Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi):

Giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, băn khoăn quy định rút BHXH một lần

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, để hạn chế rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, có nhiều giải pháp, trong đó có việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới lộ trình giảm xuống còn 10 năm...

Hạn chế tối đa hưởng BHXH một lần

Trong chương trình Phiên họp thứ 26, cho ý kiến lần thứ 2 về Dự án Luật BHXH (sửa đổi), vẫn còn ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về quy định rút BHXH một lần.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, về BHXH một lần, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, người lao động. Do vậy, cần phải tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng BHXH một lần, tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, về BHXH một lần, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, về BHXH một lần, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và vấn đề an sinh xã hội lâu dài

Cùng đó, cần hết sức lưu ý quan tâm việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, đặc biệt là quy định về BHXH một lần, để thống nhất nhận thức về mục tiêu của chính sách, đó là khi có việc làm thì người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm hằng tháng trích một phần tiền lương, thu nhập (người lao động 8%, người sử dụng lao động 14%) để đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí để khi đến tuổi nghỉ hưu hoặc suy giảm khả năng lao động thì người lao động được hưởng lương hưu hằng tháng (rút từ tiền của người lao động, người sử dụng lao động đã đóng và tích lũy).

Vì vậy, phải chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH một lần như Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đã xác định, hướng tới hạn chế tối đa việc người lao động hưởng BHXH một lần thì mới có thể thực hiện được mục tiêu mở rộng độ bao phủ của chính sách BHXH, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân sau độ tuổi lao động.

Tán thành giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu

Về số năm đóng bảo hiểm tối thiểu để được hưởng lương hưu, trong Thường trực Ủy ban Xã hội có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với đề xuất của Chính phủ việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ quy định 20 năm như hiện hành để đảm bảo tiền lương hưu được nhận không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm một mức sàn an sinh xã hội nhất định.

Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp

Nhóm ý kiến này cho rằng, việc quy định giảm xuống còn 15 năm dễ tạo điều kiện để người tham gia nhiều lần “rút bảo hiểm một lần”, nhất là trong bối cảnh số lượng người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng hiện nay.

Thường trực Ủy ban Xã hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất; cho rằng, quy định giảm số năm đóng bảo hiểm để hưởng chế độ hưu trí sẽ hấp dẫn người lao động hơn, tỷ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH sẽ tăng trong trung và dài hạn, tạo điều kiện cho người lao động nhiều tuổi có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH, cải thiện tính công bằng.

Việc điều chỉnh giảm số năm tối thiểu đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu lần này là thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết số 28.

Việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia BHXH để được hưởng chế độ hưu trí với mức tối thiểu là cần thiết để khuyến khích người lao động người có quá trình tham gia BHXH không liên tục bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ người lao động ở lại trong hệ thống BHXH.

Lộ trình giảm xuống còn 10 năm đóng BHXH được hưởng lương hưu

Cho rằng Chính phủ đã rất khẩn trương tiếp thu chỉnh lý Dự án Luật, cơ bản nghiêm túc thực hiện những ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, quy định về hưởng BHXH một lần là vấn đề lớn nhất trong sửa đổi Luật lần này. Để hạn chế rút BHXH một lần, cần có nhiều giải pháp, trong đó có việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới lộ trình giảm xuống còn 10 năm.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người dân, người lao động có quyền rút hay không rút BHXH một lần
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người dân, người lao động có quyền rút hay không rút BHXH một lần

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, người dân, người lao động có quyền rút hay không rút BHXH một lần. Chúng ta xử lý trong sửa đổi Luật thì vẫn phải bảo đảm quyền này. Phương án có nhiều nhưng trên cơ sở ý kiến, hồ sơ hoàn thiện của Chính phủ, Ủy ban Xã hội và các cơ quan tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu, thẩm tra để tạo được sự đồng thuận.

Tại phiên làm việc, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sau phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần trước, Chính phủ đã tiếp thu căn bản, đặc biệt là 6 nhóm vấn đề, 13 nội dung đã được tiếp thu trong Dự thảo Luật. Ngày 19/9, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng ký tiếp thu các nội dung đó, kèm theo Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), hiện chỉ còn một nội dung là các phương án cho rút BHXH một lần.

“Đây là vấn đề rất hệ trọng, nếu chúng ta công bố sớm các phương án có thể tạo hiệu ứng nhất định với xã hội. Mặt khác, khi thay đổi những chính sách lớn, phải báo cáo với Chính phủ để xin ý kiến. Vì vậy, trước mắt cơ quan soạn thảo sẽ lắng nghe thêm ý kiến định hướng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.