Sau hơn 24 năm thành lập và phát triển, hệ thống QTDND ở Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hệ thống hiện có 1.178 QTDND, hoạt động ở 57 tỉnh, thành với tổng tài sản hơn 100.000 tỷ đồng. Trong số các loại hình tổ chức tín dụng, QTDND đang là mô hình có tỷ suất sinh lời dẫn đầu hệ thống, cao hơn hẳn các ngân hàng thương mại. Trong cả giai đoạn 2007 - 2015, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các QTD luôn cao hơn bình quân toàn ngành, lần lượt đạt 0,49% và 5,49%.
Số liệu tới hết tháng 10/2017 cũng cho thấy, gần 1.200 QTD huy động trên 82.000 tỷ đồng và cho vay khoảng 76.000 tỷ đồng, cung cấp tín dụng cho khoảng 8 - 9 triệu người.
|
Người dân làm thủ tục vay vốn tại Quỹ tín dụng Nhân dân phường Quang Trung, quận Hà Đông. Ảnh: Hải Linh |
QTD có nghiệp vụ giống như ngân hàng, nhưng khác với ngân hàng là các QTDND chỉ được hoạt động theo địa bàn, huy động từ các thành viên trong địa phương và cũng chỉ được cho vay chính các thành viên đó. Nhờ vậy, các QTD nắm bắt khá rõ về khách hàng vay vốn. Lãi suất cho vay tại các QTD tuy cao hơn ngân hàng nhưng vẫn thấp hơn nhiều nếu so với các "hụi", dịch vụ cầm đồ hay tín dụng "đen". Do đó, mô hình QTDND vốn được NHNN cho là cách thức tốt để hạn chế tín dụng "đen" trong nông thôn. Tuy nhiên, loại hình tín dụng này còn tồn tại những yếu kém ảnh hưởng đến an toàn hoạt động không chỉ của từng QTDND mà đối với cả hệ thống tín dụng. Vụ việc diễn ra tại QTD Thái Bình (tỉnh Đồng Nai) đang được điều tra. Với “chiêu” trả thêm lãi ngoài 4%/năm, Giám đốc QTDND Thái Bình đã thu hút được nhiều người gửi tiền. Đến nay, vị giám đốc này cùng gia đình đã trốn khỏi địa phương, mang theo số tiền 50 tỷ đồng của 82 người dân gửi vào đây. Trước đó, cũng có khá nhiều vụ lùm xùm quanh việc hoạt động của các QTD.
Biến tướng, lách luậtTheo đánh giá của chính những người đang công tác tại các QTD, trong số hơn 1.100 QTD hiện nay, rất nhiều quỹ vận hành kiểu “gia đình”, khâu kiểm soát, giám sát nội bộ lỏng lẻo. Để cạnh tranh huy động vốn, rất nhiều quỹ chi trả lãi suất rất cao hơn 4 - 5%/năm so với ngân hàng để hút tiền gửi trong dân, sau đó cho vay các lĩnh vực "nóng" như bất động sản, tiềm ẩn rủi ro rất cao.
Theo các chuyên gia, mô hình QTD vẫn rất cần thiết, song phải nâng tầm vai trò quản lý của ban điều hành, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát. “Sau khi QTD Thái Bình xảy ra sự cố để tránh rủi ro phá sản, chủ quỹ “mất tích”, các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBND địa phương - cơ quan giám sát QTD phải tổ chức mô hình HTX thực chất. Có nghĩa người gửi tiền phải ở địa phương, không được huy động từ địa phương khác. Từ đó, các thành viên khác trong quỹ sẽ biết rõ tình hình tài chính của người vay và dễ xử lý khi xảy ra sự cố” - Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ.
Thông tin từ NHNN, NHNN đang chỉ đạo chi nhánh tỉnh Đồng Nai tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của QTDND Thái Bình; phối hợp với cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của những cá nhân liên quan để có các biện pháp thu hồi nợ trả tiền gửi cho người dân. Cũng theo cơ quan quản lý, cùng với tái cơ cấu ngân hàng, tái cơ cấu QTD cũng được cụ thể hóa trong Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Chính phủ thông qua. Theo đề án này, NHNN sẽ rà soát, phân loại và nhận diện các QTD quá yếu kém để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp. Cụ thể, các QTD quá yếu kém, không có khả năng phục hồi trở lại và việc phá sản không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống thì sẽ bị thu hồi giấy phép, thực hiện phá sản theo quy định của pháp luật.