Tiền rút BHXH một lần thấp hơn tổng giá trị lương hưu hàng tháng
Người lao động rút BHXH một lần sớm có thể ảnh hưởng đáng kể đến an ninh thu nhập tuổi già của họ. Việc này có thể trở nên đặc biệt nghiêm trọng hơn trong những năm cuối đời của người lao động, khi cần có nhiều sự hỗ trợ hơn do chi phí y tế tăng.
Trong báo cáo tóm tắt kỹ thuật Rút BHXH một lần ở Việt Nam Xu hướng, thách thức và khuyến nghị, do Tổ chức ILO và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, mới công bố, cho thấy: Trong hầu hết các trường hợp, giá trị của khoản rút BHXH một lần luôn thấp hơn tổng giá trị hiện tại ròng của các khoản lương hưu nhận được hàng tháng. Một nghiên cứu gần đây ở Mỹ ước tính mọi người mất trung bình 15% đến 20% những gì sẽ nhận được trong khoảng thời gian 20 hoặc 30 năm, khi nhận BHXH một lần. Ở Malaysia vào đầu những năm 2000, một bộ phận lớn người lao động nhận được các khoản chi trả BHXH một lần để nghỉ hưu sớm đã sử dụng hết toàn bộ số tiền đã rút trong 3 năm.
Mục đích của lương hưu là bảo đảm an ninh thu nhập, người lao động đã nghỉ hưu có thể chi trả các khoản chi tiêu ở tuổi già như thuê nhà, tiện ích, thực phẩm, do đó việc trả định kỳ hàng tháng phù hợp hơn. Thế nhưng ở Việt Nam người lao động có thể rút BHXH một lần vào bất kỳ thời điểm nào trong khi đi làm, làm tăng nguy cơ lao động chưa tính đến các nhu cầu dài hạn, vì hầu hết mọi người chỉ bắt đầu nghĩ và lập kế hoạch khi họ gần đến tuổi nghỉ hưu.
Ngoài ra, với số lượng lớn các khoản rút BHXH một lần có thể gây ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả và tính bền vững của toàn bộ hệ thống hưu trí đóng góp. Tỷ lệ rời khỏi hệ thống BHXH ở Việt Nam đặc biệt cao, phần lớn là do người lao động có nhu cầu rút BHXH một lần để đảm bảo an ninh thu nhập khi có các tình huống bất ngờ khác nhau trong suốt vòng đời của họ. Một báo cáo gần đây của ILO ước tính: Đối với phụ nữ, tỷ lệ tham gia BHXH giảm từ 58,5% với nhóm tuổi 25 – 29, xuống còn 30% đối với nhóm tuổi 40 – 44 và tiếp tục giảm nữa ở lứa tuổi lớn hơn. Đối với nam giới, tỷ lệ tham gia BHXH ở nhóm trẻ tuổi thấp hơn đáng kể so với phụ nữ, đó là gần 40% với nhóm 25 – 29 tuổi, giảm xuống trên 20% với nhóm 40 – 44 tuổi.
“Những con số này cho thấy, đối với Việt Nam, việc tăng tỷ lệ bao phủ BHXH đòi hỏi phải có trọng tâm kép, vì nó phải tập trung không chỉ vào cách thu hút lao động mới tham gia mà còn phải làm sao để sau khi tham gia, người lao động không rời bỏ hệ thống BHXH”- ILO cho hay.
Bổ sung hai chế độ chính sách BHXH ngắn hạn
Theo Tổ chức ILO, chi trả một lần cho việc ngừng đóng BHXH là một trường hợp hiếm thấy ở các quốc gia khác nhưng chiếm phần lớn trong tất cả các khoản rút tiền một lần ở Việt Nam. Tỷ trọng này còn tăng ở giai đoạn 2016 – 2019 so với giai đoạn 2013 – 2016, lần lượt từ 82% lên 93%. Có nghĩa cứ 100 lao động rút BHXH một lần thì có 93 người rút trong trường hợp sau 1 năm ngừng đóng.
Ngoài ra còn có sự khác biệt đáng kể về xu hướng hưởng BHXH một lần giữa khu vực tư nhân và khu vực công. Thể hiện ở trong giai đoạn 2016 – 2019 khu vực tư nhân có 2.261.419 người rút BHXH một lần thì khu vực công là 220.397 người. Rút BHXH một lần do ngừng đóng rất phổ biến ở người trẻ tuổi và phụ nữ. Vào năm 2019, khoảng 69% các khoản thanh toán bảo hiểm một lần do ngừng đóng là cho phụ nữ trước 35 tuổi. Phụ nữ nhận BHXH một lần hơn có liên quan đến việc sinh con. Nhiều phụ nữ được phỏng vấn cho biết cần có những khoản tiền trợ cấp ngắn hạn để trang trải các chi phí liên quan đến việc sinh con và nuôi con.
Tổ chức ILO nhận định, việc người lao động rút BHXH một lần liên quan chặt chẽ tới mức độ bấp bênh về thu nhập. Hai vấn đề đặc biệt trong cuộc sống dẫn đến việc nhận BHXH một lần là mất việc làm và sinh con. Người lao động ở Việt Nam sử dụng các khoản chi trả BHXH một lần để thay thế các tính năng mà hệ thống BHXH không có hoặc không đủ mạnh. Vì thế, Việt Nam cần xây dựng hệ thống BHXH hấp dẫn hơn đối với người lao động bằng cách tăng cường các chế độ trợ cấp ngắn hạn.
Và, có hai chế độ chính sách BHXH ngắn hạn đặc biệt phù hợp để đáp ứng một số nhu cầu mà người lao động hay sử dụng tiền BHXH một lần, đó là trợ cấp trẻ em/gia đình, tăng và mở rộng trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, các gia đình được hỗ trợ một khoản trợ cấp hàng tháng dựa trên số con và tiếp cận tốt hơn với dịch vụ chăm sóc trẻ mẫu giáo. Chế độ này sẽ khuyến khích những người lao động trẻ tiếp tục ở lại hệ thống, thay vì rút BHXH một lần...
Mở rộng diện bao phủ và tăng mức trợ cấp thất nghiệp là một chính sách quan trọng nhằm giảm bớt động cơ người lao động rút BHXH một lần. Bởi, trong hầu hết các trường hợp người lao động mất việc làm là thách thức lớn nhất đối với an ninh thu nhập của họ. Nếu người lao động được tiếp cận các khoản trợ cấp thất nghiệp sẽ là chìa khóa để vượt qua những thách thức (chuyển sang làm việc phi chính thức và rút BHXH một lần).
ILO cũng khuyến nghị, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần được bổ sung bằng các cơ chế, chính sách kích hoạt mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Việc tiếp cận tốt hơn với đào tạo nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm và tín dụng có thể giúp người lao động tìm được công việc mới phù hợp với năng lực nhanh hơn và giảm nhu cầu rút tiền BHXH một lần.