Từ 0 - 3 tuổi là “giai đoạn vàng”, là “cửa sổ cơ hội” để bộ não phát triển và hoàn thiện. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH, nếu được chăm sóc và giáo dục phù hợp, trẻ không những phát triển tối đa trong giai đoạn hiện tại mà còn tác động lâu dài đến sức khỏe và phát triển lúc trưởng thành. Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia khác khẳng định, gia đình là môi trường đầu tiên quyết định sự hình thành nhân cách con người. Bởi thế, giáo dục sớm cho trẻ phải bắt đầu từ gia đình và cộng đồng.
Những năm qua, Chính phủ đã quan tâm và nỗ lực hỗ trợ gia đình trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ. Luật Bảo hiểm xã hội quy định người mẹ được nghỉ trước và sau khi sinh 6 tháng; từ 1/1/2016, lao động nam sẽ được nghỉ 5 - 14 ngày khi vợ sinh con. Và còn rất nhiều luật và chính sách, chương trình về giáo dục và chăm sóc trẻ được ban hành. Tuy nhiên, việc thực hiện luật về trẻ em lại bộc lộ những bất cập khi không bắt nhịp được với những thay đổi về kinh tế - xã hội. Đặc biệt là chưa quan tâm đúng mức và đầu tư có chất lượng để chăm sóc trẻ trong 3 năm đầu đời, kể cả trong gia đình lẫn các dịch vụ xã hội. Như phân tích của các chuyên gia thì chúng ta đang làm ngược với thế giới, đó là giải tán hệ thống nhà trẻ chăm sóc trẻ dưới 3 tuổi, tập trung phát triển mẫu giáo 5 tuổi và miễn học phí ở cấp tiểu học, cấp học bổng bậc đại học. Nước ta vẫn đứng trong danh sách có tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất thế giới, tỷ lệ trẻ em tử vong và tàn tật do tai nạn thương tích cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Do đó, nhiều người đề nghị luật hóa quyền của trẻ em được hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục, đặc biệt ưu tiên trong 1.000 ngày đầu đời; Nhà nước nên quy định rõ các nội dung nuôi dạy cũng như hệ thống nuôi dạy trẻ em dưới 3 tuổi hợp lý. Với ngành giáo dục, cần nâng cao chất lượng các nhà trẻ, trường mầm non để con của người lao động được đến trường. Đặc biệt, phụ huynh phải đồng hành cùng nhà trường trong việc giáo dục và nuôi dạy trẻ.
Diễn đàn kiến nghị cần thiết phải chăm sóc, giáo dục sớm trẻ em từ 0 - 3 tuổi. (Ảnh: HNV)
|