Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục Hà Nội phát triển vượt bậc

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp cũng như chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn.

Giáo dục toàn diện tăng trưởng cả về lượng và chất

5 năm qua, quy mô giáo dục của Thủ đô tiếp tục được ổn định và có bước phát triển mạnh ở một số cấp học, bậc học. Cho đến nay, toàn TP có 2.748 trường mầm non và phổ thông, 60.431 nhóm, lớp với 2.044.006 học sinh. Theo nhận định của lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, việc đa dạng hóa các loại hình trường lớp, cấp học đã đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân và người lao động trên địa bàn Hà Nội. Không chỉ vậy, 5 năm qua, toàn ngành đã tập trung đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, ngành học, do đó chất lượng dạy và học được duy trì, ổn định và từng bước được nâng lên vững chắc. Ở cấp học mầm non bên cạnh việc hoàn thành phổ cập 5 tuổi, đã nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Giáo dục tiểu học được nâng cao chất lượng phổ cập đúng độ tuổi, học sinh 6 tuổi vào học lớp 1 hằng năm đạt 100%.
 Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng trao bằng khen cho các học sinh giỏi tiêu biểu của Thủ đô. Ảnh: Nguyễn Trang
Cấp trung học được tăng cường công tác đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh. Vì vậy, chất lượng giáo dục toàn diện ổn định và tiếp tục được nâng lên. Thể hiện rõ ở điểm bình quân các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 toàn TP hằng năm đều tăng. Cụ thể, năm học 2014 – 2015, điểm môn Toán 5,36, môn Văn 6,36 thì đến năm học 2019 – 2020 nâng lên thành 5,99 và 6,5. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT được giữ vững và từng bước nâng lên. Theo đó, năm 2015, đỗ tốt nghiệp THPT của học sinh Hà Nội 92,51% đến năm 2019 tăng lên thành 96,18% (cao hơn cả nước 2,12%).

Những đột phá mang bản sắc Hà Nội

Không chỉ giáo dục toàn diện được đầu tư mà giáo dục mũi nhọn cũng được Hà Nội chú trọng. Tại các kỳ thi học sinh giỏi TP, quốc gia, quốc tế có nhiều học sinh Hà Nội đã đạt thành tích xuất sắc và Hà Nội luôn dẫn đầu toàn quốc về số học sinh giỏi quốc gia. Trong 5 năm, toàn TP có 12.117 học sinh THCS, 7.735 học sinh THPT đạt giải học sinh giỏi cấp TP; 721 em đạt giải quốc gia. Các đoàn học sinh Hà Nội tham dự những kỳ thi Olympic quốc tế đạt kết quả cao với tổng số 418 giải, trong đó có 105 Huy chương Vàng, 129 Huy chương Bạc, 134 Huy chương Đồng và 50 giải

Để có bước phát triển vượt bậc cũng như tạo nguồn cho TP có nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai, trong nhiệm kỳ qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Kết quả đột phá là thực hiện Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A Level tại trường THPT Chu Văn An từ năm 2017. Đến năm học 2018 - 2019, Hà Nội tiếp tục mở rộng mô hình này tại 7 trường THCS và 2 trường THPT công lập trên địa bàn TP, nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh Thủ đô. Đánh giá về việc đào tạo chương trình song bằng được triển khai tại hai trường ở quận Tây Hồ, ông Lê Hồng Vũ khẳng định được tổ chức khá bài bản nên nhu cầu học sinh đăng ký học luôn tăng lên. Cụ thể, tại trường THCS Chu Văn An, năm đầu tiên triển khai có điểm tuyển sinh là 10,4, năm thứ hai là 11,2, năm nay 11,8 và luôn đảm bảo đủ chỉ tiêu.

Đào tạo song bằng cho học sinh phổ thông là sản phẩm đặc sắc của Hà Nội. Rất tâm đắc với chương trình đào tạo song bằng, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Đại học KHXH&NV Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: “Đây là sự quyết liệt và cần thiết của giáo dục Thủ đô. Hà Nội giữ được tính công bằng trong giáo dục nhưng không cào bằng. Mở các chương trình đào tạo song bằng là bước đột phá giúp học sinh phát huy sự sáng tạo, đổi mới, hội nhập”.
Ông Hoàng Anh Tuấn và nhiều người dân Thủ đô kỳ vọng trong thời gian tới, không chỉ có 15 trường phổ thông liên kết quốc tế mà sau 5 năm Hà Nội sẽ có nhiều chục, thậm chí hàng trăm trường. Sẽ ý nghĩa hơn nếu việc liên kết không chỉ tập trung ở khu vực nội thành mà sớm lan tỏa ra các vùng ngoại ô để đảm bảo tính công bằng trong giáo dục. Được như thế, học sinh Thủ đô ngày càng hội nhập, định hình tương lai công dân toàn cầu, sẽ là rất tốt.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục, ngành GD&ĐT Thủ đô đẩy mạnh việc giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, “Giáo dục an toàn giao thông”, gắn các hoạt động giáo dục với các di sản văn hóa, lịch sử và thực tiễn địa phương. Đó chính là giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tự hào về Thủ đô, khi xã hội càng chuyển đổi số, 4.0 thì những điều đó lại càng trở lên quan trọng.