Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm rủi ro tỷ giá với USD

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường toàn cầu đang hồi hộp trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến vào trung tuần tháng 12 này với những đồn đoán về khả năng cơ quan này sẽ nâng lãi suất.

Giới đầu tư từ lâu đã đặt cược đồng USD tăng giá khi dự đoán FED sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ vào phiên họp ngày 15 - 16/12 sắp tới. Tại thị trường Việt Nam, càng gần ngày họp của FED, tỷ giá USD/VND xuất hiện những đợt tăng ngầm.

Sẵn sàng bán ngoại tệ

Sáng 10/12, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại (NHTM) thay đổi liên tục, tăng giảm trái chiều. Một số NH điều chỉnh tăng giá USD trong khi số khác lại điều chỉnh giảm. Giá mua vào cao nhất là 22.450 đồng trong khi giá bán ra cao nhất 22.530 đồng. Ông Lê Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc VIB nhận xét, giá vàng trên thế giới "rớt" sâu nên chênh lệch giữa thị trường trong nước và quốc tế lớn, dẫn đến các tác động nhất định về tâm lý. Tuy nhiên, những biến động trên thị trường ngoại hối thời gian qua chủ yếu do cung, cầu ngoại tệ cuối năm, khi DN nhập khẩu hàng phục vụ Tết và mua ngoại tệ trả nợ.
Giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh Ngân hàng Quốc tế Hà Nội. 	 Ảnh:  Trần Việt
Giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh Ngân hàng Quốc tế Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Liên quan đến lo ngại về việc FED tăng lãi suất, ông Deepak Mishra -  chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, FED tăng lãi suất là một sự kiện có thể xảy ra nhưng không phải quá ngạc nhiên, bởi đây là một sự kiện xác định được. Tại thị trường Việt Nam, ông Deepak Mishra đánh giá: "Tỷ giá đã được điều chỉnh thông qua việc phá giá VND một cách từ từ và quản lý tỷ giá linh hoạt hơn".

Thực tế, trong cuộc họp với đại diện các tổ chức tín dụng gần đây, ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn bày tỏ quan điểm tiếp tục giữ tỷ giá trong biên độ dao động cho phép trong tháng cuối cùng của năm bằng việc tiếp tục bán ngoại tệ ra thị trường và sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thị trường ngoại hối như giảm vị thế nắm giữ USD của NHTM, không cho DN mua ngoại tệ trước thời điểm thanh toán… làm giảm tình trạng đầu cơ ngoại tệ.

Theo Tổng Giám đốc một NH, cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn thặng dư cao nhờ vào đầu tư nước ngoài, kiều hối, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn đang thuận lợi cho việc giữ ổn định tỷ giá USD/VND. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã được ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm xuống mức thấp nhất còn 0,25% đối với cá nhân và 0% đối với tổ chức, nhưng huy động vốn bằng USD vẫn tăng.

Lường trước “sóng gió”

Đối với thị trường ngoại hối Việt Nam, việc FED tăng lãi suất lần đầu tiên sau 7 năm duy trì ở mức thấp sẽ không quá đáng ngại vì đợt điều chỉnh tỷ giá và biên độ tỷ giá hồi tháng 8/2015 đã được xem là khá nặng tay cho mục tiêu định hướng tỷ giá của năm nay. Nhưng tỷ giá sẽ thế nào trong năm 2016, nhất là từ cuối quý I/2016 trở đi là câu hỏi phức tạp.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề đáng lo ngại là năm 2015, Việt Nam xuất hiện hiện tượng thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế khiến áp lực tăng tỷ giá thêm căng thẳng. NHNN đã gồng mình để giữ tỷ giá đúng cam kết cũng như giữ ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, việc dự trữ ngoại tệ chỉ còn khoảng trên 30 tỷ USD, tương đương với khoảng 10 tuần nhập khẩu là một con số quá nhỏ. Số liệu dự trữ ngoại hối được NHNN công bố vào cuối tháng 7/2015 là 37 tỷ USD. Báo cáo của Ngân hàng HSBC chỉ ra số liệu đáng ngại về nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam bị sụt giảm mạnh, "bốc hơi" khoảng 6,7 tỷ USD trong quý III/2015. "Vấn đề đặt ra là, nếu NHNN tiếp tục bán ngoại tệ can thiệp can thiệp thị trường thì chi phí bỏ ra rất lớn. Sau khi đã dùng tất cả các biện pháp hành chính, tỷ giá sẽ vẫn giữ được ổn định vào cuối năm nay nhưng bước sang đầu năm 2016 thì nhiều khả năng sẽ có những áp lực mới. Đây cũng là một chu kỳ thường xảy ra trong những năm gần đây" - TS Hiếu phân tích.

Nhận định về xu hướng lãi suất và tỷ giá hối đoái trong năm 2016 TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế cho rằng, tỷ giá hối đoái trong năm 2016 dự báo còn nhiều biến động khi chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ còn nhiều bất ngờ để bảo vệ nền kinh tế của nước này. "VND đã bị phá giá tới 5% trong khi cam kết năm 2015 chỉ ở mức 2%, đó cũng là tình thế bất khả kháng mà bất cứ nhà điều hành nào cũng không thể lường trước. Năm 2016, NHNN vẫn nhắm vào mục tiêu ổn định tỷ giá ở mức 2 - 3% trong bối cảnh thị trường thế giới diễn ra bình thường, nhưng nếu có biến động mạnh, ví dụ của CNY (đồng Nhân dân tệ) hoặc bất ổn ở các nước đang phát triển thì có thể ta sẽ phải điều chỉnh linh hoạt theo cung cầu thị trường".
Mặt bằng tỷ giá hiện nay vẫn dưới trần quy định của NHNN. Mặc dù cầu có tăng lên chút ít, nhưng NHNN rất quyết liệt khi bán ngoại tệ ra thị trường, qua đó thể hiện rõ thông điệp ổn định tỷ giá trong năm 2015. Tất nhiên, không thể khẳng định một cách chắc chắn VND không thể bị ảnh hưởng bởi các đồng tiền khác trên thế giới trong năm 2016. Đặc biệt, trong bối cảnh 2016 nhiều khả năng xu hướng biến động của các đồng tiền sẽ tiếp tục.
Ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam