Trong khi đó, một số luồng tuyến nằm tiếp giáp lại rất thưa thớt người qua lại.
Bên ken từng mét, bên đường thênh thang
Sáng nào cũng vậy, anh Nguyễn Thanh Tùng (nhân viên Công ty CP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh) phải dậy từ sớm để đi từ Hà Đông tới cơ quan tại phố Láng Hạ. Dù anh xuất phát từ 7 giờ sáng, nhưng tuyến đường Tố Hữu hướng về nội đô đã rất đông đúc, người và phương tiện phải nhích từng mét. Nhiều người điều khiển xe máy phóng cả lên vỉa hè để đi. Điều đáng nói là ở làn đường Tố Hữu hướng từ nội đô về khu vực Hà Đông, dòng phương tiện lại khá thưa thớt, người tham gia giao thông có thể di chuyển tương đối thuận lợi. Nhiều người di chuyển vào nội đô thấy vậy, bất chấp nguy hiểm cho xe chạy ngược chiều!
Vào giờ cao điểm buổi chiều, làn đường Phạm Văn Đồng hướng ra về cầu Thăng Long luôn chật kín dòng phương tiện, trong khi luồng tuyến theo chiều hướng vào nội đô khá thưa thớt. Ảnh: Gia Tuấn |
Đây là hình ảnh đã trở nên rất quen thuộc đối với những người thường xuyên qua lại tuyến đường Tố Hữu vào buổi sáng. Tình trạng tương tự cũng có thể bắt gặp trên nhiều tuyến đường khác. Đơn cử như đường 32 (từ nội đô đi Đan Phượng, Sơn Tây, Ba Vì), QL1A cũ (từ nội đô đi Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên) hay QL21B (từ nội đô đi Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức). Vào giờ cao điểm buổi sáng, làn đường hướng từ nội đô đi ra các huyện ngoại thành khá thưa thớt. Tuy nhiên, chiều ngược lại đi từ khu vực ngoại thành vào nội đô lại rất đông người và phương tiện di chuyển. Vào giờ cao điểm buổi chiều, tình trạng trên gần như không thay đổi, nhưng theo chiều ngược lại. Điều này làm này sinh tình trạng lấn làn hết sức nguy hiểm, khi ai nấy đều rất vội vã.
Nghiên cứu điều chỉnh luồng tuyến
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông đã trở thành “đặc sản” của TP chính là việc gia tăng dân số gây áp lực lên hạ tầng giao thông. Trong bối cảnh tốc độ phát triển hạ tầng không theo kịp, việc tận dụng linh hoạt hạ tầng hiện có là điều nên được xem xét tới.
Thực tế, tình trạng người dân cố tình đi ngược chiều trên một số tuyến đường lớn vào giờ cao điểm cũng là một gợi ý đối với các nhà quản lý luồng tuyến giao thông. Theo đó, nên có nghiên cứu để chuyển một số tuyến đường thành “đường một chiều linh hoạt”. Ví dụ, đường Ngọc Hồi đến Lê Duẩn hoàn toàn có thể nắn thành đường một chiều. Theo đó, chủ phương tiện muốn đi từ nội đô ra đường Ngọc Hồi phải đi sớm hoặc muộn hơn, hoặc di chuyển theo đường một tuyến đường khác như Bà Triệu - Bạch Mai - Trương Định để ra đường Ngọc Hồi. Đường Phạm Văn Đồng đoạn từ chân cầu Thăng Long tới cầu vượt Mai Dịch cũng có thể là đường một chiều vào nội đô. Các phương tiện muốn di chuyển từ khu vực Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy hướng về ngoại thành các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn có thể đi theo đường Nguyễn Hoàng Tôn, Xuân Thủy để theo lối đường Võ Nguyên Giáp - cầu Nhật Tân. Việc điều chỉnh cũng có thể áp dụng tương tự đối với tuyến QL21B. Theo đó, vào giờ cao điểm, tuyến QL21B sẽ trở thành đường một chiều đi từ các huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa vào nội đô, trong khi các phương tiện đi theo chiều ngược lại ra ngoại thành có thể di chuyển theo hướng đường CIENCO 5… Việc áp dụng điều chỉnh luồng tuyến một chiều có thể được áp dụng ngay cả đối với những khu vực có 2 tuyến đường hoặc phố nằm tương đối song song với nhau. Điều này sẽ giúp tránh được xung đột giữa các phương tiện trong quá trình tham gia giao thông.
Để có thể áp dụng được mô hình “đường một chiều linh hoạt” sẽ cần có thêm khảo sát, nghiên cứu. Công tác quản lý và điều tiết giao thông sẽ đặt ra một số vấn đề trong giai đoạn đầu triển khai, từ kế hoạch thông tin tuyên truyền, đến lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn hướng dẫn để người dân nhận biết quy định mới và chấp hành. Đây sẽ là giải pháp tình thế giúp giảm ùn tắc và tình trạng mất ATGT trên một số tuyến đường trục xuyên tâm trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện.