Học sinh TP Hà Nội đổi giấy lấy cây góp phần chung tay giảm thiểu rác thải nhựa. Ảnh: Chiến Công |
Xuân Canh Tý đã đến gần, các gia đình tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để chào đón một năm mới. Trên khắp mọi nẻo đường, khu phố, công viên, khu vui chơi… đều được dọn dẹp thật sạch sẽ hơn ngày thường. Đặc biệt, vấn đề sử dụng rác thải nhựa đã được người dân lưu tâm hơn trước. Bởi năm nay, phong trào ấy được tuyên truyền sâu rộng và cho những kết quả đáng khích lệ.
Trong khu ngõ nhỏ nằm trên phố Giáp Nhị (quận Hoàng Mai, Hà Nội), mang theo làn đi chợ và 2 - 3 chiếc hộp thủy tinh có nắp đậy từ lâu đã trở thành thói quen của các bà, các mẹ. Vào những ngày giáp Tết, nhu cầu mua bán hàng hóa càng gia tăng nên việc dùng nhiều túi ni lông là không thể tránh khỏi. Bà Nguyễn Thị Huê (phố Giáp Nhị, Hoàng Mai) chia sẻ: “Gần Tết mua sắm rất nhiều, tôi cố gắng không dùng túi ni lông. Ngày nào đi chợ, các loại rau, củ quả tôi xếp trực tiếp vào làn, thực phẩm tươi sống được đựng trong các hộp có nắp”.
Bà Khương Thị Phượng ở phường Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay, từ khi được tuyên truyền và hiểu hơn về tác hại của rác thải nhựa, gia đình bà không sử dụng nước uống đóng chai nhựa; không dùng sản phẩm dầu gội, sữa tắm trong các túi nhỏ; không sử dụng bát, đĩa nhựa dùng một lần…
Hành động mạnh mẽ hơn
“Ô nhiễm trắng” với túi ni lông và rác thải nhựa đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường cũng như sức khỏe của con người trên khắp hành tinh. Thực tế, các chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy được tái chế với tỷ lệ rất thấp, phần lớn là chôn, lấp, đốt hoặc nằm chờ trên những bãi rác. Một phần được thả trôi ra biển, ra đại dương, giết chết hàng nghìn loài cá và sinh vật biển. Việc đốt túi ni lông bừa bãi còn gây nguy cơ ung thư, giảm khả năng miễn dịch…
Thời gian qua, các trường học trên địa bàn TP đã thực sự vào cuộc hưởng ứng phong trào không sử dụng túi ni lông. Cùng với vận động phụ huynh, học sinh không bọc sách vở bằng bìa ni lông, không thả bóng bay trong ngày lễ khai giảng. Rất nhiều các chương trình, dự án được học sinh triển khai như dự án The Palastic Hero (trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam); Chương trình Nghĩ xanh của trường THPT Trần Nhân Tông với hoạt động tái chế đồ nhựa, đổi giấy lấy cây hay như sự kiện truyền thông. Đặc biệt, phải kể đến việc Hà Nội đang thực hiện quy trình thu thập vỏ sữa tái chế tại 637 trường học trên địa bàn TP. Vỏ hộp sữa sẽ được thu gom làm phẳng và buộc gọn lại, sau đó tập hợp vào thùng hoặc túi có sẵn tại các trường học, lịch trình thu lượm 2 lần mỗi tháng.
Cùng với đó, UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kết hợp nhiều việc làm cụ thể nhằm giảm rác thải nhựa như yêu cầu các cơ quan, công sở không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Sau một thời gian triển khai, tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP đã hạn chế tối đa việc sử dụng chai nhựa, đồ dùng nhựa một lần. Cùng tham gia vào sự thay đổi nhận thức đó, rất nhiều các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê… đang từng bước chuyển mình, dần thay thế cốc, thìa, ống hút nhựa bằng sản phẩm thân thiện với môi trường…