Kinhtedothi - Ngay sau khi Hiệp hội các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) Việt Nam (VIPUA) có công văn thứ hai gửi Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kiến nghị sửa một số quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH (VIPUA) xung quanh chủ đề này.
Có sự nhầm lẫn về nhận thức
Thưa ông, cách đây khoảng 5 tháng, VIPUA đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số nội dung trong Luật GDNN. Tại sao Hiệp hội lại tiếp tục gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng?
- Trung tuần tháng 4/2015, VIPUA gửi công văn đến Thủ tướng để kiến nghị với Quốc hội ở kỳ họp tháng 5 sửa lại một số nội dung trong Luật GDNN bị nhầm lẫn có tác hại rất lớn cho giáo dục Việt Nam. Sau khi nhận được đơn kiến nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ LĐTB&XH và Bộ GD&ĐT giải trình. Chúng tôi thấy Văn bản số 3876 ngày 22/7 của Bộ LĐTB&XH giải trình, hoặc là né tránh những câu hỏi của Hiệp hội hoặc cố hiểu sai hoặc cung cấp những thông tin không chính xác để minh chứng cho những điều mà VIPUA có ý kiến về Luật GDNN. Cho nên về nguyên tắc, đầu tháng 9 này, chúng tôi có văn bản gửi lại Thủ tướng chứng minh những phản hồi của Bộ LĐTB&XH không đáp ứng được những băn khoăn, thắc mắc của Hiệp hội.
Trong văn bản lần này, VIPUA có kiến nghị gì với Thủ tướng, thưa ông?
- Trước hết, chúng tôi nhận thấy trả lời của Bộ LĐTB&XH né tránh câu hỏi của VIPUA về nội dung khoản 1 Điều 3 Luật GDNN. Không thể xem GDNN là một bậc học mà chỉ là một lĩnh vực đào tạo, nếu là một lĩnh vực đào tạo thì có thể có nhiều bậc học và trình độ khác nhau. Do đó, việc gì phải cố kéo trình độ CĐ vốn từ bậc ĐH (toàn thế giới công nhận) về cho riêng “bậc” GDNN. Thực tế thế giới không có bậc học GDNN. Khi đã là bậc học thì phải sắp xếp theo trình độ học vấn để người ta học hết bậc này thì có thể học lên bậc cao hơn. Ở đây, các trình độ sơ cấp và trung cấp của bậc học GDNN chỉ được xác định theo tiêu chí tay nghề, cho nên những người học hết tiểu học, THCS, THPT hay ĐH, thạc sỹ, tiến sỹ vẫn có thể theo học nếu có nhu cầu. Trong khi đó, trình độ CĐ lại quy định người học phải có trình độ tương đương với THPT, như thế buộc những người đã học sơ cấp, trung cấp nếu chưa tốt nghiệp THPT muốn học lên bậc cao hơn thì phải đi học thêm để có bằng THPT. Quy định này không đảm bảo tính liên thông của hệ thống, trái với tinh thần của Nghị quyết số 29. Hai bậc sơ cấp và trung cấp không tương ứng với trình độ nào theo các tiêu chuẩn phân loại quốc tế về giáo dục hiện tại của UNESCO.
Một ý nữa mà chúng tôi nêu ra đó là, theo Luật GDNN, những người học 2 năm hệ CĐ khi tốt nghiệp được mang danh kỹ sư thực hành. Thế giới không ai làm thế, nếu được mang danh hiệu kỹ sư thì phải học ĐH có thời gian 4 - 5 năm, còn CĐ 2 năm là bằng kỹ thuật viên, cán sự nghiệp vụ. Chúng tôi thấy Bộ LĐTB&XH có sự nhầm lẫn về nhận thức hay cố ý giải trình sai lên Thủ tướng để biện minh cho cái sai của mình.
Nội dung của Luật phải tương xứng với tên gọi
Vậy từ những nhận xét đó, VIPUA có đề xuất như thế nào đối với Luật GDNN?
- Chúng tôi công nhận có Luật GDNN, nhưng chúng tôi yêu cầu phải giải thích kỹ khái niệm Luật GDNN và nội dung của Luật phải tương xứng với tên gọi. Trong Luật GDNN mới nói đến giáo dục nghề, còn phần giáo dục chuyên nghiệp hoàn toàn chưa đề cập đến. Muốn có Luật GDNN thì phải bổ sung rất nhiều nội dung để tương xứng với tên gọi của nó. Còn đơn giản hơn, nếu muốn giữ nguyên phần nội dung cơ bản tại Luật GDNN, chúng tôi kiến nghị Quốc hội đổi tên Luật này thành Luật Giáo dục nghề. Cùng với đó là bỏ các điều 76 và 77 để trả cho Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH trở về sự nguyên vẹn vốn có của chúng.
Tôi chỉ muốn nói, tất cả những kiến nghị của Hiệp hội đều xuất phát từ thiện chí muốn đóng góp cho đất nước. Luật không ổn định, không chuẩn thì tác hại lớn hơn rất nhiều so với khi chưa có nó. Tiêu chuẩn để chúng tôi đánh giá Luật GDNN có phù hợp hay không là dựa vào tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam và tài liệu Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế của ISCED 2011 mà UNESCO ban hành có hiệu lực trên toàn thế giới từ năm 2014.
Nếu các đề nghị không được chấp nhận thì sao, thưa ông?
- Có 2 hậu quả xảy ra. Thứ nhất, hệ thống giáo dục của chúng ta không hội nhập được với quốc tế. Thứ hai, cơ cấu nhân lực méo mó tác động đến nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Nếu vẫn giữ nguyên Luật GDNN thì phải bổ sung những nội dung gì?
- Phải bổ sung toàn bộ những nội dung liên quan đến giáo dục chuyên nghiệp. Vì giáo dục chuyên nghiệp không chỉ có trình độ CĐ mà có cả Ths, TS.
Liệu có bị chồng chéo với Luật Giáo dục ĐH không, thưa ông?
- Giáo dục ĐH là Luật xây dựng theo một bậc học, còn Luật GDNN xây dựng theo một lĩnh vực đào tạo. Hai luật có thể đan chéo nhau nhưng không được mâu thuẫn nhau.
Xin cảm ơn ông!