Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm lãi suất có dễ?

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, trong bài phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu giảm ít nhất 0,5% lãi suất cho vay trong năm 2020, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên. Trên thị trường, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) bước vào đợt tăng lãi suất huy động mới. Trong khi đó, lãi suất cho vay và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng khá ổn định.

Ảnh minh họa
Báo cáo thị trường tiền tệ hàng tuần vừa cập nhật của Nhóm phân tích SSI Research thuộc Công ty chứng khoán SSI cho biết, trong tuần đầu tiên của tháng 11/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành 46 nghìn tỷ đồng tín phiếu và có 52.000 tỷ đồng tín phiếu đến hạn, tương đương bơm ròng 6.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng. Kênh OMO vẫn không phát sinh giao dịch mới, duy trì số dư bằng 0.
NHNN Việt Nam cũng có động thái nới lỏng hơn khi gia tăng lượng tiền đồng thông qua bơm ròng trên thị trường mở và các giao dịch mua ngoại tệ. Mới đây, trong bài phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu giảm ít nhất 0,5% lãi suất cho vay trong năm 2020, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên.
Tuy vậy, theo SSI Research, trong ngắn hạn từ giờ đến cuối năm, xu hướng lãi suất vẫn khó dự đoán. Lãi suất trên thị trường 1 vẫn khó giảm do tính mùa vụ. Theo SSI, dù một số NHTM công bố điều chỉnh giảm nhẹ trên biểu lãi suất nhưng mức lãi suất thực tế không có nhiều thay đổi, mức giãn cách giữa các nhóm NHTM vẫn rất rộng.
Cụ thể, lãi suất huy động phổ biến trong khoảng 4,1-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3 - 7,8%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8,1%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng.
Trước đó, NHNN đã có động thái hạ một loạt lãi suất điều hành khoảng 25 điểm phần trăm vào trung tuần tháng 9, là đợt điều chỉnh đầu tiên kể từ tháng 7/2017, khi mà NHNN lúc đó đã cố gắng giải quyết đà tăng trưởng chậm, sau đó tiếp tục cắt giảm lãi suất tín phiếu 25 điểm phần trăm vào tháng 10/2019. Lần giảm lãi suất gần nhất của NHNN phản ánh chính sách điều hành thận trọng, chủ động phòng ngừa các rủi ro bên ngoài.
Trong khi đó, hoạt động huy động vốn dự kiến vẫn sôi động khi nhiều ngân hàng có nhu cầu cải thiện các chỉ số an toàn. Lãi suất huy động đã có nhiều đợt tăng dù mức tăng không đột biết. Những tháng cuối năm được cho là giai đoạn “về đích” doanh thu và lợi nhuận của các tổ chức tín dụng, do đó “định hướng của NHNN từ nay đến cuối năm là sẽ nỗ lực để duy trì ổn định mặt bằng lãi suấ nhưng mức lãi suất sẽ không thay đổi nhiều, nếu có giảm cũng không đáng kể” - Chuyên gia tài chính, ngân hàng Bùi Quang Tín phân tích.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá, kinh tế Việt Nam đang ổn định, tỷ giá và lạm phát đều trong tầm kiểm soát ngay cả khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Bên cạnh đó, VNĐ là đồng tiền ổn định hiếm có trên thế giới dù rằng nhiều đồng tiền đã mất giá mạnh trong thời gian qua. Quan trọng hơn cả, sức khỏe của các ngân hàng cũng rất tốt, vốn điều lệ cùng tổng tài sản đều tăng trong vài tháng trở lại đây và đã có 14 ngân hàng đáp ứng được Basel II về an toàn vốn.
Thanh khoản của hệ thống dồi dào, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế ổn định, dư nợ tín dụng đi theo đúng mục tiêu. Việc chủ động cắt giảm lãi suất này, kết hợp với những yếu tố vĩ mô thuận lợi như sự ổn định của tỷ giá, lãi suất và dự trữ ngoại hối tăng, về lâu dài sẽ tạo đủ dư địa về chính sách.