Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giảm thói quen nghe nhạc “chùa”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 1/11, 18 trang web âm nhạc trực tuyến lớn nhất Việt Nam (Zing, Nhaccuatui, Socbay, Nhac.vui, Nghenhac...) sẽ đồng loạt thu phí tải nhạc trên mạng. Đây là một trong những biện pháp được đưa ra để giảm dần thói quen nghe nhạc "chùa" của khán giả Việt.

Tải miễn phí là phạm luật

Tính sơ bộ, Việt Nam đang có 150 trang web cho phép người nghe tải nhạc miễn phí. Điều này đồng nghĩa với thiệt hại lớn không chỉ của ngành công nghiệp ghi âm nước ta mà của cả đa số nghệ sĩ làm nghề.

Không tính những ca sĩ sản xuất album với mục đích tìm bài "hit" để "chạy sô" như ca sĩ B.C, hầu hết album của các nghệ sĩ đều thuộc sở hữu cá nhân, được đầu tư kỹ càng về nghệ thuật cũng như kinh phí.

8 năm đứng vững trong hàng ngũ "ngôi sao", ca sĩ Tùng Dương chỉ mới ra mắt 3 album. Bởi mỗi lần chuẩn bị cho album hầu như Dương không đi hát sự kiện, chuyên tâm vào việc chọn bài, thu đĩa, cũng như tìm ekip có nghề. Chưa kể tiền tài trợ, nhẩm tính chi phí cho mỗi album vào khoảng trên 500 triệu đồng.
 
Giảm thói quen nghe nhạc “chùa” - Ảnh 1
 
Nhiều tác phẩm âm nhạc được sử dụng công khai trên các trang web nhưng vẫn không bị thu phí bản quyền.
 

Hay để có album "Tóc ngắn - Acoustic", Mỹ Linh cùng ban nhạc Anh em mất 3 năm sáng tác, phối khí và thu âm bằng "sức người" (không sử dụng nhạc cụ điện tử)...Theo ông Phùng Tiến Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty cung cấp nội dung nhạc số MV Corp: "Thu phí tải nhạc là xu hướng tất yếu của thế giới.

Mỗi ca khúc sáng tác ra đều là tài sản, sức lao động của người khác, thuộc sở hữu cá nhân nên việc sử dụng nhạc miễn phí là trái pháp luật". Vì mục đích hướng đến âm nhạc chất lượng, 18 trang web cung cấp âm nhạc trực tuyến Việt Nam đã ký kết thỏa thuận với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam và Công ty MV Corp thu phí tải nhạc với mức giá 1.000 đồng/ bài hát.

Như vậy, từ 1/11/2012, 45.000 ca khúc tiếng Việt có bản quyền sẽ được bán trên các trang web này. Tuy nhiên, khi thời điểm thu phí nhạc trực tuyến đến gần, thì câu hỏi đặt ra về tính khả thi của việc thu phí tải nhạc vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Tất bật tìm giải pháp

Từ vài tháng nay, để chuẩn bị cho việc thu phí nhạc số khởi động vào 1/11, bộ phận công nghệ của trang nhaccuatui.com đã xây dựng hệ thống thanh toán "NCT XU" để giúp người dùng dễ dàng sử dụng dịch vụ bằng tiền nạp từ thẻ cào điện thoại, thẻ game, thẻ ATM nội địa, thẻ Visa Master và tin nhắn SMS. "Phòng dự án của công ty chúng tôi đang làm lại trang nhạc để thêm vào đó chức năng tải về những bài hát có bản quyền mà Công ty MV Corp cung cấp.

Thời gian đầu, chúng tôi chỉ thử nghiệm một số bài nhất định do MV Corp cung cấp chứ không áp dụng thu phí cho tất cả các bài hát. Đây là phép thử, cũng là bước khởi động để người dùng làm quen với việc thu phí nhạc số.

Trước mắt, Nhacvui có thể chỉ áp dụng hình thức trả tiền bằng tin nhắn, sau đó sẽ cố gắng hoàn thiện hệ thống thanh toán đến trước ngày 1/1/2013" - ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Marketing Công ty CP Quảng cáo Trực tuyến 24H, đại diện của trang Nhacvui cũng cho biết.

Các trang nhạc còn lại trong số kể trên cũng đã và đang hoàn thiện hệ thống thu phí tải nhạc. Đại diện các trang này khẳng định chất lượng của nhạc tải về sẽ từ 128Kbps trở lên. Tuy không bằng chất lượng âm thanh của một bài hát trên CD gốc, nhưng tối đa 320Kbps đã là một mức cao với mặt bằng 128Kbps hiện nay.

Nếu hình thức thu phí âm nhạc trực tuyến thành công, dự tính khoảng 1 - 2 năm nữa, các trang web cung cấp âm nhạc sẽ đưa ra mức phí riêng cho audio, video hoặc nguyên album nhạc. Bởi vì, mức giá 1.000 đồng/bài hát chỉ là thử nghiệm, không đặt nặng vấn đề doanh thu mà chú trọng thay đổi thói quen của người dùng. Nói như nhạc sĩ Huy Tuấn và nhạc sĩ Quốc Trung: "1.000 đồng chỉ góp phần vào việc nghe có ý thức, chưa nói lên giá trị của người sản xuất".