Tuy nhiên, thủ tục chuyển viện theo bảo hiểm y tế (BHYT) lên tuyến trên hoặc về tuyến dưới còn nhiều phức tạp và mất thời gian...
Nên “khai tử” giấy chuyển viện?
Thực tế cho thấy, hiện nay, bệnh nhân điều trị ở bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh muốn chuyển lên tuyến trên thì phải xin giấy chuyển tuyến. Có trường hợp người bị bệnh nặng đi khám ở Hà Nội nhưng bị yêu cầu quay ngược 200km về quê nhà để xin giấy chuyển tuyến, gây phiền hà về mặt thủ tục.
Đại biểu (ĐB) Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, có rất nhiều ý kiến về việc bệnh nhân khi đi khám bệnh phải xin giấy chuyển viện. Việc này, rất phiền toái, rất mất thời gian và rất mệt mỏi. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh đã khá thông, cộng với tỷ lệ hơn 93% dân số Việt Nam đã có BHYT, ĐB cho rằng “barie (rào chắn) đi xin giấy chuyển viện nên được bãi bỏ”. ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị đẩy mạnh tiến trình thông tuyến trong lần sửa đổi Luật BHYT sắp tới, để người có BHYT muốn KCB ở đâu cũng được, phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng KCB, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc...
ĐB Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng, việc chuyển bảo hiểm có hai ý nghĩa: để quản lý quỹ cho BHYT và không để vượt cấp lên tuyến trên quá nhiều với những bệnh thông thường; để giải quyết vấn đề này ĐB đề xuất, cơ sở y tế tuyến huyện làm được các kỹ thuật gì thì cần công khai danh mục đó, còn kỹ thuật nào không làm được thì đương nhiên người dân được phép chuyển mà không cần phải xin giấy chuyển.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, để giảm thủ tục hành chính về giấy chuyển tuyến, Bộ Y tế đang tập trung sử dụng việc chuyển tuyến điện tử, giải tỏa khó khăn cho người dân. Việc giảm thủ tục phiền hà cho người dân khi đi KCB phải bảo đảm sự bền vững của hệ thống y tế, tránh quá tải dồn lên tuyến trên.
Theo Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, hệ thống y tế của nước ta gồm 4 tuyến (xã, huyện, tỉnh, T.Ư). Tại Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, bổ sung (có hiệu lực từ 1/1/2024) cũng quy định sự phân cấp chuyên môn trong KCB, gồm 3 cấp (cấp KCB ban đầu, cấp KCB cơ bản và cấp KCB chuyên sâu). Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng tuyến, thực hiện việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực phù hợp.
Tuyến đầu tiên, gần người dân nhất là trạm y tế tuyến xã, hiện với hơn 10.000 trạm y tế trên cả nước. Đây là tuyến y tế cơ sở thực hiện quản lý và chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân.
Tuyến huyện và một phần tuyến tỉnh có chức năng khám và điều trị hầu hết các bệnh trừ các trường hợp bệnh nặng, cần trình độ chyên môn sâu và trang thiết bị hiện đại. Hiện tại, cả nước có hơn 2.500 cơ sở KCB tuyến huyện và tuyến tỉnh.
Các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, các khoa đầu ngành của bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh viện T.Ư (hơn 200 cơ sở) tập trung KCB đối với các trường hợp bệnh nặng, thực hiện các kỹ thuật đòi hỏi chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại mà tuyến dưới không thực hiện được. Ngoài ra, tuyến này còn có chức năng nghiên cứu, đào tạo chuyển giao kỹ thuật và chỉ đạo tuyến. Các bệnh viện này được đầu tư ở mức độ cao nhất cả về cơ sở vật chất và nhân lực.
Tạo thuận lợi cho người bệnh chuyển tuyến
Từ năm 2016, BHYT thông tuyến huyện; năm 2021 thông tuyến tỉnh. Tức là người bệnh có thẻ BHYT được tự do đi khám ở tất cả bệnh viện huyện và tỉnh, không cần giấy chuyển viện vẫn được hưởng nguyên quyền lợi, nếu có cần giấy chuyển viện thì chỉ đơn thuần là về chuyên môn. Đây là cố gắng rất lớn của ngành BHXH nhằm bảo đảm quyền tự do chọn lựa cơ sở khám chữa của người dân, cũng như thúc đẩy sự vươn lên của các bệnh viện.
Đề cập đến vấn đề chuyển tuyến, Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc cho rằng, việc quản lý KCB tại các tuyến bằng giấy chuyển tuyến là công cụ phù hợp, cần thiết. Nếu không quản lý bệnh nhân theo tuyến, chắc chắn sẽ phá vỡ hệ thống y tế, đồng thời nhu cầu KCB tập trung ở các bệnh viện tuyến trên, tuyến cuối để điều trị, kể cả với các trường hợp không phù hợp và không cần thiết với tình trạng bệnh. Điều này không chỉ gây quá tải cho cơ sở y tế tuyến trên, gây phiền hà cho chính người bệnh mà còn gây lãng phí cơ sở vật chất, nhân lực ở tuyến dưới do không tận dụng hết công suất sử dụng.
Theo các lãnh đạo bệnh viện, giấy chuyển tuyến vẫn là thủ tục cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều bệnh nhân đã rơi vào tình cảnh trớ trêu vì quy định xin giấy chuyển viện. Giấy chuyển tuyến là nỗi ám ảnh cho những người bệnh nặng. Dù có nhiều cố gắng nhưng giữa các bệnh viện địa phương và T.Ư vẫn sự chênh lệch về nhiều mặt, khiến xu hướng chuyển tuyến bệnh nhân nặng cao hơn.
Lãnh đạo một bệnh viện tại Hà Nội đưa ra ý kiến, việc xem xét chuyển sang giấy chuyển tuyến điện tử là hoàn toàn hợp lý nhưng vẫn cần có các giải pháp trước mắt cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai.
Nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh trong việc “chuyển tuyến” và bảo đảm đúng quy định, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc cho rằng, cần quy định cơ sở y tế thuộc cấp ban đầu, cấp cơ bản (tương đương cơ sở KCB tuyến huyện theo quy định hiện hành) là các đơn vị chịu trách nhiệm quản lý KCB ban đầu cho tất cả các đối tượng tham gia BHYT. Nghiên cứu quy định chỉ áp dụng “thông tuyến KCB BHYT” giữa cơ sở KCB các cấp đối với các trường hợp đã được chẩn đoán bệnh và cần điều trị chuyên khoa sâu (như ung thư, tâm thần, bệnh máu, các bệnh cần sử dụng kỹ thuật can thiệp điều trị hoặc phẫu thuật, Lao kháng thuốc, HIV) mà cơ sở thuộc cấp cơ bản không thực hiện được.
Quy định cơ sở KCB thuộc cấp chuyên sâu chuyển người bệnh về cấp cơ bản điều trị tiếp sau khi đã hết giai đoạn cấp tính đối với các trường hợp cần tiếp tục theo dõi, quản lý và điều trị nội trú; chuyển về cơ sở KCB thuộc cấp KCB ban đầu quản lý, theo dõi đối với các trường hợp bệnh mạn tính.
Là đơn vị đã thực hiện bệnh án điện tử, TS Nguyễn Khuyến - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho hay, khi quyết định chuyển bệnh nhân lên viện tuyến trên (cũng sử dụng hệ thống bệnh án tương thích), bệnh viện chỉ cần ấn nút, toàn bộ bệnh án điện tử sẽ được chuyển đi. Bệnh nhân không mất nhiều thời gian chờ đợi xin chữ ký, thủ tục ghi hồ sơ chuyển viện. Thầy thuốc tại tuyến trên sẽ nắm rõ tiền sử bệnh tật của ca bệnh sắp được chuyển đến. Tuy nhiên, để chuyển tuyến bệnh nhân được hiệu quả nhất cần kết hợp telehealth (KCB từ xa), tránh tình trạng chuyển bệnh nhân “khống” (chuyển tuyến nhưng không khám tại tuyến dưới).
Bệnh viện quá tải đồng nghĩa với chất lượng điều trị kém đi, người bệnh phải chịu hậu quả. Như vậy, vẫn phải duy trì quy định về chuyển tuyến. Những kỹ thuật đơn giản có thể làm ở tuyến dưới thì không cần chuyển lên tuyến trên. Nếu bỏ giấy chuyển viện, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã quá tải lại càng quá tải hơn. Người dân sẽ đổ dồn lên tuyến trên thì bệnh viện không còn thời gian để thực hiện kỹ thuật chuyên sâu.
TS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức