Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin, do ảnh hưởng bởi cơn bão, đến 14h ngày 7/9, gần như toàn bộ phụ tải của tỉnh Quảng Ninh và 80% phụ tải của TP Hải Phòng bị mất điện do sự cố nhiều đường dây trung áp. Đồng thời một số đường dây truyền tải điện được chủ động cắt điện để đảm bảo an toàn.
Sau khi bão đi qua và gió mạnh giảm dần, việc khôi phục vận hành và cung cấp điện sẽ được khẩn trương triển khai.
Thời điểm lúc 13h ngày 7/9, bão Yagi đã ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 13 - 14 đã gây gián đoạn cung cấp điện nhiều khách hàng tại 2 tỉnh, thành này.
Thông tin từ Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, bão đã gây sự cố cho 76 đường dây trung áp và làm gián đoạn cung cấp điện cho hơn 238.000 khách hàng trên địa bàn Quảng Ninh. Ước khoảng 40% khách hàng trên địa bàn tỉnh bị mất điện. Các khu vực bị ảnh hưởng chủ yếu ở Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô, Hạ Long, Quảng Yên.
Công ty Điện lực Quảng Ninh đã huy động hơn 600 cán bộ nhân viên ứng trực tại các đơn vị để sẵn sàng khắc phục sự cố ngay sau khi cơn bão tan.
Còn tại TP Hải Phòng, bão đã gây mất điện diện rộng, tổng số khách hàng đang bị mất điện khoảng 400.000 khách hàng.
Tại Thái Bình, ảnh hưởng của bão cũng gây nhiều sự cố lưới điện trung áp, khiến khoảng 570.000 khách hàng bị mất điện.
Tại Thanh Hoá, đến 14h ngày 7/9 đang có mưa to. Số khách hàng mất điện là gần 12.000 khách hàng.
Các công ty Điện lực đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, trang thiết bị để sau khi bão tan sẽ khẩn trương kiểm đếm, khắc phục sự cố, cấp điện trở lại cho khách hàng.
Trước đó, tối 6/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), thời tiết mưa giông và gió lớn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc khiến nhiều cây xanh gãy đổ và mái tôn bay vào đường dây gây ra sự cố 10 đường dây trung áp làm gián đoạn cung cấp điện trên diện rộng tại các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường và TP Vĩnh Yên. Với tinh thần nỗ lực cùng sự chuẩn bị ứng phó kỹ càng, đến hơn 22h đêm 6/9, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc đã khắc phục xong sự cố, cung cấp điện trở lại cho toàn bộ khách hàng.
Cũng trong tối 6/9, trên địa bàn huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, mưa lớn, gió lốc làm nhiều cây to bị gẫy, đổ và văng lên lưới điện gây sự cố mất điện trên địa bàn. Điện lực Ba Bể đã triển khai khắc phục sự cố ngay trong đêm, đến 3h sáng 7/9 sự cố đã được khắc phục xong và cấp điện trở lại cho khách hàng.
Còn tại Hải Phòng theo báo cáo nhanh cho biết, mưa to và gió cấp 15 đã gây sự cố mất điện 6 đường dây 110 kV (hiện A1 chưa chi đóng lại) mất điện toàn bộ điện ở Cát Hải; mất điện trên 50 đường dây trung và khoảng hơn 300 nghìn khách hàng mất điện.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và các đơn vị đã và đang ứng trực, theo dõi sát diễn biến của cơn bão số 3 để có phương án xử lý sự cố kịp thời, an toàn.
Ngày 6/9, Thành viên Hội đồng Thành viên EVN Đinh Thế Phúc và đoàn công tác đã kiểm tra công tác chuẩn bị, ứng phó với bão số 3 (Yagi) của các công ty Điện lực Nam Định và Thái Bình.
Đoàn công tác đã kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão của Trạm biến áp 110kV Long Bối (Công ty Điện lực Thái Bình), Trạm biến áp 110kV Mỹ Xá (Công ty Điện lực Nam Định), kiểm tra phương án đảm bảo cung cấp điện cho một số trạm bơm tiêu úng tại địa phương như trạm bơm Bữu Bi (Nam Định), trạm bơm Nguyên Tiến Đoài (Thái Bình).
Tại buổi kiểm tra, các công ty Điện lực đã triển khai công tác chuẩn bị, ứng phó bão số 3 với phương châm 4 tại chỗ; thực hiện trực lãnh đạo tăng cường trước, trong và sau bão; bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó với các ảnh hưởng của thiên tai, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, lương thực thực phẩm, thuốc men,…
Các đơn vị Điện lực cũng phối hợp với công ty cây xanh tổ chức phát quang hành lang tuyến để ngăn ngừa sự cố cây gẫy, đổ vào đường dây, trạm biến áp...
Tại buổi kiểm tra, Thành viên Hội đồng Thành viên EVN Đinh Thế Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị của hai Công ty Điện lực Nam Định và Thái Bình trước cơn bão số 3 đổ bộ, đồng thời đặc biệt lưu ý Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, các công ty Điện lực tăng cường tuyên truyền đảm bảo an toàn điện trong Nhân dân, đảm bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ; tăng cường kiểm tra để phát hiện sớm khu vực có khả năng sạt lở, ngập úng và có phương án xử lý kịp thời; cần có phương án trực vận hành và phòng chống phù hợp, đảm bảo vận hành lưới điện an toàn, liên tục.
Trong tinh huống thiên tai gây sự cố mất điện, cần nhanh chóng tổ chức xử lý, khắc phục nhằm cấp điện trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo an toàn cho các khách hàng đặc biệt là các phụ tải quan trọng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn.