Bộ LĐTB&XH đã gửi Chính phủ dự thảo báo cáo Quốc hội về tiếp thu, giải trình ý kiến đối với dự án Luật BHXH sửa đổi. Bộ LĐTB&XH cho rằng đã đề xuất chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em đối với người tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình trao đổi, thảo luận, Chính phủ quyết định chưa bổ sung nội dung này vì: Thêm chế độ mới thì phải có nguồn kinh phí đảm bảo. Trong khi đó, nếu dùng tiền từ quỹ BHXH thì phải tăng tỷ lệ đóng của người lao động, người sử dụng lao động; điều này là không phù hợp khi tỷ lệ đóng đã khá cao và DN còn gặp nhiều khó khăn.
Trường hợp sử dụng nguồn kinh phí từ Ngân sách nhà nước thì chưa thể cân đối bố trí được. Nếu điều chỉnh từ các quỹ ngắn hạn khác là không phù hợp, bởi vì trong quá trình xác định tỷ lệ đóng của các quỹ ngắn hạn đều đã tính toán đến việc cân đối quỹ. Một số quỹ ngắn hạn hiện nay còn kết dư lớn là do chưa thực hiện đầy đủ chính sách đã quy định.
Bộ LĐTB&XH cho rằng, chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em mặc dù chưa được thực hiện toàn diện nhưng cũng đã được lồng ghép trong nhiều chế độ, chính sách khác. Đó là chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ: Tối thiểu 160.000 đồng/trẻ/tháng; thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Chính sách trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo… được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ. Nhà nước đóng BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Theo Bộ LĐTB&XH, sau 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, cả nước có gần 4,5 triệu lượt người lao động rút BHXH một lần. Trong đó chỉ có gần 1,3 triệu lượt người lao động sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tham gia BHXH, chiếm gần 28% số lượt người nhận BHXH một lần gia đoạn 2016 – 2022, trên 70% không quay lại. Sáu tháng đầu năm 2023 có 665.000 người rút BHXH một lần.
Tổ chức ILO cho rằng, an ninh thu nhập không đảm bảo khi mất việc làm là nguyên nhân chính dẫn đến người lao động rút BHXH một lần. Lao động nữ rút BHXH một lần là do phải chịu gánh nặng về chăm sóc con lớn hơn so với lao động nam.
Việc người lao động rút BHXH một lần sớm, trước khi nghỉ hưu có thể bị ảnh hưởng đáng kể đến an ninh thu nhập tuổi già của họ. Để tăng cường hệ thống BHXH để người lao động không có nhu cầu rút BHXH một lần, nhờ đó an ninh thu nhập khi về già được đảm bảo, Tổ chức ILO khuyến nghị: Cung cấp cho các gia đình/trẻ em một khoản trợ cấp hàng tháng dựa trên số con họ có; mở rộng diện bao phủ và tăng mức trợ cấp thất nghiệp nhằm giảm bớt số người lao động rút BHXH một lần.