Tuy nhiên, trong lúc toàn ngành hải quan đang gấp rút chuẩn bị để VNACCS/VCIS chính thức được "bấm nút", các DN đã bày tỏ sự lo ngại trước cơ chế hoạt động của hệ thống này.
Thay đổi quy trình, thủ tục hải quan
Theo Tổng cục Hải quan (TCHQ), triển khai VNACCS/VCIS là một bước đi trong lộ trình cải cách, phát triển và hiện đại hóa trong Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu của Dự án nhằm đơn giản hóa quy trình thủ tục hải quan, giảm thời gian thông quan và tăng cường năng lực quản lý của cơ quan hải quan theo các chuẩn mực hiện đại.
So với khai báo hải quan hiện tại, tiêu chí khai báo hải quan trong hệ thống VNACCS/VCIS sẽ đầy đủ hơn, vì các thông tin cơ bản về hợp đồng, hóa đơn, vận đơn… có thể khai trên tờ khai hải quan. Hệ thống VNACCS/VCIS sẽ xử lý hoàn toàn tự động từ việc tiếp nhận, xử lý và phân luồng với thời gian xử lý diễn ra rất nhanh (trong khoảng 3 giây) nhờ chức năng kết nối với các hệ thống khác (e-Manifest, e-Invoice, e-Payment…).
Trong khi hệ thống hiện tại không cho phép tính thuế tự động thì VNACCS/VCIS lại hỗ trợ nghiệp vụ này, tự động tìm thuế suất theo mã HS (đối với thuế XNK), theo mã phân loại thuế suất (đối với các loại thuế khác: Thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp…). Tuy nhiên, hệ thống cũng có cơ chế linh hoạt để người khai có thể tự nhập thuế suất. Bên cạnh đó, hệ thống VNACCS/VCIS còn có chức năng tính toán các loại thuế khác khi phát sinh (bảo vệ môi trường, thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá…).
Theo đánh giá của nhiều cán bộ hải quan có kinh nghiệm, những tiêu chí của VNACCS/VCIS vừa giúp giảm đáng kể hiện tượng tiêu cực, giảm khối lượng công việc cho cán bộ ngành, vừa bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho DN bởi có mức độ tự động hóa cao. Trên Hệ thống, công chức hải quan có thể tra cứu mọi thông tin chi tiết về lịch sử hoạt động XNK và quá trình chấp hành pháp luật của DN trên phạm vi toàn quốc. Tức là, mọi thông tin nghiệp vụ liên quan đến thông quan hàng hóa XNK đang được xử lý tại các Chi cục hải quan cửa khẩu đều có thể kiểm tra, giám sát tập trung tại cơ quan Tổng cục.
Về phía DN, ông Đỗ Tất Công, cán bộ phụ trách trực tiếp việc khai thử VNACCS/VCIS của Công ty TNHH Điện tử Noble Việt Nam cho biết, sau khi Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Cục Hải quan Hà Nội) phổ biến kế hoạch chạy thử nghiệm hệ thống VNACCS/VCIS, từ đầu năm 2014, Công ty đã đăng ký tham gia hệ thống này. Hiện nay, hàng ngày có khoảng 10 tờ khai của Công ty được thực hiện song song trên E-customs và VNACCS/VCIS.
Toàn ngành tăng tốc
Ông Nguyễn Mạnh Tùng - Cục trưởng Cục CNTT & Thống kê hải quan, kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Triển khai Dự án cho biết, để triển khai, Ban đã đưa ra dự thảo Kế hoạch vận hành chính thức VNACCS/VCIS. Theo đó, Tổng cục Hải quan sẽ phân 34 Cục Hải quan địa phương thành 2 nhóm để triển khai. Trong đó, nhóm I là các đơn vị hải quan trọng điểm, gồm: Cục Hải quan Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Vào ngày 1/4, Tổng cục Hải quan sẽ áp dụng chính thức đầu tiên tại 1 chi cục thuộc Cục Hải quan Hải Phòng (Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I) và 1 chi cục thuộc Cục Hải quan Hà Nội (Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội). Các Cục Hải quan địa phương thuộc nhóm I sẽ hoàn thành việc áp dụng chính thức vào giữa tháng 5 và các Cục thuộc nhóm II sẽ kết thúc vào tháng 6/2014.Thống kê của TCHQ cho thấy, Hải quan TP Hồ Chí Minh đã tập huấn cho trên 2.000 DN có kim ngạch XNK lớn để tham gia chạy thử chương trình. Đến nay có gần 3.000 tờ khai chạy thử thành công trên hệ thống. Hải quan Bình Dương đến nay có gần 1.600 DN đăng ký và lấy thông tin tài khoản sử dụng chương trình VNACCS/VCIS, trong đó có trên 400 DN đã tham gia chạy thành công… Hải quan Hà Nội cũng đã hoàn thành chỉ tiêu TCHQ giao: Vận động 352 DN, với 80% lượng tờ khai XNK chính thức tham gia. Tại Quảng Ninh, đến nay đã có 653 DN đăng ký 989 chữ ký số và đã chạy thử thành công…
Tuy nhiên, theo nhiều DN, vì đây là hệ thống hoàn toàn mới, ngay cả cán bộ hải quan cũng cho biết mới chỉ làm "chay" mà chưa có tình huống phát sinh. Nếu trong quá trình thực hiện có trục trặc, thời gian thông quan kéo dài sẽ gây thiệt hại lớn cho DN. TCHQ đặt yêu cầu, việc chuyển đổi từ hải quan điện tử sang VNACCS/VCIS phải đảm bảo mục tiêu về mặt tiến độ; không gây ảnh hưởng, gián đoạn công tác quản lý hải quan và hoạt động XNK trên phạm vi cả nước; đảm bảo sự tương thích của VNACCS/VCIS với các hệ thống CNTT hiện có của ngành hải quan…
Làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Lào Cai. Ảnh: Trần Việt
|
Đến ngày 23/3, cả nước có tổng số 18.196 DN đăng ký tham gia Hệ thống VNACCS/VCIS, trong đó có 10.154 DN thực hiện khai thử nghiệm. Đáng lưu ý, toàn bộ 3.980 DN XNK lớn (chiếm tỷ lệ 80% tờ khai) đã cam kết tham gia VNACCS/VCIS. |
Theo nội dung Công văn số 1767/BTC-TCHQ của Tổng cục Hải quan về tăng cường quản lý chống vi phạm lợi dụng hải quan điện tử có hiệu lực từ 1/4, sau khi đã tập kết hàng hóa xuất khẩu tại các địa điểm theo quy định và thông báo thời gian dự kiến đóng container, xếp hàng lên phương tiện vận tải cho cơ quan hải quan, tổ chức, DN mới khai và nộp tờ khai đối với hàng hóa xuất khẩu. Quy định này nhằm tránh tình trạng một số DN lợi dụng sự thông thoáng của quy định thủ tục khai báo hải quan điện tử để trục lợi. (Anh Vinh) |