Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” qua hoạt động đền ơn đáp nghĩa

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là địa phương tiêu biểu trong công tác chăm sóc người có công, TP Hà Nội thường xuyên nghiên cứu, bổ sung các chính sách đặc thù, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” qua hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thể hiện sự tri ân đối với người có công, góp phần giáo dục truyền thống.

Tri ân, biết ơn những người có công với đất nước

Nhân dịp Đoàn đại biểu TP Hà Nội thực hiện hành trình về nguồn, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại mảnh đất thiêng Quảng Trị, trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết: truyền thống đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam luôn được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội thực hiện nghiêm túc trong dịp 27/7/2024, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024) và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). TP Hà Nội đã trao tặng các phần quà của thành phố cho các gia đình chính sách, gia đình người có công.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và các đại biểu TP Hà Nội dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9. Ảnh: Hồng Thái
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và các đại biểu TP Hà Nội dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9. Ảnh: Hồng Thái

Cùng đó, TP Hà Nội đã tổ chức các đoàn đại diện của thành phố đi tri ân, thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ tại nhiều nghĩa trang trên cả nước. Trong đó, TP Hà Nội đã tổ chức đoàn lãnh đạo thành phố, MTTQ, các sở ban ngành đến tri ân, thắp hương và làm việc tại tỉnh Quảng Trị. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, mang tính chất giáo dục của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thủ đô đối với thế hệ trẻ.

Những hoạt động thăm hỏi, tặng quà của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã trở thành nét đẹp truyền thống của Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng.

Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong và Đoàn đại biểu TP Hà Nội tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Di tích Thành cổ Quảng Trị. Ảnh Hồng Thái
Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong và Đoàn đại biểu TP Hà Nội tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Di tích Thành cổ Quảng Trị. Ảnh Hồng Thái

“Tôi cho rằng, những hoạt động vào dịp 27/7, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ với rất nhiều hoạt động thiết thực mang ý nghĩa giáo dục sẽ góp phần củng cố phong phú hơn nét đẹp văn hóa của người Việt Nam chúng ta, biết tôn trọng, tri ân, biết ơn đối với những người đã có công với đất nước, nhất là các anh hùng liệt sĩ, thương binh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc” - Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh. 

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và Đoàn đại biểu TP Hà Nội tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Hồng Thái
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và Đoàn đại biểu TP Hà Nội tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Hồng Thái

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, từ những việc làm có ý nghĩa giáo dục như vậy, sẽ giúp mỗi người dân cũng như thế hệ trẻ thêm ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc cũng như giữ gìn, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội, góp phần thiết thực phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, những việc làm này được thực hiện thường xuyên, góp phần hình thành nét đẹp văn hóa cũng như người dân Hà Nội, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” qua hoạt động đền ơn đáp nghĩa - Ảnh 1
Đoàn đại biểu TP Hà Nội thả hoa trên sông Thạch Hãn tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Hồng Thái
Đoàn đại biểu TP Hà Nội thả hoa trên sông Thạch Hãn tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Hồng Thái

Tri ân làm nên nét văn hóa vì hòa bình 

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, năm 1999, Hà Nội đã được UNESCO vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”. Danh hiệu này là sự ghi nhận của quốc tế, của UNESCO đối với những hoạt động của Thủ đô Hà Nội trong nhiều năm qua; trong đó khẳng định tiêu chí quan trọng là khát vọng hòa bình luôn được thể hiện, cụ thể hóa trong tất cả chủ trương, hành động của Thủ đô Hà Nội.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao biển tượng trưng tặng 150 nhà tình nghĩa cho đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Ảnh Hồng Thái
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao biển tượng trưng tặng 150 nhà tình nghĩa cho đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Ảnh Hồng Thái

Đặc biệt, trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã diễn ra rất nhiều cuộc đấu tranh để giành được độc lập dân tộc, nhưng không đâu trên mảnh đất hình chữ S này, sự tàn khốc của chiến tranh, hậu quả của chiến tranh để lại nặng nề và dai dẳng cả về vật chất, tinh thần đối với người dân như mảnh đất Quảng Trị, biến nơi này trở thành biểu tượng cho khát vọng hòa bình, sự hàn gắn và hồi sinh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao biển tượng trưng hỗ trợ tỉnh Quảng Trị 3 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Ảnh Hồng Thái
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trao biển tượng trưng hỗ trợ tỉnh Quảng Trị 3 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo. Ảnh Hồng Thái

Trong ngày 6/7 vừa qua, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ hội Vì hòa bình năm 2024 với chủ đề “Chung tay kiến tạo thế giới hòa bình”. Lễ hội là minh chứng sống động cho khát vọng ấy, khi Quảng Trị đón nhận bạn bè quốc tế, cùng nhau xây dựng một tương lai hòa bình, đoàn kết và phát triển, biến quá khứ đau thương thành động lực mạnh mẽ cho những bước tiến mới. Khát vọng hòa bình không chỉ là của Nhân dân Quảng Trị, mà còn là khát vọng của toàn thể Nhân dân Việt Nam, một dân tộc đã chịu nhiều đau thương, mất mát dù chiến tranh đã lùi xa hàng chục năm.

Hà Nội tặng quà người có công và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại tỉnh Quảng Trị với tổng giá trị 570 triệu đồng. Ảnh Hồng Thái
Hà Nội tặng quà người có công và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại tỉnh Quảng Trị với tổng giá trị 570 triệu đồng. Ảnh Hồng Thái

Chúng ta đang sống trong bối cảnh các xung đột khốc liệt trên thế giới gần đây liên tiếp xảy ra, Lễ hội Vì hòa bình năm 2024 tại Quảng Trị cũng như việc Thủ đô Hà Nội kỷ niệm 25 năm ngày TP Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố Vì hòa bình” (ngày 16/7), cũng góp phần chung tay cùng với cộng đồng nhân loại, kêu gọi và hướng tới nền hòa bình cho toàn nhân loại. 

Giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” qua hoạt động đền ơn đáp nghĩa - Ảnh 2
Lãnh đạo TP Hà Nội và tỉnh Quảng Trị trao quà tới người có công, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh Hồng Thái
Lãnh đạo TP Hà Nội và tỉnh Quảng Trị trao quà tới người có công, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh Hồng Thái

Những điều này đồng thời nhắc nhở người dân Việt Nam, người dân Thủ đô về những giá trị không thể so sánh của hòa bình, thể hiện sinh động văn hóa vì hòa bình - bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, của người Thủ đô văn minh, văn hiến.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, từ sự biết ơn, chúng ta tri ân và nhớ ơn những người có công làm nên hòa bình ngày hôm nay, nhất là sự hy sinh, mất mát của thế hệ cha anh đi trước, những người đã ngã xuống khi đang ở độ tuổi thanh xuân và đầy khát khao cống hiến. 

Đoàn đại biểu TP Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong dẫn đầu thực hiện hành trình về nguồn đến các địa chỉ đỏ, tưởng nhớ, dâng hương và tri ân các anh hùng liệt sĩ tại mảnh đất thiêng Quảng Trị. Ảnh Hồng Thái
Đoàn đại biểu TP Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong dẫn đầu thực hiện hành trình về nguồn đến các địa chỉ đỏ, tưởng nhớ, dâng hương và tri ân các anh hùng liệt sĩ tại mảnh đất thiêng Quảng Trị. Ảnh Hồng Thái

Ngoài ra, thông qua các hoạt động báo hiếu, biết ơn đấng sinh thành, chúng ta hiểu rằng, mỗi người không chỉ có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ bên ngoài xã hội mà còn phải có trách nhiệm đối với gia đình, nhất là đối với cha mẹ. Tất cả những việc làm đó sẽ góp phần hình thành nên nhân cách, nét đẹp văn hóa, cũng như tạo nên bản sắc của người Việt, khiến chúng ta có thể tự hào khi hội nhập với quốc tế. Từ đây, các bạn trẻ có được niềm tự hào, sự tự tin và hơn thế, có trách nhiệm hơn trong việc quảng bá nét đẹp văn hóa, truyền thống của người dân Việt Nam, của người Hà Nội với bạn bè quốc tế.