Mặc dù lực lượng chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp cảnh báo, phòng ngừa; trong đó, một số quận đã thí điểm vận động người dân mở “chuồng cọp” thoát hiểm để hạn chế những rủi ro. Mô hình này bước đầu đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên, theo các chuyên gia thì cần tính đến giải pháp lâu dài.
Nhân rộng mô hình mở “chuồng cọp”
Thực tế, việc cơi nới nhà chung cư cũ thành những “chuồng cọp”, đeo thêm “ba lô” đã phổ biến với nhiều hộ dân, đặc biệt là ở các khu tập thể như: Kim Liên, Nghĩa Tân, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Thành Công… Nguyên nhân chính của tình trạng này là giải quyết vấn đề bức thiết về chỗ ở. Có khi cơi nới để làm tiểu cảnh, phơi phóng… hoặc nhằm tăng diện tích cho không gian ngôi nhà vốn đã chật hẹp.
Và tại những “chuồng cọp” của các gia đình, hầu hết các căn hộ ở khi cơi nới đều hàn bịt kín, không chừa lối thoát hiểm. Chỉ một số hộ ở các tầng dưới là để lối thoát hiểm nhưng thường khoá trái. Khi được hỏi về nguy cơ mất an toàn khi ở nhà chỉ có một cửa ra vào, không ít người ở các khu tập thể tỏ ra thờ ơ...
Thực tế, đã có nhiều vụ cháy gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về tài sản, đặc biệt khiến nhiều người chết thương tâm như: Vụ hỏa hoạn ngày 21/4/2022 khiến 5 người tử vong tại nhà B9 tập thể Kim Liên, phường Kim Liên. Hay vụ cháy trước đó ngày 4/4/2021 tại nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa khiến 4 người trong cùng gia đình tử vong, là bài học đau xót về việc không mở lối thoát nạn...
Mới đây, tại địa bàn phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) đã triển khai và nhân rộng mô hình mở lối thoát nạn thứ 2 tại “chuồng cọp”; tuyên truyền cho các hộ dân tự trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn… được nhân dân trên địa bàn ghi nhận, đánh giá cao.
Sau khi được tuyên truyền, vận động về công tác phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), nhiều hộ gia đình trên địa bàn phường Trúc Bạch đã tích cực, chủ động tháo dỡ, mở lối thoát hiểm thứ 2. Đặc biệt, phường cũng đã huy động lực lượng liên ngành tham gia hỗ trợ các hộ dân về thiết bị, vật tư trong quá trình hàn, cắt và tạo cửa thoát hiểm.
Đồng thuận với mô hình mở “chuồng cọp” phòng hoả hoạn và đã thực hiện, chị Nguyễn Thị Tuyến (ở phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch) cho biết: " Trước đó, bộ phường và Cảnh sát PCCC trên địa bàn đã tuyên truyền, hướng dẫn gia đình tôi mở cửa thoát hiểm từ lồng sắt ở tầng 2. Ngoài ra, gia đình cũng trang bị thêm hệ thống thang dây chuyên dụng và mặt nạ phòng khí độc nếu có cháy xảy ra”.
Về công tác tuyên truyền, vận động bà con khu dân cư về PCCC, mở lối thoát hiểm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Trúc Bạch Phạm Ngọc Đức cho biết: “Hàng năm, UBND phường đã phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Ba Đình tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền về phòng cháy; hướng dẫn sử dụng phương tiện chữa cháy, thoát nạn khi sự cố xảy ra để người dân nhận thức rõ nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.
Ngoài việc hỗ trợ người dân tạo lối thoát hiểm, với những hộ gia đình khó khăn, phường đã tặng mỗi nhà một bình cứu hỏa, vận động người dân mua thang dây thoát hiểm và mặt nạ phòng khí độc để chủ động ứng phó nếu có đám cháy xảy ra”.
Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, trong thời gian qua, Công an quận đã triển khai nhiều mô hình có hiệu quả về công tác PCCC điển hình như: Xây dựng mô hình hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm bốn tại chỗ; mô hình trang bị bình chữa cháy trong ngõ sâu, tặng bình chữa cháy, mặt nạ tự lọc cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hiệu quả từ mô hình này đã được thể hiện qua 1.912/2.446 hộ gia đình đã tạo lối thoát nạn, cửa dự phòng tại lồng sắt, chuồng cọp đạt tỷ lệ gần 80%, có 13.486/28.131 hộ gia đình trên địa bàn đã tự trang bị bình chữa cháy đạt gần 48%...
Tương tự, mô hình phòng chống cháy nổ nêu trên triển khai thành công tại địa bàn quận Thanh Xuân ở các phường Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân Trung với 70% hộ gia đình tiến hành mở lồng sắt làm cửa thoát hiểm cũng như trang bị 100% bình chữa cháy tại nhà, lắp đặt hệ thống viễn thông cảnh báo cháy tại các chân cầu thang…
Cần giải pháp lâu dài
Thiếu tá Phạm Việt Dũng, Phó Đội trưởng Đội PCCC&CNCH Công an quận Ba Đình đánh giá: “Mô hình cắt “chuồng cọp” và “xã hội hoá” nguồn tài trợ mua sắm các trang thiết bị PCCC cần nhanh chóng nhân rộng mô hình này trên toàn phường; đặc biệt quan tâm hơn nữa đến các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được trang thiết bị PCCC”.
Cũng theo Thiếu tá Dũng, đối với các khu tập thể, chung cư cũ và tại nhà riêng một số hộ dân tự cơi nới “chuồng cọp” chưa thể cải tạo, xây mới, việc mở lối thoát hiểm từ các công trình cơi nới bất đắc dĩ này là giải pháp tình thế song rất cần thiết.
Đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP Hà Nội khuyến cáo: Trước mắt, để giảm thiểu tối đa nguy cơ cháy, nổ và hậu quả để lại (trong trường hợp xảy ra cháy) tại các chung cư, nhà tập thể cũ, công an quận, huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ PCCC, nâng cao ý thức cho cư dân trong việc chấp hành các quy định về PCCC để nâng cao tính chủ động, khả năng phối hợp, ứng phó, xử lý khi có sự cố cháy nổ của lực lượng PCCC tại chỗ.
Bên cạnh việc tuyên truyền, lực lượng cức năng cần phải tổ chức hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn thứ 2 tại ngôi nhà của mình như cắt lồng sắt (chuẩn bị sẵn thang dây để thoát nạn khi xảy ra cháy), hướng dẫn dùng thiết bị điện, sử dụng gas an toàn...
Khi xảy ra cháy nổ, người dân cần bình tĩnh tìm lối thoát nạn, đồng thời báo mọi người xung quanh để cùng kịp thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Sau đó báo cháy nhanh nhất cho lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ theo số 114.
Tuy nhiên, về lâu dài, việc xóa "chuồng cọp" không thể chỉ trông chờ vào ý thức, sự tự giác của người dân mà cần có phương án đẩy mạnh các dự án cải tạo chung cư cũ… Theo PGS. TS Nguyễn Tuấn Anh (Trường Đại học Phòng Cháy chữa cháy), đối với các chung cư cũ chưa thể cải tạo, xây mới, thì giải pháp căn cơ là hướng đến việc thực hiện, triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ với cơ chế, chính sách phù hợp…
Luật đã có, tuy nhiên, quan trọng là việc kiểm tra, giám sát, cùng với đó, các cơ quan chức năng cần thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp không chấp hành quy định pháp luật, cũng như làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị buông lỏng an toàn về cháy nổ.
"Ngoài thiết kế ô cửa có khóa ở “chuồng cọp”, các gia đình phải để chìa khóa ở nơi dễ lấy. Khóa này cũng phải được mở thường xuyên, phòng trường hợp khi xảy ra sự cố người dân không mở được do khóa bị gỉ sét. Trước mắt, khi chưa thể xóa bỏ hoàn toàn “chuồng cọp” ở các nhà tập thể cũ thì cần tìm giải pháp trong việc phòng, chống cháy nổ để sống chung với “chuồng cọp”."- Thượng tá Phạm Trung Hiếu - Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Hà Nội)