Để giúp lao động có thêm thông tin về chương trình và tiếp tục nộp hồ sơ, sáng 11/9, Cục Quản lý lao động ngoài nước cùng với đại diện phía Nhật Bản tổ chức hội thảo về chương trình đưa ứng cử viên điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản.
E ngại các điều kiện tuyển dụng
Tại hội thảo, lý do lao động “e dè” chương trình phần nào được làm sáng tỏ. Là một trong số ứng viên tới nộp hồ sơ khá sớm, dù tốt nghiệp cao đẳng hệ điều dưỡng, nhưng Nguyễn Thị Hà (tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Y tế Hải Dương) chỉ dám nộp hồ sơ vị trí hộ lý.
Hà cho biết, tuy em tốt nghiệp và đi làm được 1 năm, nhưng vì làm cho cơ sở y tế tư nhân nên đến giờ em vẫn chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Hơn nữa, ngay cả thời gian đi làm cho cơ sở y tế tư nhân cũng không được tính là kinh nghiệm làm việc nên em chỉ dám nộp hồ sơ dự tuyển vào vị trí hộ lý, thay vì điều dưỡng như ngành được đào tạo.
Cũng như Hà, nhiều lao động khác băn khoăn về tiêu chuẩn “có 2 năm kinh nghiệm làm việc”. Lao động Nguyễn Đoàn Hoa (tốt nghiệp Cao đẳng Y Hà Nội) nộp đơn tham gia ứng tuyển vị trí hộ lý bày tỏ: “Nếu bọn em đã có việc làm ổn định, dài hạn ở các bệnh viện công thì không muốn đi, còn mới ra trường, đi làm phòng khám tư thì không đủ điều kiện. Em biết thông tin và đang muốn đi làm nên cứ nộp hồ sơ”.
Các lao động đã nộp hồ sơ dự tuyển lắng nghe tư vấn về chương trình.
Nhìn từ góc độ khác, bà Phan Thị Dung - Điều dưỡng trưởng, Bệnh viện Việt Đức cho biết, hiện nay điều dưỡng hệ cao đẳng, đại học còn đang rất thiếu. Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện đầu ngành mà tỷ lệ điều dưỡng có trình độ này mới đạt 22% (78% còn lại chỉ đạt trình độ trung cấp), trong khi yêu cầu của Bộ Y tế phải có từ 25-30% điều dưỡng đạt trình độ cao đẳng trở lên. Như vậy, ngay cả nguồn nhân lực cho các bệnh viện trong nước còn chưa đủ, chưa nói tới đi làm ở nước ngoài.
Tạo mọi điều kiện cho lao động
Ông Lê Văn Thanh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, sau thời gian dài đàm phán, chương trình tuyển điều dưỡng, hộ lý đi Nhật Bản mới được ký kết. Đây là năm đầu tiên thực hiện nên không tránh khỏi việc lao động chưa tiếp cận được thông tin và còn e ngại. Hiện Cục đã gia hạn thời gian nộp hồ sơ tới 30.9.
Trong đợt tuyển đầu tiên này, phía Nhật Bản tiếp nhận 150 hồ sơ để tổ chức đào tạo và Cục Quản lý lao động ngoài nước hy vọng nhận được hàng ngàn hồ sơ ứng viên để có thể lựa chọn những hồ sơ tốt nhất. Ông Teruhiko Kawabata – Phó phòng Hợp tác quốc tế - Bộ Y tế, Lao động, Phúc lợi Nhật Bản khẳng định: Ứng viên khi được chọn sẽ được đào tạo tiếng Nhật 12 tháng do Trường Tiếng Nhật Arc Academy đảm nhiệm giảng dạy. Trong thời gian này, các ứng viên sẽ được hỗ trợ ăn ở miễn phí và còn được cấp cả tiền tiêu vặt. Nếu trúng tuyển, lao động được hỗ trợ vé máy bay sang Nhật.
Tuy nhiên, đi kèm với các điều kiện ưu đãi là kỷ luật học tập nghiêm khắc để đạt được trình độ ngoại ngữ mong muốn (N3). Theo đó, lao động sẽ phải học tập trung, chấp hành nghiêm mọi nội quy đã được đề ra. Trong suốt quá trình học tập, lao động không được tự ý nghỉ (trừ trường hợp đặc biệt). Khi đạt chứng chỉ tiếng Nhật, lao động sẽ được giới thiệu đơn vị y tế tại Nhật Bản để thảo luận, tìm kiếm việc và phải chấp hành sự phân công của cơ sở tiếp nhận.
Trả lời những lo ngại về lao động bỏ trốn, ông Teruhiko cũng cho biết, lý do lao động bỏ trốn thường là thu nhập nơi đang làm việc thấp hơn bên ngoài, trong khi đó lương thử việc của điều dưỡng, hộ lý là 13 vạn yen/tháng (tương đương khoảng 38-40 triệu đồng). Nếu đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản về điều dưỡng, mức lương có thể lên tới 21 vạn yen (khoảng 60-65 triệu đồng). Đây là mức lương rất cao và nghề này cũng là nghề được trọng vọng trong xã hội, không có lý do gì để lao động bỏ trốn.
Sau khi được chọn lựa, bắt đầu từ tháng 12.2012, 150 lao động sẽ bắt đầu tham gia học tiếng Nhật và chuẩn bị kỳ thi về năng lực tiếng Nhật cấp N3. |