Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm thời lượng tiếp xúc thiết bị trong học trực tuyến bằng cơ chế “giao việc”

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tinh giản chương trình, linh hoạt phương thức giảng dạy để tăng hứng thú, tránh căng thẳng, giảm thời gian học sinh tiếp xúc thiết bị… là cách được các trường học trên địa bàn TP Hà Nội tích cực thực hiện nhằm nâng cao chất lượng học trực tuyến.

Khối 1 học tối đa 15 tiết/tuần 
Xác định học trực tuyến là giải pháp hữu hiệu để duy trì việc học trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp nhưng các phụ huynh không tránh khỏi tâm lý sốt ruột khi thấy mỗi sáng ra là con ngồi máy tính học đến nửa trưa, thậm chí cả chiều. Nếu thời gian, thời lượng, phương pháp, cách thức học trực tiếp thế nào “bê nguyên” vào dạy trực tuyến như vậy sẽ lộ rõ nhiều bất cập. Thấu rõ vấn đề trên, Bộ GD&ĐT đã có Công điện 905/CĐ- BGDĐT về việc tổ chức dạy học trực tuyến ứng phó với diễn biến dịch Covid- 19; hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học; trung hoc năm học 2021-2022; trong đó nhấn mạnh đến các yếu tố như: Ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung hình thành kiến thức mới, các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc; Sử dụng hiệu quả sách giáo khoa và học liệu dạy học trực tuyến; Tổ chức dạy học những nội dung kiến thức cơ bản theo yêu cầu cần đạt của chương trình; Không kiểm tra, đánh giá định kì đối với những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; Thời gian thực hiện chương trình phải bố trí đảm bảo tính khoa học, sư phạm, phù hợp với từng hình thức dạy học và không gây áp lực đối với học sinh…
 Linh hoạt về phương pháp, giảm về thời lượng... là những yêu cầu khi dạy trực tuyến
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng đảm bảo chất lượng, tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trên truyền hình theo môn học, cấp học để các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh học tập phù hợp với kế hoạch dạy học của địa phương; duy trì phát trên 3 kênh VTV1, VTV2, VTV7 của Đài Truyền hình Việt Nam.
Theo hướng dẫn và yêu cầu nêu trên, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có các hướng dẫn tương ứng liên quan giảm tải chương trình, gửi đến các trường học trên địa bàn để nghiên cứu, thực hiện tinh giản, sắp xếp linh hoạt theo yêu cầu; trong đó có lưu ý khối 1 dạy thời lượng tối đa 3 tiết/ngày (tương đương 15 tiết/tuần).
Cô Mai Tú Quyên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bế Văn Đàn, quận Đống Đa cho biết: Chủ động kế hoạch học trực tuyến; các trường học trên địa bàn quận Đống Đa đã xây dựng thời khóa biểu phù hợp với từng khối lớp, từng lứa tuổi; trong đó khối 1: 15 tiết/tuần; khối 2: 16 tiết/tuần; khối 3: 18 tiết; khối 4- 5: 20 tiết; tránh việc học sinh tiếp xúc với thiết bị điện tử trong thời gian dài; quan tâm tương tác giữa thầy và trò. Tuy thời gian của mỗi tiết học rất ngắn nhưng để tạo hứng thú và năng lượng tích cực cho các em, trước mỗi giờ học luôn có phần khởi động bằng các trò chơi; giữa tiết học lại lồng ghép nhiều hoạt động vui nhộn, bổ ích.
“Tiết học của con tôi rất vui vẻ như điểm danh bằng trò chơi; giữa những tiết Tiếng Việt, học sinh được nghe câu chuyện bằng tài liệu khai thác ở kho học liệu dùng chung; ôn tập kiến thức các môn học vào đầu tiết cũng được thực hiện thông qua trò chơi vui nhộn trên phần mềm Classkick; Quizizz, Powerpoint… Việc lồng ghép nội dung môn học bằng các ứng dụng công nghệ đã mang lại hiệu quả tích cực, giảm áp lực, căng thẳng cho học sinh cũng như làm tăng sự hài lòng của phụ huynh với chương trình dạy trực tuyến của nhà trường”- chị Hoàng Thị Mai Hương, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết.
Tiếp tục tính toán để giảm thời lượng
Việc giảm tải chương trình đã và đang được thực hiện nhưng “thời gian con ngồi trước máy tính vẫn quá dài” là nhận xét của chị Vũ Thị Thoa, phụ huynh trú tại quận Hà Đông. Theo chị Thoa, chị có 2 con đang học lớp 8 và lớp 2. “Thời khóa biểu của con trai lớp 8 của tôi là 5 tiết/ngày; riêng thứ 7 học 4 tiết. Với lịch này, con ngồi máy tính từ khoảng 7 giờ 15 đến 11 giờ 40. Học xong ăn uống, nghỉ ngơi; buổi chiều con tự tìm hiểu tài liệu, đọc sách và làm bài tập. Vì kiến thức lớp 8 nhiều nên tôi thấy thời gian học như vậy tuy dài nhưng chấp nhận được. Điều tôi mong giảm tải hơn nữa là chương trình của con học lớp 2”.
 Các tiết học trực tuyến cần sáng tạo để tăng hứng thú cho học sinh
“Con học từ 8 giờ kém đến 11 giờ kém; nghĩa là học 3 tiếng/ngày. Theo lịch, con chủ yếu học các môn chính như Toán, Tiếng Việt nhưng việc ngồi miết 3 tiếng như vậy tôi thấy quá dài và mong giảm còn 2 tiếng/ngày để các con được thoải mái và thư giãn mắt nhiều hơn. Có thể thời khóa biểu chỉ 3-4 tiết nhưng dường như ngày nào cô cũng dạy quá giờ”- chị Thoa nói.
Sau khi trực tiếp dự giờ tiết học của học sinh lớp 5 và lớp 6 tại quận Đống Đa, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Thái Văn Tài nhận thấy các trường đã có cách tiếp cận với hình thức dạy học trực tuyến đúng hướng nhưng cần chuyển đổi mạnh về phương pháp để bài giảng hấp dẫn, lôi cuốn; tận dụng nhiều tính năng giao tiếp của phần mềm hơn; muốn vậy cần tăng cường công tác tập huấn phần mềm dạy học trực tuyến đối với giáo viên với mong muốn các cô sử dụng công nghệ thông tin và các phần mềm dạy học linh hoạt, thành thạo. Thêm nữa, nên đầu tư gói cước tốt hơn cho dạy và học trực tuyến; như vậy hiện tượng lỗi mạng sẽ không xảy ra; tiến tới xóa đi khoảng cách giữa dạy- học trực tuyến và dạy- học trực tiếp.
“Đối với dạy học trực tuyến của cấp trung học hiện chủ yếu vẫn là 5 tiết/buổi; thời lượng 45 phút/tiết. Khi ngồi lâu, học kéo dài dễ dẫn đến hiện tượng học sinh mỏi mắt, mệt mỏi, căng thẳng. Do vậy, đề nghị các trường tiếp tục nghiên cứu để giảm bớt thời lượng học trực tuyến. Thời khóa biểu và thời lượng học cần linh hoạt hơn bằng cách tăng cường cơ chế giao việc, giao nhiệm vụ cho học sinh làm để giảm thời lượng tương tác máy tính/ngày của các em…”- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Võ Đức Quế đề xuất.
Trong tháng 9/2021, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các khoá tập huấn về dạy học trực tuyến/qua truyền hình cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cấp Tiểu học; đan xen với đó là các khoá tập huấn cho đội ngũ nhà giáo cấp THCS, THPT của 63 tỉnh, TP trên cả nước. Khóa tập huấn đã cung cấp, trang bị kiến thức công nghệ thông tin và nghiệp vụ sư phạm cho cán bộ cốt cán dạy học trực tuyến và trên truyền hình; mặt khác, giúp giáo viên có thể tiến hành dạy học trực tuyến trong điều kiện thực tiễn tại đơn vị công tác trên quan điểm kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học.