Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát chất lượng nông sản về Thủ đô

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 22/12, TP Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 21 tỉnh, TP trên cả nước. Tới dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu.

Các bên cùng có lợi
Gần 5 năm qua, Công ty CP Chế biến nông sản Bảo Minh (Hà Nội) đã phối hợp với các hộ nông dân huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích 300ha. Tham gia chuỗi, người nông dân được cung cấp giống, phân bón, được tập huấn các kỹ năng canh tác lúa an toàn, đặc biệt được bao tiêu đầu ra với giá cao hơn 5 - 10% so với giá thị trường.

Triển khai chương trình phối hợp, đến nay, các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản an toàn giữa DN của Hà Nội với các tỉnh, TP đang phát huy hiệu quả cao. Hà Nội trở thành thị trường tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm an toàn qua kênh siêu thị Fivimart, Vinmart, Metro, Big C; hệ thống các cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn như: Biggreen, Bác Tôm, Sói Biển…

Người dân tham quan, mua sắm sản phẩm tại cửa hàng phân phối theo chuỗi của Công ty CP Thủy Thiên Nhu tại quận Cầu Giấy. Ảnh: Trọng Tùng

Sự phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã mang lại lợi ích rất lớn cho các bên liên quan: Người dân Hà Nội được tiếp cận và an tâm với nông sản an toàn khắp nơi trên cả nước; thúc đẩy năng lực tiêu thụ nông sản cho các tỉnh, TP tham gia chuỗi. Đặc biệt, các DN và người nông dân cũng được hưởng lợi.

Làm tốt công tác truy xuất nguồn gốc nông sản

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, việc kiểm soát chất lượng nông sản cần được Hà Nội tiếp tục quan tâm, làm tốt. Theo đó, năm 2018, Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội và các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả nghị quyết của Quốc hội về giám sát ATTP. Thúc đẩy vùng chuyên canh sản xuất rau, thịt an toàn. Đối với Hà Nội, cần tăng cường kiểm soát nông sản tại các chợ đầu mối, đồng thời làm tốt công tác truy xuất nguồn gốc, nhất là sản phẩm thịt.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đề nghị trong thời gian tới, Sở NN&PTNT, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các chương trình liên kết, không chỉ nhằm mục tiêu tăng về số lượng, mà còn cần phải bảo đảm nông sản về với Thủ đô thực sự an toàn. Nhân rộng các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiêu thụ nông sản nhằm thúc đẩy thị trường bán lẻ và để người dân Thủ đô dễ dàng tiếp cận.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cũng mong muốn các tỉnh, TP quy hoạch vùng chuyên canh các sản phẩm chủ lực của địa phương, gắn liên kết vùng theo chuỗi nông sản bền vững, kết hợp với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm… tạo ra những sản phẩm an toàn cung cấp cho Hà Nội.
Bộ NN&PTNT vừa ban hành Chỉ thị số 10548/CT-BNN-QLCL về việc tăng cường bảo đảm ATTP trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. Theo đó, đề nghị các tỉnh, TP tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản thủy sản có nguy cơ mất an toàn cao, tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, xử lý nghiêm và công bố rộng rãi các đơn vị vi phạm để người dân biết.
Liên Bộ: NN&PTNT, Y tế, Công Thương cần sớm xem xét, sửa đổi Nghị định số 38/NĐ-CP nhằm tránh chồng chéo trong quản lý Nhà nước về ATTP. Đồng thời, xây dựng và ban hành Bộ tiêu chuẩn hợp quy về chất lượng ATTP để các DN làm căn cứ sản xuất và tự chịu trách nhiệm về sản phẩm cung ứng”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường