Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục ĐH không nằm ngoài xu thế thế giới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhấn mạnh giáo dục Việt Nam, trong đó có bậc ĐH, CĐ, không thể tách rời khỏi xu thế quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng điều này là rất cần thiết để “từng trường định vị mình nằm ở đâu...

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2014-2015 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2015-2016 khối ĐH, CĐ, ngày 22/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh giáo dục ĐH, CĐ của Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế, tiêu chuẩn chung của thế giới.

Đánh giá về năm học 2014-2015, Phó Thủ tướng cho rằng khối ĐH, CĐ đã thực hiện được rất nhiều việc theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

“Có những việc đã mang lại những kết quả rõ rệt. Đây là khẳng định rất cần thiết để biết rằng chúng ta đã nỗ lực, đã đi đúng hướng và phải tiếp tục làm mạnh hơn.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng giáo dục ĐH của Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế quốc tế. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng giáo dục ĐH của Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế quốc tế. Ảnh: VGP
Tới đây chúng ta cần có những cuộc làm việc nghiêm túc để bàn từng vấn đề liên quan đến giáo dục ĐH, CĐ như thi cử, tuyển sinh, tự chủ hay vấn đề phân tầng và xếp hạng ĐH, với sự tham gia của cơ quan quản lí Nhà nước, các bộ, ban ngành liên quan, một số địa phương, hiệp hội, câu lạc bộ các trường ĐH…”, Phó Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh giáo dục Việt Nam, trong đó có bậc ĐH, CĐ, không thể tách rời khỏi xu thế quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng điều này là rất cần thiết để “từng trường định vị mình nằm ở đâu trong hệ thống giáo dục ĐH, CĐ của Việt Nam, trong hệ thống giáo dục ĐH, CĐ khu vực và thế giới”.

Đề cập đến vấn đề căn bản nhất đã được xác định trong Nghị quyết 29 là đề án hệ thống giáo dục quốc dân và khung trình độ đang được Bộ GD&ĐT khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, Phó Thủ tướng đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa với sự tham gia tích cực của các trường ĐH, CĐ. Đặc biệt là phải cập nhật xu thế giáo dục quốc tế đang chuyển đổi rất nhanh.

“Bây giờ trong xu thế hội nhập nhất định chúng ta không đứng ngoài, kể cả về hệ thống, khung chương trình, kiểm định chất lượng và ở đây có câu chuyện phân tầng, xếp hạng ĐH, CĐ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, vừa qua một số trường ĐH của Việt Nam đã chú ý đến việc cung cấp thông tin, đưa ra chương trình đào tạo theo đúng hướng dẫn của các tổ chức xếp hạng ĐH, CĐ trên thế giới và đã thu được những kết quả tích cực.

"Tại sao không chọn cái phù hợp nhất trong mấy tổ chức xếp hạng ĐH của thế giới và tạm thời theo như vậy để xem thế giới người ta nhìn chúng ta như thế nào để mình làm. Họ cũng làm đầy đủ các nhóm, trọng số xếp hạng cơ bản như: Đánh giá từ người tuyển dụng, đánh giá từ các nhà khoa học, số lượng nghiên cứu trích dẫn, tỉ lệ giáo viên/sinh viên, nghiên cứu viên/sinh viên...”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề và lưu ý: “Chúng ta đồng ý là Việt Nam có đặc thù nhưng đừng lấy đặc thù làm chính mà phải lấy xu thế thế giới làm chính, có như vậy chúng ta mới biết mình đứng ở đâu trong khu vực, trên thế giới”.

Nhắc lại thay đổi căn bản khi soạn thảo Nghị quyết 19 về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thời điểm cuối 2013, là nhất định phải theo đúng như thế giới và đã tạo được nhưng chuyển biến rất mạnh mẽ, Phó Thủ tướng tin tưởng “trong ĐH cũng như vậy”.

Trao đổi với các hiệu trưởng ĐH tại hội nghị về vấn đề tự chủ, Phó Thủ tướng nói: Đây là xu thế chúng ta phải làm và qua rất nhiều tranh luận đến nay đã có 12 trường thí điểm tự chủ. Tới đây chúng ta tiếp tục rà soát. Việc này không lui được. Tôi muốn rằng thay vì các đồng chí đề nghị cần “có lộ trình phù hợp” thì hãy đề nghị “tự chủ nhưng mà có cơ chế đặc thù phù hợp cho từng loại trường, từng đối tượng”.

Lấy ví dụ về tự chủ sẽ giúp các trường toàn quyền chủ động sử dụng các nguồn tài chính khác nhau hay kéo dài tuổi công tác đối với một số nhà khoa học, giảng viên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tự chủ ĐH không chỉ là tài chính mà còn ở tổ chức, ở nhân sự, ở học thuật, đương nhiên phải theo đúng quy định pháp luật. Vì vậy, Chính phủ mới có Nghị quyết cho 12 trường ĐH tự chủ thí điểm. Các trường tiếp theo muốn tự chủ phải có đề án, xây dựng cụ thể. Không nên hiểu cực đoan tự chủ là tự mình làm hết Nhà nước thì buông, như vậy là không đúng.

Chia sẻ vấn đề nóng thu hút nhiều ý kiến của các đại biểu tại hội nghị là phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016, Phó Thủ tướng cho rằng cần phải bàn kĩ, chi tiết, chưa nên ấn định cụ thể.

“Chúng ta chỉ khẳng định với nhân dân rằng nhất định kỳ thi năm tới sẽ kế thừa những cái được của kỳ thi năm nay khắc phục những cái mà mình thấy vẫn còn bất cập để có một kỳ thi đảm bảo trung thực, công bằng nhưng ngày càng nhẹ nhàng, trước hết là cho nhân dân”, Phó Thủ tướng nói.

Về công tác tuyển sinh, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Phải trên tinh thần tự chủ của các ĐH. Bộ GD&ĐT chỉ ra những quy định tối cần thiết, không nên đi quá vào chi tiết. Chỉ cần làm sao mình đảm bảo công bằng cho học sinh và tôn trọng quyền tự chủ của các trường”.

Đánh giá cao tất cả những nỗ lực của Bộ GD&ĐT, các ban ngành, chính quyền địa phương và các trường ĐH đã tổ chức tốt kỳ thi năm 2015, giảm được áp lực cho nhân dân rất nhiều, Phó Thủ tướng mong muốn: Chúng ta sẽ tiếp tục có những bước đi rất cụ thể và tinh thần là đúng rồi thì quyết tâm làm để đẩy nhanh chất lượng giáo dục ĐH, CĐ lên.

“Suy cho cùng mục đích cuối cùng là làm sao kĩ sư ra kĩ sư, thạc sĩ ra thạc sĩ, tiến sĩ ra tiến sĩ, và nếu chúng ta làm được như vậy thì kinh tế-xã hội sẽ phát triển, việc làm sẽ nhiều hơn. Lâu nay, chúng ta nói thừa thầy thiếu thợ cũng chưa hẳn chính xác.  Quan trọng là chúng ta phải có thật nhiều thầy và thầy đúng là thầy; thật nhiều thợ và thợ đúng là thợ”, Phó Thủ tướng khẳng định.