Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về những nghi ngại khi triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 6% hỗ trợ thị trường bất động sản, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu (ảnh bên) cho rằng, trong thời điểm hiện tại, chúng ta cần có lòng tin về việc vốn sẽ chảy đúng đối tượng và không làm khó người có nhu cầu thực sự về nhà ở.
Không dễ tiếp cận
Ngày 1/6 tới, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ chính thức được triển khai. Ông đánh giá thế nào về gói này và tính hiệu quả của nó?
- Thực sự, 30.000 tỷ đồng chỉ là một con số rất nhỏ so với giá trị lượng hàng tồn kho trên thị thị trường bất động sản. Tuy nhiên, đây sẽ là bước khởi đầu rất tốt, kích thích thị trường. Và khi thị trường được hâm nóng lại, nó sẽ tự vận hành.
Những lời hứa về việc vốn sẽ chảy tới đúng đối tượng, điều kiện cho vay sẽ thoáng hơn... đã khiến những đối tượng được vay vốn lãi suất 6% hy vọng nhiều hơn. Liệu, việc tiếp cận vốn có dễ dàng không, thưa ông?
- Dễ dàng thì chắc là không. Vì những người muốn đi vay theo gói này thì phải đạt được những yêu cầu theo quy định của NHNN, Bộ Xây dựng và của chính ngân hàng cho vay. Vì ngân hàng phải chịu trách nhiệm về các khoản cho vay của mình nên chắc chắn điều kiện cho vay sẽ khó "thoáng". Ví dụ, khách hàng sẽ phải chứng minh được thu nhập đủ trả nợ, dĩ nhiên là mức thu nhập này không thể quá thấp. Hay những người đã vướng vào nợ xấu, "tiền án" về thương mại và hình sự, những người không đủ yêu cầu về thu nhập, hay những người thu nhập đủ, nhưng chi tiêu quá mức… đều khó tiếp cận vốn.
Theo Thông tư thì lãi suất tối đa 6% sẽ được áp dụng trong 10 năm. Sau 10 năm, mức lãi cho vay sẽ được vận hành theo lãi suất thương mại. Ông nói gì về điều này?
Theo ý kiến cá nhân tôi, sau 10 năm, người vay phải trả theo lãi suất thương mại thì sẽ rất khó cho người thu nhập thấp. Thông thường, họ cần một khoảng thời gian dài hơn 10 năm, thậm chí là 20 - 30 năm. Như thế, một người thu nhập trung bình 6 - 8 triệu mới có thể vay nổi.
Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nếu được giám sát tốt sẽ góp phần hâm nóng thị trường bất động sản. Ảnh: Thanh Hải.
Vốn chảy đúng chỗ và câu chuyện niềm tin
Nhiều ý kiến lo ngại về việc liệu ngân hàng có chấp nhận tài sản thế chấp là căn hộ đang mua của người vay hay không? Hoặc cũng có thể là ngân hàng chỉ chấp nhận và dành ưu tiên cho những dự án mà chính họ đã rót vốn vào? Ông nói gì với những băn khoăn này của người dân?
- Mục đích của gói 30.000 tỷ đồng là dùng số vốn đó để giúp những người khó khăn có nhu cầu thực sự về nhà ở mua được nhà, chứ không phải dùng tiền đó để cứu các dự án tồn kho mà ngân hàng tham gia đầu tư. Nếu ngân hàng cho vay mua nhà ở thuộc những dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư 11 và Thông tư 07 và phù hợp với quy trình cho vay của ngân hàng thì cũng không có gì sai lệch. Tuy nhiên, nếu đặt một điều kiện rõ ràng. Ví dụ, Vietcombank được giao 10.000 tỷ, khách hàng vay vốn chỉ được mua những dự án có Vietcombank tham gia hoặc cho vay là không đúng tinh thần của gói tín dụng này.
Vậy nếu ngân hàng chỉ cho mua nhà ở thương mại hoặc dành một tỷ lệ rất ít cho vay mua nhà ở xã hội thì sao, thưa ông?
- Nếu ngân hàng đặt điều kiện là phải đến đúng nhà ở thương mại mà chúng tôi xây dựng và đầu tư để mua thì rõ ràng đây là vấn đề nhóm lợi ích: Anh dùng số tiền đó để phục vụ cho quyền lợi của anh. Cái này chắc chắn NHNN và các cơ quan chức năng phải có sự kiểm soát để gói đó có hiệu quả.
Đúng là chỉ có cơ chế giám sát chặt mới mong vốn chảy đúng chỗ. Vậy, làm sao để gói tín dụng 30.000 tỷ đồng không mất đi ý nghĩa?
- Đây là điều rất khó kiểm soát. Phải hy vọng vào đạo đức của cán bộ ngân hàng thôi. Nếu ngân hàng dùng gói này "rót vốn" cho "sân sau", cho các dự án liên kết, cho người thân quen, để các cán bộ tín dụng móc ngoặc cho vay là vi phạm quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cần có sự kiểm soát cực kỳ nghiêm túc của NHNN. Khi đưa ra những gói thế này, cần phải kiểm soát hành vi của cán bộ tín dụng.
Làm sao để hạn chế “lợi ích nhóm” với VAMC?
Bên cạnh gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, sự ra đời của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mới đây được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết "cục máu đông" nợ xấu. Ông đánh giá thế nào về sự ra đời của VAMC?
- VAMC là bước khởi đầu quan trọng trong nỗ lực xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Hiện tại, việc xử lý nợ xấu chỉ dừng lại trong từng ngân hàng. Do vậy, VAMC ra đời nâng tầm cách thức xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, cơ chế có rồi, nghị định có rồi nhưng quan trọng nhất vẫn là con người.
Nhiều chủ đầu tư lạc quan với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.Ảnh: Huy Hùng
Nhiều chuyên gia cho rằng, xử lý nợ xấu ngay cả với công cụ VAMC thì cái khó nhất là phải vượt qua được vấn đề lợi ích nhóm, cũng như việc thay đổi tư duy lợi ích nhóm?
- VAMC được NHNN chủ trì, vì vậy cần phải có đội ngũ quản lý, chuyên gia thông thạo. Theo tôi, nếu cần, VAMC có thể bổ trợ các công ty tư vấn, về luật, tài chính. Bên cạnh đó, cũng nên mời các chuyên gia tư vấn nước ngoài để có những đánh giá về nợ một cách công khai, minh bạch, không ảnh hưởng đến lợi ích của ai. Từ đó để loại trừ các yếu tố lợi ích nhóm.
Kỳ vọng VAMC ra đời sẽ giảm được 50% nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Điều này liệu có khả thi không, thưa ông?
- Nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam không dừng ở 6% mà nó nằm trong quãng con số từ 6% đến 20%. Trong trường hợp tốt nhất là 6%, với tổng dư nợ tín dụng hiện nay là 2,7 triệu tỷ đồng. Tức nợ xấu khoảng 162.000 tỷ đồng. Như vậy VAMC phải giải quyết được 90.000 tỷ đồng nợ xấu. Và ở trường hợp xấu nhất, nợ xấu toàn ngành lên tới 20%, thì con số nợ xấu tuyệt đối là 540.000 tỷ đồng. Việc giải quyết ở đâu đó do tái cơ cấu khoảng 120.000 tỷ đồng. Phần còn lại khoảng 400.000 tỷ là trách nhiệm của VAMC. Nói chung là nhiệm vụ của VAMC rất nặng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu không rõ thực hư ra sao.
Tương tự SCIC (Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước), khi đi vào hoạt động, VAMC sẽ sở hữu một phần tài sản trong các ngân hàng này. Làm sao để VAMC hạn chế được những tiêu cực như gửi ngân hàng lấy lãi, sử dụng vốn sai mục đích như tại SCCI thời gian qua, thưa ông?
- Loại tài sản mà SCIC được sở hữu là tài sản có hình, nhìn thấy lợi ngay. Còn loại tài sản mà VAMC có được sau khi mua có thể nói là tài sản độc hại. Nhưng loại tài sản này cũng dễ bị lợi dụng, dễ bị chi phối hơn rất nhiều. Những tài sản xấu thường xuyên liên quan đến nhóm lợi ích. Trước đây, bản thân các ông chủ ngân hàng gây ra nợ xấu, được VAMC mua lại, rồi một lúc khi giải quyết xong lại về ngược tay các ông chủ này. Như vậy, các "nhóm lợi ích" đã được hưởng lợi đến hai lần. Nếu không quản lý nghiêm, không minh bạch thì các nhóm lợi ích này lại dùng công cụ là đòn bẩy tài chính và kẽ hở luật pháp để tiếp tục trục lợi. Tức là gây ra nợ xấu vòng hai nguy hiểm hơn nhiều.
Xin cảm ơn ông!