Cùng dự, có đại diện các vụ, cục trực thuộc Bộ GD&ĐT; các sở, ban, ngành, quận, huyện TP Hà Nội cùng 5.000 cán bộ quản lý các nhà trường. Hội nghị được cũng được kết nối trực tuyến với điểm cầu tại 30 quận, huyên, thị xã TP Hà Nội.
Dấu ấn mạnh mẽ, nổi bật
Báo cáo kết quả của ngành giáo dục Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết: Năm học 2022 - 2023, được sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND TP, ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm và đạt được những kết quả toàn diện.
Cụ thể, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục ổn đinh và phát triển; mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại. Toàn TP có 2.840 trường mầm non, phổ thông với 64.792 lớp; 2.177.000 học sinh; 122.968 giáo viên; 65.264 phòng học.
TP quan tâm xây mới, thành lập mới 24 trường học các cấp; cải tạo, sửa chữa 528 trường; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn TP là 72,5%; công nhận được 23 trường chất lượng cao; đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn TP.
Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP thông qua 6 Nghị quyết tại kỳ họp HĐND TP, trong đó có những cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như mức học phí, cơ chế hỗ trợ học phí, Quy định chế độ hỗ trợ nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú của TP Hà Nội…
Công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và các bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục được tập trung triển khai thực hiện. 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học đạt chuẩn đào tạo trở lên. Triển khai thực hiện khoa học, bài bản, hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hà Nội đã tổ chức an toàn 6 kỳ thi, trong đó có kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, năm 2023, tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung toàn TP đạt 99,56% (xếp thứ 16, tăng 11 bậc so với năm 2022)- là kết quả cao nhất trong 10 năm qua.
Công tác giáo dục đại trà được quan tâm; tiếp tục duy trì, phát triển chất lượng giáo dục mũi nhọn với 8 giải quốc tế và là địa phương dẫn đầu cả nước về số giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025 được các quận, huyện, thị xã, các trường hưởng ứng, triển khai thực hiện.
Với những kết quả đạt được trong năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2022. Công tác GD&ĐT được TP vinh danh là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô năm 2022: ”Giáo dục và đào tạo Thủ đô chuyển biến toàn diện, dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế”.
Tập trung nguồn lực phát triển toàn diện giáo dục
Ghi nhận, chúc mừng và biểu dương những thành tích của ngành GD&ĐT Thủ đô đã đạt được, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị, trong năm học tới, ngành giáo dục Thủ đô cần quyết liệt hành động, có chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà toàn ngành Giáo dục đã đề ra; tập trung thực hiện hiệu quả việc triển khai Chương trình GDPT mới; tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp học; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.
Cùng với đó, cần quan tâm, chỉ đạo và triển khai cụ thể, sâu rộng văn hóa học đường, sức khỏe học đường, tâm lý học đường, phòng chống bạo lực học đường. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia; tiếp tục chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới một cách chủ động, chu đáo. Xác định lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế để phối hợp các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc đặt hàng đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên được đào tạo theo Nghị định số 71; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.
Bộ trưởng cho rằng, Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục. Trong công tác tuyển sinh đầu cấp, dứt khoát không còn cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hình thức biểu dương với những đơn vị, cơ sở làm tốt trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới để làm điển hình cho các trường học, địa phương học tập và làm theo.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định, giáo dục là một trong những ngành luôn được TP tập trung đầu tư, được lãnh đạo TP quan tâm, chỉ đạo toàn diện, giao chỉ tiêu cụ thể và theo dõi, đánh giá tiến độ đạt được. Để góp phần thay đổi diện mạo các trường, Hà Nội quyết định phân cấp trong đầu tư xây dựng các trường THPT, chỉ đạo quyết liệt xây dựng trường chuẩn quốc gia, xây dựng trường chất lượng cao và các trường liên cấp tiên tiến hiện đại nhiều cấp học….
Đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý ngành giáo dục Hà Nội trong năm học qua, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà cũng thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, hạn chế của ngành và cho biết ngành cần thay đổi nhận thức, tư duy, cách làm và tập trung, đồng bộ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, từ đó góp phần kéo gần khoảng cách giáo dục, thực hiện tốt công tác phân luồng, tuyển sinh đầu cấp….
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà đề nghị ngành giáo dục cập nhật, xây dựng chi tiết kế hoạch và các chương trình chuyên đề để thực hiện nhiệm vụ năm học; tập trung nguồn lực triển khai đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hoàn thành chủ trương đầu tư đảm bảo tiến độ đề ra, rà soát quy hoạch, triển khai xây dựng các trường học; tiếp tục rà soát, tham mưu UBND TP trình HĐND các cơ chế chính sách đặc thù giáo dục, nhất là cơ chế đặc thù trong việc khen thưởng học sinh, giáo viên có thành tích đặc biệt xuất sắc. Cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, đảm bảo điều kiện tuyển sinh trực tuyến; có cơ chế đặc thù bố trí, sắp xếp, luân chuyển giáo viên.
Nhấn mạnh việc thực hiện nghị quyết về thí điểm thực hiện giá dịch vụ giáo dục, xây dựng trường học tự chủ, chuyển từ giao dự toán sang cơ chế đặt hàng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, khi các trường được chủ động quyết định tuyển dụng và sử dụng lao động sẽ giải mã vấn đề thiếu biên chế và tháo gỡ nhiều nội dung vướng mắc trong thời gian qua.
“Cùng sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, chắc chắn ngành giáo dục Thủ đô sẽ tiếp tục đạt kết quả cao hơn trong năm học tới và khẳng định vững chắc vị trí dẫn đầu trong công tác giáo dục đào tạo trên cả nước”, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà bày tỏ.
10 nhiệm vụ trong tâm của ngành giáo dục Thủ đô năm học 2023 – 2024
- Quan tâm đến công tác cán bộ; làm tốt công tác phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; bố trí, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ đúng chuyên môn, sở trường; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo…
- Triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị, TP, Bộ GD&ĐT về lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
- Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Thành uỷ, HĐND, UBND TP về các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là về việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, giá dịch vụ giáo dục và đào tạo.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tốt các hoạt động, vấn đề phát sinh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP. Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, tồn tại trong công tác thi, tuyển sinh đầu năm học; phương án phân luồng học sinh, thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
- Phối hợp các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 06/5/2022 của UBND TP, đảm bảo các dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tiếp tục thực hiện công tác đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn TP
- Nghiên cứu, đổi mới cơ chế trong quản lý, xây dựng mô hình tự chủ tại một số trường mầm non, phổ thông ở những địa bàn.
- Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; các giải pháp thu hẹp khoảng cách, chất lượng giáo dục giữa các quận nội thành và các huyện, thị xã.
- Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; xây dựng trường học an toàn, thân thiện, trường học hạnh phúc.
- Tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành; thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường.
- Mở rộng mối quan hệ giao lưu, hợp tác về giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục; thực hiện các phong trào thi đua và truyền thông về các chủ trương, chính sách giáo dục