Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục đạo đức học sinh cần phối hợp giữa “3 nhà”

Trung Đức (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, trong học sinh (HS) phổ thông xuất hiện nhiều biểu hiện không lành mạnh về đạo đức, lối sống, nhất là tình trạng bạo lực học đường có xu hướng gia tăng.

Câu hỏi đặt ra đối với những người làm giáo dục hiện nay là: Giải pháp hữu hiệu nào đẩy lùi hiện tượng tiêu cực, bạo lực học đường trong HS phổ thông? TS Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Đào tạo và dạy nghề, Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, những người làm giáo dục cần có những hiểu biết nhất định về tâm sinh lý lứa tuổi, để thông cảm, gần gũi, chia sẻ với các em, từ đó đưa ra những đánh giá, nhận xét về đạo đức, lối sống của HS một cách khách quan, chính xác.
 Ảnh minh họa
“Muốn giáo dục đạo đức, lối sống HS phổ thông hiệu quả, trước hết cần nghiên cứu tâm lý lứa tuổi để hiểu các em đang suy nghĩ gì, có thể làm được gì. Ở lứa tuổi của HS THPT, các em có những biến đổi về tâm sinh lý, đòi hỏi giáo viên phải có những phương pháp thích hợp với từng lứa tuổi, từng cá nhân. Đối với lứa tuổi này có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tâm sinh lý: Đặc điểm phát triển thể chất, ảnh hưởng của gia đình, nhà trường, xã hội. Đặc biệt, HS THPT được sinh ra trong môi trường xã hội đang phát triển nhanh chóng, phức tạp, các em đang trong độ tuổi nhiều ước mơ, sáng tạo, thích cái mới lạ... Tuy nhiên, vẫn có nhiều em chưa được giáo dục đầy đủ về thế giới quan, nhân sinh quan, chịu ảnh hưởng của tư tưởng và những thói hư tật xấu, như: Có thái độ coi thường luật pháp, lười biếng, ý thức tổ chức kỷ luật kém, đua đòi... Số HS này tuy ít nhưng là mầm mống cho sự phát triển của nhiều tệ nạn trong học đường. Vì vậy, giáo viên phải khéo léo, tế nhị định hướng cho HS biết cách nhìn nhận, đánh giá về những mô hình nhân cách tốt, phê phán những nhận thức lệch lạc, giúp các em lựa chọn cho mình một mô hình nhân cách lý tưởng để phấn đấu vươn tới.
Hơn nữa, nhà trường, gia đình xã hội phải tạo điều kiện để nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ và hành vi ứng xử đúng đắn của các em; Tổ chức nhiều hoạt động khác nhau có mục đích giáo dục tốt, lôi kéo các em tham gia tích cực nhằm tạo môi trường để các em giáo dục lẫn nhau và tự giáo dục. Cần phối hợp các lực lượng để tạo nên sức mạnh tổng hợp giáo dục, giúp đỡ các em ở mọi nơi, mọi lúc. Giáo dục là hoạt động mang tính xã hội cao. Do đó, muốn nâng cao chất lượng giáo dục HS, chúng ta phải coi trọng giáo dục giữa “3 nhà”: Giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Chỉ riêng nhà trường, riêng ngành giáo dục thì không thể làm tốt công tác giáo dục được”.