Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm thiểu hậu quả do cháy nổ: Cách làm hay của quận Cầu Giấy

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự chủ động của chính quyền địa phương, sự vào cuộc kịp thời của lực lượng phòng cháy, chữa cháy chính quy… là một trong những nhiệm vụ được lãnh đạo quận Cầu Giấy ưu tiên thực hiện nhằm giảm thiểu hậu quả của các vụ cháy nổ có thể xảy ra.

Rõ người, rõ việc

Thời gian vừa qua, trên địa bàn quận Cầu Giấy nói chung và phường Quan Hoa nói riêng xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Điển hình là vụ cháy ngày 1/1 tại bãi trông giữ xe ô tô ở lô 1, 3 đường Nguyễn Khánh Toàn; vụ cháy ngày 21/1 tại shop mỹ phẩm Nuty 163 đường Cầu Giấy; vụ cháy ngày 1/8 tại nhà hàng ăn uống số 8/92 đường Nguyễn Khánh Toàn;

Vụ cháy ngày 1/8 tại quán Karaoke ISIS số 231 phố Quan Hoa làm 3 chiến sĩ PCCC hy sinh; vụ cháy ngày 17/10 tại số 87 đường Cầu Giấy; vụ cháy ngày 23/10 tại số nhà 8, ngách 1, ngõ 132 đường Cầu Giấy. Các vụ cháy trên đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng cũng như tài sản của Nhân dân.

Một hộ dân trên địa bàn phường Quan Hoa cắt bỏ một phần chuồng cọp để mở lối thoát hiểm thứ 2.
Một hộ dân trên địa bàn phường Quan Hoa cắt bỏ một phần chuồng cọp để mở lối thoát hiểm thứ 2.

Nhận thức rõ được những hiểm nguy do cháy nổ gây ra, đặc biệt trong hoàn cảnh thời tiết đang vào mùa hanh khô và dần chuyển sang lạnh - thời điểm nhu cầu sử dụng xăng dầu, khí đốt và điện tăng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ, quận Cầu Giấy nói chung và phường Quan Hoa đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu số vụ và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy có thể xảy ra. Trong đó, một trong những nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện là việc quy rõ trách nhiệm của từng lực lượng trong việc ứng phó với các sự cố cháy, nổ có thể xảy ra.

Và vụ cháy tại số nhà 8, ngách 1, ngõ 132 đường Cầu Giấy, phường Quan Hoa diễn ra ngày 18 giờ 56 phút 23/10 vừa qua là một ví dụ điển hình của việc “rõ người, rõ trách nhiệm”.

Cụ thể, ngay sau khi nhận được thông báo cháy (khoảng 18 giờ 56 phút), các đội PCCC cơ sở gồm: Đội PCCC của UBND phường, Đội PCCC cơ sở ở Tổ dân phố, Công an phường đã có mặt tại hiện trường, sử dụng 8 bình bọt do chủ ngôi nhà trang bị ở tầng 1 và huy động các bình chữa cháy của hộ xung quanh để khống chế đám cháy tại tầng 1, ngăn không cho cháy lan ra các tầng.

Nhờ đó, khi lực lượng PCCC&CNCH chuyên nghiệp (2 xe chữa cháy của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an quận Cầu Giấy) và 2 xe chữa cháy của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Khu vực 2 - Phòng PC07) đến hiện trường việc dập tắt đám cháy đã diễn ra nhanh chóng. Từ đó, lực lượng chức năng đã yên tâm hơn trong việc dồn lực giải cứu 11 người bị mắc kẹt trên các tầng cao của ngôi nhà - khu vực chịu ảnh hưởng của khói một cách an toàn.

Phấn đấu giảm thiểu các vụ cháy nghiêm trọng

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Lê Mạnh Tiến - Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa cho biết, ngoài việc kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh vi phạm quy định về PCCC, trong thời gian qua, phường đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc phòng cháy, chữa cháy tại mỗi gia đình.

Việc mở lối thoát hiểm thứ 2 có vai trò quan trọng trong việc cứu hộ, cứu nạn khi có hỏa hoạn xảy ra.
Việc mở lối thoát hiểm thứ 2 có vai trò quan trọng trong việc cứu hộ, cứu nạn khi có hỏa hoạn xảy ra.

UBND phường đã tuyên truyền đến các hộ dân trên địa bàn, đặc biệt là những hộ có chuồng cọp trong trường hợp không cần thiết phải lắp đặt hàng rào, cần chủ động tháo dỡ, mở lối thoát nạn khi có sự cố xảy ra.

Tại khu vực ban công, sân thượng có làm chuồng cọp cần mở cửa thoát nạn (kích thước tối thiểu 1,2m x 0,6m) sang các công trình, nhà dân bên cạnh, đảm bảo thoát nạn khi có cháy nổ xảy ra.

“Các cửa này bình thường có thể khóa, chìa khóa đặt ở vị trí cố định, có thể trang bị thêm kìm cộng lực để sử dụng trong trường hợp chìa khóa bị thất lạc hoặc không sử dụng được” - ông Lê Mạnh Tiến nhấn mạnh.

Ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, hiện nay, trên địa bàn Cầu Giấy có 6.553 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC; 609 cơ sở trọng điểm có nguy hiểm cháy nổ; 12 cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy.

Trong 9 tháng đầu năm, Công an quận Cầu Giấy đã tổ chức kiểm tra 1.826 lượt; phối hợp với UBND phường  lập biên bản xử phạt 66 trường hợp/88 lỗi vi phạm về PCCC với tổng số tiền phạt gần 447 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra liên ngành quận đã tổ chức kiểm tra 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường. Qua đó, phát hiện 19 cơ sở khó có khả năng khắc phục tồn tại về PCCC để tiếp tục hoạt động, lập biên bản vi phạm hành chính 164 lỗi.

Ông Trần Việt Hà thông tin thêm, trên địa bàn quận có 194/208 khu chung cư, nhà cao tầng vi phạm quy định về PCCC. Trong đó, 85/208 cơ sở vi phạm về trang bị phương tiện PCCC; 51 cơ sở vi phạm về hồ sơ quản lý; 41 cơ sở vi phạm về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; 35 cơ sở vi phạm về đường, lối thoát nạn…  

Bên cạnh đó, quận có nhiều ngõ sâu, phố nhỏ ngắn, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông, nguồn nước chữa cháy, phương tiện chữa cháy thiếu khiến công tác PCCC, cứu hộ cứu nạn gặp không ít khó khăn…

Do đó, trong thời gian tới, cùng với việc rà soát, vận động người dân mở lối thoát hiểm thứ 2, quận Cầu Giấy sẽ phối hợp với lực lượng chức năng rà soát, bổ sung các họng, bể chứa nước phục vụ công tác chữa cháy trên địa bàn nhằm giảm thiểu vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng.