Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm khai thác nước ngầm trong trung tâm thành phố

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 4/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cùng lãnh đạo các sở, ngành đã nghe Cty CP Nước và Môi trường Việt Nam (đơn vị tư vấn lập quy hoạch) báo cáo lần 2 về quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

KTĐT - Ngày 4/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cùng lãnh đạo các sở, ngành đã nghe Cty CP Nước và Môi trường Việt Nam (đơn vị tư vấn lập quy hoạch) báo cáo lần 2 về quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Đến 2020, 100% cư dânđô thị được cấp nước sạch


Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội hiện có 4 công ty làm nhiệm vụ cấp nước cho người dân. Theo khảo sát của Cty CP Nước và Môi trường Việt Nam, nguồn nước cấp cho Hà Nội chủ yếu lấy từ nguồn nước ngầm (3/4 công ty sử dụng nguồn nước ngầm) với tổng cộng 251 giếng. Nguồn nước mặt hiện mới được bổ sung thêm từ sông Đà công suất 300.000 m3/ngày đêm nhưng mới chỉ cấp cho khu vực phía Tây Nam Hà Nội. Tổng công suất cấp nước của 4 công ty đạt trung bình 662.000 - 730.000m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân số được cấp nước sạch tại 9 quận nội thành cũ đạt 92,94%; 5 huyện ngoại thành đạt 20%; quận Hà Đông đạt 90,8% và thị xã Sơn Tây đạt 72%. Dự kiến, tổng nhu cầu cấp nước sạch vào năm 2020 là trên 1,9 triệu m3/ngày đêm, vào năm 2030 là xấp xỉ 2,7 triệu m3/ngày đêm và đến năm 2050 là xấp xỉ 3,15 triệu m3/ngày đêm. Để đáp ứng nhu cầu này, phải có phương án khai thác nước ngầm hợp lý tại khu vực Hà Nội cũ. Giai đoạn đến năm 2020 ngừng khai thác nước ngầm tại các nhà máy nước Tương Mai, Hạ Đình, Pháp Vân và một số nhà máy quy mô nhỏ, chỉ tiếp tục khai thác nước ngầm tại khu vực trung tâm Hà Nội với công suất 400.000m3/ngày đêm. Đồng thời tăng cường khai thác, sử dụng nước mặt sông Hồng, sông Đà và sông Đuống với việc xây dựng các nhà máy sản xuất nước sạch lấy từ nước mặt sông Hồng và sông Đuống.


Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, 100% cư dân đô thị được cấp nước sạch. Với khu vực nông thôn, dự kiến dến năm 2020, khoảng 30% người dân sống gần các đô thị được cấp nước sạch từ mạng lưới cấp nước dô thị. Đến năm 2030, tỷ lệ này được nâng lên 40%...


Cuối tháng 11 hoàn chỉnh quy hoạch


Đại diện Sở TN&MT cho rằng, đơn vị tư vấn cần làm rõ về phần nguồn, mạng cấp nước cho thủ đô theo từng giai đoạn. Cụ thể phải làm rõ khi nguồn nước ngầm cạn thì phải có lộ trình dừng các nhà máy khai thác nước ngầm và lộ trình xây dựng các nhà máy khai thác nước mặt các con sông.


Đại diện Sở QHKT chỉ ra rằng, đến năm 2020 nhu cầu sử dụng nước của TP là gần 2 triệu m3/ngày, đêm gấp 3 lần công suất khai thác nước hiện có. Do đó việc lập quy hoạch phải đề ra được chi tiết việc phát triển phần nguồn nước mới cũng như mạng cấp nước cho nhân dân.


Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng, đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quantập trung hoàn chỉnh quy hoạch để cuối tháng 11 báo cáo TP. Trong báo cáo quy hoạch phải làm rõ một số nội dung quan trọng như: phạm vi nghiên cứu cấp nước, tiêu chuẩn cấp nước; rà soát lại các thông số trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô làm cơ sở để tính toán quy hoạch cấp nước và đưa ra dự báo nhu cầu sử dụng nước phù hợp. Bản quy hoạch phải tính tới cả yếu tố giảm các nhà máy khai thác nước ngầm trong trung tâm thành phố, từ đó tăng cường khai thác nước mặt từ các con sông. Ngoài ra, dù bản quy hoạch đã cụ thể hóa và chi tiết trong quy hoạch cấp nước, nhưng chưa tính tới việc đề ra nguồn cung nước quá cao, nhưng không tính tới thực tế nguồn nước không thể đáp ứng được. Do đó phải tính đến việc sử dụng lại nước để giảm nguồn cung cấp nước.