Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giáo dục Thủ đô khẳng định vững chắc vị trí đứng đầu cả nước trong công tác GD&ĐT

Điệp Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/8, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2020- 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021- 2022 của ngành GD&ĐT Hà Nội theo hình trực tuyến với hơn 200 điểm cầu cùng gần 600 đại biểu. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Nâng cao chất lượng, phát triển toàn diện
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến cho biết: “Sự chuyển biến tích cực của ngành GD&ĐT Thủ đô trong năm qua diễn ra toàn diện trên các mặt, đều khắp ở các cấp học, các nhà trường, cả ở công lập và ngoài công lập; sự đổi mới, hiệu quả của các đơn vị quản lý giáo dục từ sở cho đến phòng GD&ĐT và nhà trường; khẳng định sự quyết tâm của toàn ngành trong nỗ lực triển khai thực hiện “Mục tiêu kép” của Thủ đô”.
Cụ thể, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh, mạng lưới trường lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em Nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới. Năm học 2020- 2021 trên địa bàn TP có gần 2.800 trường mầm non, phổ thông và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với hơn 63.000 lớp, hơn 2,1 triệu học sinh (tăng 44 trường xây mới, thành lập mới, tăng trên 2.800 lớp, nhóm lớp; gần 69.000 học sinh so với cùng kỳ năm học 2029- 2020); trong đó, công lập trên 2.200 trường với hơn 47.000 lớp, hơn 1,8 triệu học sinh.
 Tuy dịch bệnh phúc tạp nhưng năm học 2020- 2021, Giáo dục Thủ đô vẫn đạt được kết quả toàn diện
Về đội ngũ nhà giáo, trên địa bàn TP có 159.400 cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGV, NV); trong đó công lập là trên 114.000 CBGV, NV (tăng gần 9.000 CBGV, NV so với cùng kỳ năm học 2019- 2020). Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND TP thống nhất về phương thức tuyển dụng viên chức cho các cơ sở giáo dục trực thuộc, đảm bảo nghiêm túc, chất lượng; đã tuyển dụng được 397 giáo viên, nhân viên các cơ sở trực thuộc, cơ bản giải quyết được khoảng trống về số lượng giáo viên còn thiếu trong năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT); đã thực hiện tốt công tác bồi dưỡng giáo viên triển khai CT GDPT với lớp 1 năm học 2020- 2021 và 2, lớp 6 (năm học 2021- 2022)
Trên cơ sở thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản, năm học qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã đạt được kết quả nổi bật như: Quan tâm rà soát mạng lưới trường học trên địa bàn TP, đã và đang tiếp tục triển khai quyết liệt công tác cải tạo, sửa chữa nhà vệ sinh trong các trường học. Triển khai tích cực công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG) và trường chất lượng cao, coi đây là giải pháp nâng cao chất lượng cũng như phát triển toàn diện các trường học. Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đảm bảo chặt chẽ công tác thẩm định, lựa chọn, phê duyệt các bộ SGK GDPT lớp 2 và lớp 6, tạo tiền để thuận lợi cho việc triển khai CT GDPT mới.
Thêm vào đó, Hà Nội tiếp tục khẳng định chất lượng GDPT đại trà; GDPT mũi nhọn, giữ vững thành tích của học sinh Thủ đô trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, quốc tế, nâng cao về số lượng và chất lượng giải, khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước; tổ chức rất thành công 2 kỳ thi lớp 10 THPT 2020- 2021 và tốt nghiệp THPT 2021 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, được dư luận xã hội đồng thuận, đánh giá cao; tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc tuyển sinh trực tuyến đối với trường mầm non, lớp 1, lớp 6; tạo ra sự công khai minh bạch trong công tác tuyển sinh…
Với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, ngành GD&ĐT Hà Nội đã chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn cho hơn 2 triệu học sinh các cấp học và gần 150.000 CBGV, NV trên toàn TP; kịp thời triển khai việc dạy, học trên truyền hình, dạy học trực tuyến, học trên phần mềm Hanoi Study với gần 100% học sinh tham gia… Công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống được ngành GD&ĐT Hà Nội chú trọng và đẩy mạnh.
Chủ động, linh hoạt và thích ứng trong tình hình mới
Năm học 2021- 2022, ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục tăng cường kỷ cương, nền nếp trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong đó GDPT chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; giáo dục mầm non chú trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Giáo dục Hà Nội trong thời kỳ hội nhập bảo đảm phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nội lực, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thế giới; mở rộng hợp tác quốc tế…
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ghi nhận nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục Thủ đô trong năm học vừa qua 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ghi nhận nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục Thủ đô trong điều kiện rất khó khăn đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu phát triển trường lớp, có quy mô đa dạng, đáp ứng yêu cầu học tập của Nhân dân; đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế; đặc biệt tổ chức an toàn kỳ thi vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Năm học 2021- 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp yêu cầu ngành Giáo dục phải linh hoạt, chủ động và thích ứng; vì vậy, Thứ trưởng đề nghị ngành GD&ĐT Thủ đô cần quan tâm, xây dựng kịch bản năm học mới để đảm bảo an toàn phòng chống dịch; có phương thức dạy học trực tuyến chất lượng. Với CT GDPT mới (lớp 2, lớp 6), các trường cần nhìn kỹ lưỡng những điểm khác biệt với chương trình cũ để chủ động phương pháp dạy- học; nâng cao chất lượng thực chất của giáo dục; quan tâm đầu tư xây dựng đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục; đề xuất TP có chuyên đề riêng bồi dưỡng hướng, tập huấn giáo viên có cách dạy, cách học trực tuyến cũng như cách xây dựng, khai thác kho học liệu hiệu quả.
Chúc mừng những kết quả ngành GD&ĐT Hà Nội đạt được trong năm học qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng lưu ý một số nội dung đối với ngành Giáo dục Thủ đô trong năm học tới. Trước hết, cần chủ động có phương án kịch bản kỹ lưỡng, sát thực; tổ chức khai giảng online; tập huấn giáo viên, giữ vững ổn định học trực tuyến, tổ chức có hiệu quả, tăng cường khả năng thích ứng của giáo viên, học sinh trên tinh thần dù khó khăn đến đâu, Giáo dục Hà Nội vẫn duy trì dạy tốt, học tốt.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng tin tưởng Giáo dục Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, đạt kết quả thẳng lợi
Phó Chủ tịch đề nghị Sở GD&ĐT, các địa phương quan tâm, rà soát, đảm bảo đủ trường lớp; trường chuẩn quốc gia; xây mới, nâng cấp trường học để cố gắng 100% trường công lập đạt chuẩn. Tiếp tục quan tâm trường ngoài công lập về đầu tư, cơ chế và công tác quản lý; nâng cao hệ thống kiểm định tại các cấp học; chú trọng bồi dưỡng học sinh mũi nhọn; có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà; xin ý kiến tiếp tục triển khai chương trình song bằng, hợp tác quốc tế.
Nhấn mạnh về công tác chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng khẳng định với vị thế, điều kiện và tiềm năng của Thủ đô, Giáo dục Hà Nội cần chuyển đổi số nhanh hơn, tích cực hơn và theo tổng thể. Thêm nữa, ngành Giáo dục cũng cần quan tâm công tác đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống dịch bệnh, tăng cường dạy kỹ năng sống, trải nghiệm cho học sinh; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, nâng cao vai trò giám sát của các thanh tra nhân dân, công đoàn tại các cơ sở giáo dục.
Với kết quả đạt được cùng sự chuẩn bị chu đáo, Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng tin tưởng và hy vọng chắc chắn rằng năm học mới 2021- 2022, Giáo dục Thủ đô tiếp tục đạt được nhiều kết quả cao hơn, khẳng định vững chắc vị trí đứng đầu cả nước trong công tác GD&ĐT.
Kịch bản khai giảng năm học mới 2021- 2022 tại Hà Nội
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, để tạo tâm thế phấn khởi; đồng thời động viên, khích lệ và lan tỏa tinh thần chào đón năm học mới đến thầy cô, phụ huynh, học sinh trên toàn TP, Lễ khai giảng năm học 2021- 2022 tại Hà Nội sẽ được tổ chức trực tuyến và gồm 2 phần.
Phần I: Lễ khai giảng (chung) bắt đầu lúc 7 giờ 30 ngày 5/9/2021 (Chủ nhật); được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội; các Fanpge và nền tảng trực tuyến khác.
Phần II: Sau khi kết thúc phần I, các đơn vị trực thuộc, các trường học sẽ linh hoạt tổ chức hoạt động, trao đổi, sinh hoạt để chuẩn bị cho các hoạt động học tập của năm học mới.
Sở GD&ĐT đang tích cực xây dựng chương trình cụ thể, chi tiết để triển khai hướng dẫn các đơn vị, trường học thực hiện; đảm bảo một buổi lễ khai giảng lắng đọng và nhiều cảm xúc.