Tình yêu và trách nhiệm với rừngLần đầu tiên tham gia tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng, song thầy và trò trường THCS Trung Hưng, thị xã Sơn Tây rất nhiệt tình. Cô giáo Hoàng Thị Kim Liên – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Sơn Tây gắn với di tích lịch sử Đền Và tọa lạc trong rừng lim nguyên sinh hàng trăm năm tuổi. Vào dịp Tết Nguyên đán mỗi năm, nhà trường đều phát động phong trào "trồng cây gây rừng" tại đồi lim này. Đặc biệt, 100% HS nhà trường đã tham gia cuộc thi viết tìm hiểu về Luật Bảo vệ và phát triển rừng do Sở NN&PTNT Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp tổ chức. Tuy cùng một hình thức tự luận nhưng cách thức thể hiện của các bài viết khác nhau, các em HS thỏa sức sáng tạo theo cảm nhận của mình. Vì vậy, nội dung bài viết rất phong phú, có em nhập vai vào nhân vật là cây rừng hoặc muông thú sinh sống trong rừng nói lên những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Có em lại là người kể chuyện hoặc viết thư cho người thân, bạn bè. Nội dung câu chuyện có thể ngợi ca những tấm gương, những việc làm có ích cho rừng, cũng có thể phê phán những hành động của con người làm tổn hại đến rừng như chặt, đốt, phá rừng... "Hầu hết các bài viết đều đạt chất lượng cao. Điều đáng mừng là bài nào cũng có liên hệ thực tế tại địa phương, đóng góp những ý tưởng, sáng kiến mới để bảo vệ rừng cũng như bảo tồn di tích Đền Và" – cô Hoàng Thị Kim Liên cho biết thêm.
Em Bùi Quang Đô – HS lớp 9A1 - Trường THCS Trung Hưng chia sẻ: "Tham gia cuộc thi, chúng em có cơ hội được tìm hiểu và khám phá về rừng, quan sát thực tế để từ đó thêm yêu rừng và yêu đất nước mình. Rừng là tài sản vô giá. Bảo vệ rừng chính là bảo vệ môi trường sống, góp phần làm đẹp quê hương và Thủ đô thêm xanh". Tiếp tục nhân rộng Theo thống kê, Hà Nội có diện tích rừng và đất Lâm nghiệp là 27.756,56ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là 18.600ha, tập trung chủ yếu ở 7 huyện, thị xã: Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai và Thạch Thất. Rừng của Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan và góp phần phát triển du lịch sinh thái. Ông Lê Minh Tuyên – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, rừng của Thủ đô chủ yếu là rừng trồng thông, keo, bạch đàn, thực bì dưới tán rừng phát triển mạnh, tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao. Chính vì vậy, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cần phải được quan tâm đặc biệt. Qua 6 năm triển khai cuộc thi tìm hiểu Luật Bảo vệ và phát triển rừng trong các trường học tại các địa phương có rừng trên địa bàn TP đã có 57 trường tham gia với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú thu hút hơn 32.000 HS tham gia viết bài dự thi. Theo đánh giá của Ban Tổ chức, rất nhiều bài viết của các em HS thể hiện sự đau xót khi chứng kiến cảnh rừng bị tàn phá hay thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ rừng. Đặc biệt, đối tượng hướng đến của công tác tuyên truyền là HS có tác dụng lan tỏa từ nhà trường tới gia đình, cộng đồng nơi các em sinh sống để mọi người cùng có ý thức bảo vệ rừng. Ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thực tế qua nhiều năm triển khai tuyên truyền về Luật Bảo vệ và phát triển rừng trong các trường học cho thấy, đây là mô hình cần được nhân rộng và duy trì thường xuyên. Do đó, trong năm 2017, Sở NN&PTNT phối hợp với Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng trong các trường học tại các huyện, thị xã có rừng trên địa bàn TP.