Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giám sát chặt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tại huyện Phúc Thọ

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển cụm công nghiệp được xem là một trong những hướng đi quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Cũng bởi vậy, việc giám sát chặt quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp là vấn đề hết sức quan trọng.

Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ giai đoạn I được khởi công tháng 9/2024.
Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ giai đoạn I được khởi công tháng 9/2024.

Tuân thủ đúng quy hoạch

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Phúc Thọ đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt thành lập 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích 94,86ha và tổng mức đầu tư 1.995 tỷ đồng. Cụ thể gồm các cụm công nghiệp: Liên Hiệp giai đoạn 2 (12ha), Tam Hiệp (20,9ha), Long Xuyên (5,96 ha), Võng Xuyên (5,91ha), Thanh Đa (8,3ha), Nam Phúc Thọ giai đoạn 1 (41,7ha).

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Cấn Văn Hồng cho biết: hiện nay, cả 6 cụm đang thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, Cụm công nghiệp Thanh Đa đã cơ bản hoàn thành công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, sẵn sàng cho thuê đất thương phẩm. 5 cụm công nghiệp còn lại đang tổ chức thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài 6 cụm công nghiệp mới được thành lập, huyện Phúc Thọ còn có 2 cụm công nghiệp được hình thành từ trước Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng diện tích 28,7ha ở xã Liên Hiệp và thị trấn Phúc Thọ. 2 cụm công nghiệp hiện do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện là Chủ đầu tư gồm: cụm công nghiệp thị trấn Phúc Thọ (20,6ha) và cụm công nghiệp Liên Hiệp giai đoạn 1 (8,1ha).

Việc thực hiện thẩm định, phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng các cụm công nghiệp được thực hiện theo đúng các quy định về quy hoạch chi tiết khu chức năng được quy định tại các Luật, Nghị định, văn bản có liên quan. Các cụm công nghiệp đã khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thực hiện thi công theo đúng quy hoạch được duyệt.

Sản xuất đồ mộc tại làng nghề xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ).
Sản xuất đồ mộc tại làng nghề xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ).

Ưu tiên hộ làng nghề, có công nghệ sản xuất

Tại buổi giám sát mới đây của Đoàn đại biểu HĐND TP Hà Nội (đơn vị bầu cử số 28) về kết quả thực hiện công tác quy hoạch cụm công nghiệp, triển khai đầu tư xây dựng và quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Phúc Thọ giai đoạn 2021 - 2025, đại diện chủ đầu tư các dự án cụm công nghiệp đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án.

Đơn cử như công tác quy chủ, lập bản đồ giải phóng mặt bằng còn khó khăn. Giá đền bù, hỗ trợ về đất, cây cối, hoa màu, tài sản vật kiến trúc còn thấp. Tiến độ thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khác chậm và phải đề nghị gia hạn nhiều lần do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm...

Theo Bí thư Huyện uỷ Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn, phát triển cụm công nghiệp là yếu tố then chốt để phát triển nhanh, mạnh nền kinh tế của địa phương. Để các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện phát triển và hoạt động có hiệu quả, ông Nguyễn Doãn Hoàn đề nghị các đơn vị được giao làm chủ đầu tư quyết liệt hơn nữa trong triển khai.

Các cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện tăng cường công tác phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp đã được thành lập, đảm bảo hạ tầng đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường. Thúc đẩy quy hoạch, phát triển và hoạt động có hiệu quả các cụm công nghiệp trên địa bàn thời gian tới.

Bí thư Huyện uỷ Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn cũng đề nghị các chủ đầu tư lên kế hoạch xúc tiến, thu hút các dự án vào sản xuất - kinh doanh tại các cụm công nghiệp. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp, hộ, cơ sở sản xuất tại các làng nghề; các dự án sử dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất lớn. Đồng thời, liên kết các cụm công nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.