Trong năm 2019, Cục QLTT Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện 8.838 vụ buôn lậu, gian lận thương mại. Riêng trong thời gian từ ngày 15/11 đến 15/12/2019, các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã thanh, kiểm tra và xử lý hành chính 4.650 vụ, khởi tố hình sự 3 vụ với 3 đối tượng, phạt 492,21 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2019, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 33.529 vụ, xử lý 31.246 vụ, tổng số tiền phạt hơn 4.466 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: Yêu cầu Ban Chỉ đạo 398 quốc gia, cũng như Ban Chỉ đạo 398 của các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng chủ động kiểm soát tình hình, tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trong đó tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa tại các khu vực biên giới… Đồng thời, phân rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng để phát hiện kịp thời các vụ việc vi phạm, tránh cho người dân việc mua sắm, tiêu dùng những mặt hàng không đảm bảo an toàn, kém chất lượng không chỉ trong những ngày Tết mà hướng tới trong cuộc sống hằng ngày.
Công tác phối hợp giữa T.Ư và Hà Nội, giữa các ngành, các cấp còn hạn chế, thiếu chủ động. Các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chế tài xử lý khó áp dụng, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa. Trong thời gian trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020 yêu cầu các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh phối hợp liên ngành, trao đổi thông tin giữa Hà Nội với các tỉnh, TP như: Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh…, đánh chặn từ xa hoạt động buôn bán hàng giả, hàng cấm tại các cửa khẩu, vùng giáp ranh với các tỉnh biên giới, tránh tình trạng hàng lậu đổ về Hà Nội. |
Gian nan chống buôn lậu cuối năm
Kinhtedothi - Cứ vào dịp cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh cũng chính là thời điểm hàng lậu được vận chuyển về Việt Nam với khối lượng lớn. Công tác chống buôn lậu, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng.
Diễn biến phức tạp
Hà Nội với dân số gần 10 triệu người nên nhu cầu tiêu dùng khá lớn, đồng thời là đầu mối phân phối, vận chuyển hàng hóa đi các địa phương, nên tình trạng buôn lậu diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Mới đây nhất, ngày 30/12, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11 thuộc Cục QLTT Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện 2 xe container chở hàng thực phẩm đông lạnh nhập lậu tại khu vực sân siêu thị MM Mega Market, đường Phạm Văn Đồng. Mặt hàng thu được chủ yếu là lưỡi vịt, trứng non, nầm lợn đông lạnh mang tem nhãn Trung Quốc.
Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Lái xe khai nhận, số hàng hóa này chuẩn bị được vận chuyển vào các tỉnh miền Trung và TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ.
Trước đó tại khu vực QL2 giao với cao tốc Hà Nội - Lào Cai, lực lượng QLTT Hà Nội khi kiểm tra xe ô tô BKS 17C - 098.12 phát hiện 15 tấn thực phẩm, mỹ phẩm không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp, không kiểm định chất lượng sản phẩm. Chủ hàng khai nhận toàn bộ số hàng được mua từ Trung Quốc với giá khoảng 600 triệu đồng vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ trong dịp Tết Canh Tý 2020.
Dù liên tục phát hiện, kiểm tra, bắt giữ các vụ buôn lậu số lượng lớn nhưng tình trạng buôn lậu thời điểm giáp Tết vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt mà vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Thông tin từ Cục QLTT Hà Nội cho thấy, nhằm đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả Việt Nam đã cấu kết với các đối tượng nước ngoài (Trung Quốc) sản xuất, vận chuyển hàng lậu, hàng giả.
Đáng chú ý, các đối tượng buôn lậu đã thay đổi phương thức vận chuyển theo hướng giảm vận chuyển đường bộ các hàng nhập lậu giá trị cao như ngoại tệ, sừng tê giác mà chuyển sang đường hàng không.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan TP Hà Nội Nguyễn Dương Thái chia sẻ: “Nhằm qua mặt lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu thường giấu hàng theo người, trong hành lý, không khai báo hải quan khi xuất cảnh, nhập cảnh; lợi dụng quy định được miễn thuế, hàng quà biếu để vận chuyển hàng lậu”.
Không chỉ có vậy, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết: Để trốn tránh lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng hóa ở các tỉnh ven Hà Nội, sau đó xé lẻ đưa vào TP theo nhiều cung đường, địa điểm, thời gian khác nhau. Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng thường trà trộn hàng lậu với hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, lợi dụng quy định thông thoáng về thành lập công ty TNHH, các đối tượng thành lập nhiều công ty khác nhau để lấy pháp nhân nhập khẩu hàng lậu, gian lận thương mại, khi bị phát hiện thì bỏ trốn.
Chia sẻ thủ đoạn buôn lậu mới xuất hiện thời gian gần đây, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Trần Ngọc Dương cho biết: Thời gian gần đây số lượng hàng lậu là máy móc, thiết bị Nhật Bản đã qua sử dụng nhập lậu vào Việt Nam trị giá lên đến hàng trăm triệu USD. Để nhập lậu số lượng lớn như vậy, dân buôn lậu đã lợi dụng kẽ hở văn bản về nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng của Bộ KH&CN để "nâng đời" cho nhiều loại máy hết hạn sử dụng vào Việt Nam.
“Đáng chú ý, qua đấu tranh, Công an TP Hà Nội đã phát hiện việc dân buôn lậu không chỉ lợi dụng kẽ hở văn bản pháp luật mà còn có tình trạng cán bộ chống buôn lậu tiếp tay cho hoạt động này bằng cách xóa nhãn mác cũ, thay thế nhãn mới để đủ điều kiện lưu hành tại Việt Nam" - ông Dương cho hay.
Tăng cường đấu tranh ngăn chặn
Để tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội ban hành kế hoạch kiểm tra liên ngành các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020. Trong đó tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm ATTP tại các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), Ga Hà Nội, Sân bay Nội Bài…
Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 T.Ư Đàm Thanh Thế đề nghị: Thời gian tới cần đẩy mạnh việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng T.Ư và địa phương trong đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả; Trong quá trình kiểm tra, xử lý phải đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, trước mắt chú trọng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Phó Cục trưởng QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, trong đợt cao điểm triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Canh Tý 2020, Cục QLTT đã tập trung chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để đối với các hành vi buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả...
Các đơn vị khác như Công an, Sở Y tế, Sở Công Thương, Cục Thuế, Cục Hải quan Hà Nội… cũng phối hợp triển khai kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các mặt hàng; kiểm tra kho tàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa trước, trong và sau Tết trên địa bàn TP.
Chia sẻ hoạt động chống buôn lậu thời điểm cuối năm cũng như trước, trong và sau Tết, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Nguyễn Công San: Từ nay đến Tết Canh Tý, lực lượng QLTT Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức kiểm tra ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hội chợ Xuân để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng.
Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường gắn liền với mục tiêu ổn định, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của DN. “Nhằm tránh tình trạng bao che hoạt động buôn lậu, Cục QLTT Hà Nội sẽ kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền, các cơ quan chức năng để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả kéo dài; không quyết liệt trong đấu tranh phòng ngừa, chậm phát hiện, xử lý vi phạm” - ông San nhấn mạnh.
Thống nhất cơ chế, rõ trách nhiệm
Thực tế cho thấy mặc dù lực lượng chức năng đã quyết liệt ngăn chặn nạn buôn lậu trước trong và sau Tết, tuy nhiên việc phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị đôi lúc chưa đồng bộ, kịp thời; một số văn bản pháp quy thiếu đồng bộ, không rõ ràng… đã tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng, đẩy mạnh hoạt động buôn lậu.
Thêm vào đó, cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng, các địa phương còn thiếu thống nhất trong quá trình xử lý. Nhằm hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên kiến nghị: Các bộ, ngành cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành, địa phương trong quá trình chống hàng lậu, hàng giả. “Nghị định 43/2009/NĐ-CP đã đưa "thuốc lá điếu nhập lậu" vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Tại Điều 9 của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 cũng quy định "mua bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu" là những hành vi bị nghiêm cấm.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 không quy định cấm đầu tư kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu trong khi lại quy định "kinh doanh sản phẩm thuốc lá" là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Việc này gây hiểu nhầm là kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu thuộc ngành nghề có điều kiện” - ông Kiên nêu ví dụ.
Thực tế hoạt động chống buôn lậu thời gian qua cho thấy để phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội đạt hiệu quả còn cần sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các lực lượng chức năng, nhất là việc phát hiện, bám nắm từ xa, xử lý tận gốc hoạt động buôn lậu. Đồng thời xác định mặt hàng, ngành hàng trọng tâm, địa bàn trọng điểm, để có phương án tập trung lực lượng theo dõi, xử lý dứt điểm trong đó có những thay đổi về mặt hàng, xuất xứ, cửa khẩu, vùng, miền nhập lậu.
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Nhân dân, khả năng phân biệt hàng giả, hàng nhái, biểu hiện buôn lậu, gian lận; phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng, cung cấp thông tin, phản ánh hoạt động tiêu cực.
Ngoài ra, để có thể ngăn chặn triệt để hàng lậu đòi hỏi các hộ kinh doanh chấp hành các quy định của pháp luật, phát hiện, tố giác các đối tượng, cơ sở buôn lậu. Đồng thời, lực lượng chức năng cần phân định rõ trách nhiệm từng địa bàn và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu số lượng lớn trên địa bàn, nhất là thời điểm cuối năm.