giảm giá chia sẻ “có vẻ như mình đã mắc thói nghiện mua sắm hay sao ý. Cứ mỗi đợt cuối đông mình lại đi săn hàng đông giảm giá. Cố gắng lựa chọn cho mình một món đồ đẹp, thật độc mà giá cả rẻ để giành cho lúc trời trở lạnh và cho cả mùa đông năm sau. Còn hàng hè bây giờ chỉ nên đi xem tham khảo thôi, chứ giá đắt mà chưa có nhiều mốt mới đâu”.

Hàng hè ồ ạt đổ bộ thị trường

Mặc dù nàng hè chưa chính thức gõ cửa thủ đô, nhưng nhiều ngày nay, thời tiết đã ấm dần lên rõ rệt. Các cửa hàng quần áo đồng loạt cất hàng hè về bán để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Tại một số cửa hàng, họ vẫn sử dụng một số chiêu quảng cáo quen thuộc để hút khách như: Giảm giá hàng hè tới 50 %, mua 1 tặng 1, hay mua 1 tặng 3, “Giá ở đây rẻ nhất Hà Nội”, bán với giá sỉ, thanh lý hàng hè, đại hạ giá … Hoặc là những biển quảng cáo to oành khiến nhiều bạn trẻ ngẩn ngơ: “A, đây rồi”, “hàng đẹp mới về”, …

Có một số chủ cửa hàng “cao tay” hơn khi treo biển tuyển nhân viên khiến nhiều bạn trẻ “tưởng bở”, chú ý tới họ, vào cửa hàng xem hàng, và rồi thất vọng đi ra vì “chị tìm được người rồi em ạ”. Trên thực tế, chiếc biển tuyển nhân viên vẫn được treo rất cẩn thận từ năm này qua năm khác, trong khi các quán bán quần áo đó vẫn “đã đủ người rồi”.

Nhung Hương, một sinh viên của trường Đại học Hà Nội đầy phấn khích “giờ mới chớm hè, mặc dù mẫu mã, kiểu dáng quần áo chưa đa dạng, chưa có nhiều mốt mới, nhưng mình cần dùng tới đồ hè với cả lúc này giá cả cũng chưa đắt lắm nên mình và các bạn cùng phòng đã tranh thủ đi mua vài bộ. Trung bình mỗi bộ đồ lửng chỉ từ 30 – 70 nghìn, đủ màu sắc, kích cỡ. Còn đồ công sở, quần áo để mặc đi học thì cứ phải tầm hơn trăm mới “xịn” được”. Bạn có thể vào các shop bán cả bộ quần áo để đỡ phải …kết hợp. Còn nếu có chút thẩm mĩ thì mình nên tự chọn rồi kết hợp chúng với nhau sao cho đẹp mắt”.

Cẩn thận với những chiêu "móc túi"

Theo kinh nghiệm mua sắm của một số bạn trẻ ở Hà thành thì khi đi mua sắm, người mua hàng nên cẩn thận để tránh bị lừa với các chiêu như: giảm giá “ảo”, nói thách, hét giá trên trời mà hàng “dỏm” hoặc hàng bị lỗi.

Bác Thành, chủ một cửa hàng quần áo ở chợ đêm tiết lộ “thường thì những bộ quần áo đổ đống, đại hạ giá ở phía trước gian hàng này đều là hàng lỗi! Chúng bị lỗi như đường kim mũi chỉ xấu, hoặc nhầm size, hoặc lỗi một công đoạn nào đó trong quá trình sản xuất nên họ không xuất khẩu đi được và bán đi với giá rẻ. Nhưng mà chất vải của nó khá tốt, còn tốt hơn cả một số bộ đồ “xịn” trong cửa hàng này nên nhiều người vẫn chấp nhận móc hầu bao ra tậu về”.

Còn chị Tâm, chủ một cửa hàng khác thú thật “nhiều bạn trẻ tinh mắt lắm. Họ khéo chọn đồ tốt, biết trả giá. Còn một số em, nhất là các sinh viên năm thứ nhất, thứ hai thì rõ là … “gà”. Ngoài chợ thì làm gì có hàng hiệu chuẩn mà chúng nó cứ thấy D&G, L&V hay Lacotte …là tranh nhau mua. Và dù một số chủ cửa hàng khác “bắt nạt”, nói thách tới bao nhiêu đi chăng nữa thì chúng cũng chỉ dám trả xuống một chút (khoảng 10 – 20 nghìn) là cùng”.

Cùng quan điểm với chị Tâm, sinh viên Linh Chi nói “đã đi mua ở chợ là phải trả giá …nhiệt tình vào. Có lần mình trả xuống còn một nửa giá mà người bán đưa ra, lúc đầu họ không đồng ý. Song khi thấy mình tỏ thái độ không hào hứng mua chiếc áo đó lắm, rồi còn bỏ đi thì họ lại gọi lại và kì kèo thêm một chút nữa, thậm chí mình vẫn trả giá đó, họ đã chịu bán cho mình. Thấy “sốc” với mức giá trên trời của họ quá. Vậy nên khi mua về rồi vẫn sợ “hớ””.