Tham gia buổi giao lưu có:
- Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Hà Nội - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02.
- Ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng phòng quản lý ngân sách quận, huyện - Sở Tài chính Hà Nội.
- Ông Nguyễn Tuấn Khải, Phòng Kế hoạch Nông nghiệp, Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội.
- Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng Quy hoạch nông thôn, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội.
- Ông Chu Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội.
Phó Tổng biên tập báo Kinh tế& Đô thị Nguyễn Minh Đức tặng hoa cho các vị khách mời
Chị Nguyễn Tuyết Nhung - huyện Quốc Oai: Tại mỗi địa phương đều có chân ruộng tốt, xấu, cao, trũng. Vậy làm thế nào để dồn điền đổi thửa đảm bảo chia ruộng công bằng cho tất cả mọi người dân?
Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Hà Nội - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02:
- Trước hết phải nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới nói chung và dồn điền đổi thửa (DĐĐT) nói riêng là vì lợi ích của bà con nông dân. Trước đây, theo Nghị định 64 - CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ về ban hành quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, 95% diện tích đất nông nghiệp được chia cho nhân dân, đảm bảo tính công bằng, nhà nào cũng có chân ruộng cao, thấp, tốt, xấu.
Tuy nhiên cho tới nay lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất đó không còn phù hợp nữa. Đặc biệt là với Hà Nội là địa bàn có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp có sự biến động lớn, yêu cầu sản xuất hàng hóa ngày càng cấp thiết. Muốn có sản xuất hàng hóa phải tổ chức được cánh đồng mẫu lớn và như vậy tất yếu phải tiến hành dồn điền đổi thửa.
Để đảm bảo tính công bằng trong DĐĐT, trong quá trình thực hiện phải tuân thủ theo nguyên tắc tôn trọng quy chế dân chủ ở cơ sở. Theo Hướng dẫn 29/HD-SNN của Sở NN&PTNT Hà Nội về quy trình thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, địa phương phải xây dựng phương án dồn điền đổi thửa trong đó có quy hoạch bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông, kênh mương thủy lợi nội đồng. Đảm bảo sau khi dồn điền đổi thửa tất cả các thửa ruộng đều gần đường giao thông, thủy lợi. Việc người dân gắp phiếu nhận ruộng chỉ là xác định vị trí thửa ruộng còn mọi điều kiện sản xuất trên đồng ruộng đều như nhau. Do đó, địa phương phải làm tốt quy hoạch này thì mới đảm bảo tính công bằng cho người dân và để người dân yên tâm tham gia dồn điền đổi thửa.
Hiện nay một số địa phương trên địa bàn thành phố như Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, Sóc Sơn... có các chân ruộng bậc thang. Tuy nhiên do làm tốt quy hoạch nên vẫn tiến hành dồn điền đổi thửa thành công. Đơn cử xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn có 25 thung lũng. Sau khi dồn điền đổi thửa, người dân chỉ còn ruộng tập trung về 1 thung lũng, rất thuận tiện cho sản xuất. Sau đó, các hộ tự bỏ tiền san ủi hạ dần ruộng, chỉ sau một vài vụ là ruộng có thể bằng phẳng.
Ông Nguyễn Văn Tuyền - huyện Đông Anh: DĐĐT để thực hiện cánh đồng lớn, vậy nếu muốn chuyển đổi diện tích cấy lúa sang mục đích trang trại, VAC thì thủ tục có đơn giản hơn không? Thời hạn giao đất như thế nào?
Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Hà Nội - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02:
Về vấn đề này thành phố đã có Quyết định số 17/QĐ-UBND ngày 9/7/2012 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030. Trong Quy hoạch này đã phân rõ bố trí các vùng sản xuất, vùng nào trồng lúa, rau màu, cây ăn quả, VAC, chăn nuôi, thủy sản... Các địa phương cần căn cứ vào đó để làm phương án DĐĐT cho phù hợp.
Nếu ruộng đất của gia đình bạn thuộc vùng có quy hoạch trang trại VAC theo Quyết định 17 thì có quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm trang trại. Thủ tục sẽ theo các hướng dẫn hiện hành, không có gì khó khăn.
Áp dụng công nghệ mạ khay, máy cấy tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn
Bà Nguyễn Mai, huyện Đan Phượng: Ruộng cũ nhà tôi đang ở gần mương và đường giao thông, rất thuận tiện cho sản xuất. Nếu DĐĐT, liệu có đảm bảo điều kiện sản xuất thuận lợi cho gia đình tôi không?
Ông Nguyễn Tuấn Khải, Phòng Kế hoạch Nông nghiệp, Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội:
- Theo Hướng dẫn số 29/HD-SNN của Sở NN&PTNT Hà Nội về quy trình thực hiện công tác DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, địa phương phải xây dựng phương án DĐĐT trong đó có quy hoạch bờ vùng, bờ thửa, đường giao thông, kênh mương thủy lợi nội đồng. Đảm bảo sau khi DĐĐT tất cả các thửa ruộng đều gần đường giao thông, thủy lợi. Do đó sau khi DĐĐT, các thửa ruộng chỉ khác nhau về vị trí, khoảng cách từ thôn, xã ra ruộng còn tất cả điều kiện sản xuất trên đồng ruộng đều như nhau.
Bạn đọc Thanh Xuân: Vấn đề DĐĐT là cần thiết để nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng nông thôn mới nhưng vì sao có nơi làm được, có nơi rất chậm trễ?
Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Hà Nội - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02:
- Những nơi chậm trễ trong công tác DĐĐT là do các nguyên nhân sau:
Thứ nhất do địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về lợi ích của DĐĐT dẫn tới người dân chưa hiểu nên tiến độ công việc kéo dài.
Thứ hai, do năng lực của đội ngũ cán bộ địa phương làm công tác DĐĐT còn hạn chế, không chủ động nghiên cứu chính sách, hướng dẫn của thành phố về DĐĐT nên chưa nắm được quy trình. DĐĐT là một công việc cực kỳ khó, bao gồm khối lượng công việc khổng lồ từ xây dựng phương án, tổ chức họp dân, xây dựng bờ bao, mương máng, chia ô, gắp phiếu... DĐĐT liên quan đến lợi ích sát sườn của người nông dân và cả cán bộ. Có nơi cán bộ có ruộng đất rộng (do đo thừa trước đây), lại nằm ở vị trí "bờ xôi ruộng mật" nên không muốn DĐĐT, thậm chí xúi bẩy người dân không làm. Còn lại người dân thì rất tốt, nếu phân tích rõ ràng lợi ích của DĐĐT cho họ thì không ai phản đối cả.
Tuy nhiên, quan điểm của thành phố là dứt khoát phải tiến hành DĐĐT xong trong năm nay.
Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Hà Nội - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02 trả lời trực tuyến. Ảnh: Thanh Hải
Hữu Mẫn, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai: Tôi có nghe nói, thành phố Hà Nội có chính sách hỗ trợ công tác DĐĐT. Vậy cụ thể chính sách này như thế nào? Người nông dân được hỗ trợ gì?
- Ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng phòng ngân sách quận, huyện - Sở Tài chính Hà Nội:
- Thành phố đã có Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016. Theo Điều 4 của Quyết định 16, thành phố sẽ:
Hỗ trợ toàn bộ chi phí đo đạc, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo định mức quy định của Nhà nước. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện.
Hỗ trợ Ban Chỉ đạo cấp xã, thôn kinh phí hoạt động, tổ chức hội họp, tuyên truyền. Mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/ha. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện.
Hỗ trợ 70% kinh phí đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng khi dồn điền đổi thửa, trong đó ngân sách cấp thành phố hỗ trợ 50% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 20%.
Hỗ trợ toàn bộ bằng tiền để mua vật tư (khối lượng vật tư được tính theo định mức kỹ thuật quy định của Nhà nước) khi thực hiện kiên cố hóa đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Trong đó ngân sách cấp thành phố hỗ trợ 80% cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 20%.
Điều kiện được áp dụng hỗ trợ là UBND cấp xã, HTX nông nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thực hiện DĐĐT trong vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, tập trung phù hợp với quy hoạch nông nghiệp đến năm 2020, đạt yêu cầu sau khi dồn chỉ con 1 - 2 thửa/hộ. Phương án DĐĐT được thông qua Hội đồng nhân dân cấp xã và được UBND cấp huyện phê duyệt.
Nguyễn Tiến Đạt, Cổ Nhuế, Từ Liêm: Thời gian vừa qua, trên báo chí có thông tin một số địa phương ở ngoại thành Hà Nội xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn giữa nhân dân với chính quyền địa phương khi tiến hành dồn điền đổi thửa. Những mâu thuẫn này xuất phát từ đâu?
- Ông Chu Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội:
Nguyên nhân thứ nhất do chính quyền địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu được lợi ích của việc DĐĐT. Nguyên nhân thứ hai là do chưa làm tốt công tác quy hoạch đồng ruộng trước khi DĐĐT. Việc này dẫn đến có những vị trí không thuận tiện tưới tiêu, giao thông trong quá trình canh tác dẫn đến người dân ngại tiến hành DĐĐT khi chẳng may gắp phiếu phải những vị trí này. Nguyên nhân thứ ba là việc xây dựng phương án DĐĐT không được triển khai dân chủ, người dân không được trực tiếp bàn bạc.
Vũ Thị Hòa, huyện Sóc Sơn: Nếu việc giao ruộng cho dân bị chậm trễ, không kịp sản xuất đúng thời vụ, nông dân chúng tôi có được hỗ trợ thiệt hại không?
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng phòng ngân sách quận, huyện - Sở Tài chính Hà Nội:
- Theo chỉ đạo của thành phố, việc DĐĐT thường rơi vào thời điểm vụ Đông là thích hợp nhất. Do đó công tác chuẩn bị chủ yếu là xây dựng phương án, kế hoạch thực hiện DĐĐT, tổ chức thảo luận lấy ý kiến nhân dân... phải được tiến hành phù hợp với thời gian mùa vụ sản xuất sẽ hạn chế việc giao ruộng sau DĐĐT chậm trễ so với mùa vụ như bạn hỏi. Thực tế trên địa bàn thành phố nhiều địa phương đã tiến hành xây dựng kế hoạch phương án DĐĐT đảm bảo đúng chỉ đạo của thành phố, cá biệt một số nơi còn lúng túng trong việc xây dựng phương án và triển khai thực hiện kế hoạch DĐĐT làm ảnh hưởng đến việc giao ruộng kịp thời vụ sản xuất cho bà con nhân dân nên bạn đọc có nêu vấn đề bồi thường thiệt hại.
Hiện Nhà nước và thành phố cũng chưa có chính sách nào để hỗ trợ cho việc này. Quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thành phố là các địa phương phải thực hiện nghiêm túc đúng quy trình triển khai thực hiện DĐĐT, không gây ảnh hưởng đến việc sản xuất của người dân.
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng phòng quản lý ngân sách quận, huyện - Sở Tài chính Hà Nội trả lời trực tuyến bạn đọc. Ảnh: Thanh Hải
Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Hà Nội - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02:
Như chúng ta trao đổi với nhau, toát lên câu chuyện là kế hoạch có rồi, hướng dẫn chi tiết có rồi, tập huấn có rồi, chính sách đi kèm cũng có, tiền cấp hỗ trợ cũng có rồi và cùng một bầu trời, một con người Hà Nội. Hiện nay 6-7 huyện làm rất tốt nhưng cũng có xã không làm được thì đặt ra câu hỏi là chính sách gì ở đây? Bộ máy địa phương đó như thế nào? Và vừa rồi chúng tôi đi giao ban ở một số huyện, một số đồng chí chủ tịch xã nhận lỗi. Vì thế chưa có chính sách nào cho địa phương làm lỡ, chậm trễ việc dồn điền đổi thửa. Vừa rồi, rất may, chúng ta đã DĐĐT đạt hơn 35.000ha, đạt 181% kế hoạch trong năm 2 năm 2012 - 2013, do có giải pháp tốt, chỉ đạo quyết liệt, tuyên truyền tốt... Đây là một thắng lợi rất lớn.
Văn Đăng, huyện Thường Tín: Trước khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, gia đình tôi đã tự đổi ruộng với anh em, hàng xóm để thành ruộng lớn và đầu tư nhà lưới, giếng khoan trồng rau. Vậy khi dồn điền đổi thửa, chúng tôi có được hỗ trợ phần kinh phí đã đầu tư hay không?
Ông Nguyễn Tuấn Khải, Phòng Kế hoạch Nông nghiệp, Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội:
- Về vấn đề này, trong chính sách không có quy định. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện DĐĐT, địa phương cần lên phương án rõ ràng, đưa ra lấy ý kiến của nhân dân về mức hỗ trợ bù đắp cho phần đầu tư của các hộ này. Ví dụ để các hộ trên tiếp tục được nhận khu ruộng đó, hoặc nếu hộ dân nào muốn nhận ruộng ở khu này thì phải có đóng góp một phần nào đó bù lại cho số tiền đầu tư hạ tầng trước đây. Tuy nhiên phải khẳng định lại, tất cả việc tính toán các trên phải được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trước khi tiến hành DĐĐT.
Chu Thị Mùi, huyện Thanh Oai: Gia đình tôi là chính sách, chồng tôi là liệt sỹ. Khi dồn điền đổi thửa gia đình tôi có được ưu tiên không?
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng phòng ngân sách quận, huyện - Sở Tài chính Hà Nội:
- Hiện nay trong cơ chế khuyến khích thực hiện DĐĐT chưa có nội dung quy định cụ thể về việc thực hiện chính sách ưu đãi cho các đối tượng chính sách xã hội trong đó có đối tượng gia đình liệt sỹ như bạn hỏi. Tuy nhiên, các thôn, làng, đội sản xuất cần quan tâm đối với các đối tượng chính sách xã hội theo chủ trương của Thành ủy, UBND TP trong việc thực hiện khuyến khích DĐĐT thông qua việc bàn bạc dân chủ, công khai tới người dân trong thôn, làng, đội sản xuất để đề ra nguyên tắc ưu tiên đối với các gia đình chính sách xã hội. Ví dụ ưu tiên cho gia đình chính sách được bốc thăm nhận ruộng trước khi tổ chức cho các gia đình còn lại; hoặc dành riêng một khu đất gần làng nhất cho các hộ gia đình chính sách. Đấy là tình người, tấm lòng của bà con làng xóm đối với các gia đình chính sách xã hội theo quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng.
Mong rằng các địa phương khi thực hiện DĐĐT quan tâm hơn đến các đối tượng gia đình chính sách xã hội. Nếu nhân dân đồng ý, thông qua chủ trương này thì đưa vào phương án, kế hoạch thực hiện DĐĐT.
Nguyễn Tuấn Vinh, huyện Thanh Trì: Cơ chế, chính sách dồn điền đổi thửa ở các vùng bãi, vùng trong hành lang thoát lũ có khác so với ruộng ở trong vùng đồng không? Nếu khác thì triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng Quy hoạch nông thôn, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội:
- Trên các vùng đất bãi, đất nông nghiệp thuộc hàng lang thoát lũ, việc DĐĐT vẫn tiến hành bình thường nhưng việc đầu tư cơ sở hạ tầng phải được Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét tính ổn định, báo cáo UBND TP để có quyết định cụ thể cho từng vùng.
Đất bãi là vùng có kết cấu không ổn định. Do đó hiện nay khi cứng hóa đường giao thông nội đồng trong quá trình triển khai DĐĐT, một số địa phương vùng bãi chỉ tiến hành kè hai bên đường, đợi sau này đất lún ổn định mới cứng hóa bề mặt.
Còn về mặt chính sách hỗ trợ DĐĐT thì vẫn theo chính sách chung của thành phố quy định trong Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016.
Thắng Văn: Tôi được biết, thành phố có phân kế hoạch dồn điền đổi thửa cho từng huyện, thị xã. Trong năm qua, việc thực hiện kế hoạch này của các địa phương như thế nào? Có địa phương nào không đạt kế hoạch không? Và cơ chế thưởng phạt như thế nào?
Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Hà Nội - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02:
- Trên các vùng đất bãi, đất nông nghiệp thuộc hàng lang thoát lũ, việc DĐĐT vẫn tiến hành bình thường nhưng việc đầu tư cơ sở hạ tầng phải được Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét tính ổn định, báo cáo UBND TP để có quyết định cụ thể cho từng vùng.
Đất bãi là vùng có kết cấu không ổn định. Do đó hiện nay khi cứng hóa đường giao thông nội đồng trong quá trình triển khai DĐĐT, một số địa phương vùng bãi chỉ tiến hành kè hai bên đường, đợi sau này đất lún ổn định mới cứng hóa bề mặt.
Còn về mặt chính sách hỗ trợ DĐĐT thì vẫn theo chính sách chung của thành phố quy định trong Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016.
Nguyễn Văn Thông – huyện Ba Vì: Nông dân chúng tôi được lợi gì từ dồn điền đổi thửa?
Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Hà Nội - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02:
- Việc DĐĐT sẽ giúp cho bà con nông dân giảm được chi phí phân bón, giống, công sức nhưng lại góp phần tăng năng suất, giải phóng sức lao động để người dân có điều kiện làm thêm ngành nghề khác, nâng cao thu nhập.
Đặc biệt, việc DĐĐT đóng góp rất lớn vào chương trình xây dựng nông thôn mới, tác động đến tất cả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, trước hết, với tiêu chí quy hoạch (tiêu chí số 1), nếu DĐĐT thành công từ nhiều ô thửa của mỗi hộ, ở nhiều vị trí phân tán sẽ giúp cho địa phương tiến hành công tác quy hoạch xã nông thôn mới rất thuận tiện như quy hoạch đồng ruộng, điểm dân cư, quy hoạch thủy lợi (tiêu chí 3), giao thông nội đồng (tiêu chí 2)...
Do có ô thửa lớn, giao thông, thủy lợi nội đồng đảm bảo sẽ giúp cho công tác cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giải phóng sức lao động, từ đó hỗ trợ nâng cao thu nhập của người nông dân (tiêu chí 10) và góp phần hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp (tiêu chí 12). Kết quả DĐĐT hỗ trợ công tác xây dựng nông thôn mới thời gian qua ở một số địa phương trên địa bàn TP Hà Nội khá thuận lợi, điển hình như các xã Đại Thắng (Phú Xuyên), Tân Hưng, Minh Trí (Sóc Sơn), Hợp Thanh (Mỹ Đức)...
Việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và hình thành tổ dịch vụ cơ giới phục vụ sản xuất trong HTX nông nghiệp, cùng với việc quy hoạch lại đồng ruộng sẽ giúp cho công tác tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông thôn diễn ra thuận lợi, hình thành các HTX chuyên canh, hỗ trợ cho hoạt động của HTX nông nghiệp (tiêu chí 13). Mặt khác, nếu trước đây, một doanh nghiệp muốn đầu tư vào một địa phương phải bàn bạc với nhiều hộ, thì nay chỉ cần thỏa thuận với một hoặc vài hộ là có diện tích đủ để thực hiện một dự án sản xuất. Như vậy, DĐĐT còn tạo điều kiện để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Trước đây, khi triển khai đo ruộng chia cho các hộ, chủ yếu là dùng phương pháp thủ công, nên sai số lớn. Một số nơi có hiện tượng đo đất không công bằng. Còn hiện nay, nhờ thực hiện DĐĐT, chia lại bằng thước dây và bằng máy nên đã đảm bảo sự chính xác, công bằng, được nhân dân đồng tình, từ đó hỗ trợ cho tiêu chí an ninh trật tự xã hội nông thôn (tiêu chí 19).
Đỗ Thị Hương, huyện Đông Anh: Ở xã tôi khi dồn điền đổi thửa, có khu, xã làm thừa ra 5 – 10 phiếu bốc thăm để giao ruộng so với số suất thực tế. Xin hỏi làm như vậy có đúng quy trình hay không?
Ông Chu Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội:
- Việc làm như vậy là sai quy trình hướng dẫn của thành phố và có yếu tố mưu cầu lợi ích cá nhân. Việc tiến hành DĐĐT phải tuân thủ đúng quy trình theo Hướng dẫn số 29/HD-SNN của Sở NN&PTNT Hà Nội về quy trình thực hiện công tác DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ông Chu Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội trả lời trực tuyến bạn đọc. Ảnh Hải Oanh
Vũ Thu Dung, Hà Đông: Khi dồn điền đổi thửa xong, gia đình tôi có được toàn quyền sử dụng ruộng mới nhận vào mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng hay không?
Ông Chu Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội:
- Khi thực hiện DĐĐT, gia đình chị sẽ được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới. Trên cơ sở đó chị có toàn quyền quyết định sử dụng ruộng đất của gia đình. Tuy nhiên muốn chuyển đổi mục đích sử dụng, cụ thể là chuyển đổi cơ cấu cây trồng như của gia đình chị thì phải theo quy hoạch trong Quyết định 17/QĐ-UBND ngày 9/7/2012 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030.
Đoàn Hải Long, thị xã Sơn Tây
Tôi nghe nói nhiều nơi tiến hành dồn điền đổi thửa có hệ số K để chia ruộng. Xin hỏi hệ số K là gì, và việc áp dụng hệ số này như thế nào?
Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Hà Nội - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02:
- Hệ số K thực chất là hệ số quy đổi ruộng để đảm bảo công bằng cho nhân dân. Ví dụ có nơi quy định nơi ruộng xa hệ số K là 1,2, nơi trung bình là 1, nơi gần là 0,8. Tuy nhiên việc có sử dụng hệ số K hay không trong quá trình DĐĐT cũng phải do nhân dân biểu quyết, thông qua. Trên cơ sở đó địa phương đưa vào phương án DĐĐT.
Lê Thăng, huyện Phúc Thọ: Sau khi dồn điền đổi thửa sẽ có một phần lớn đất dôi dư ra so với sổ sách. Xin hỏi số đất này được sử dụng để làm gì? Việc sử dụng đất đó người dân có được tham gia đóng góp ý kiến hay không?
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng Quy hoạch nông thôn, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội.
- Đây cũng là một trong những mục đích của việc DĐĐT. Trước đây, khi triển khai đo ruộng chia cho các hộ, chủ yếu là dùng phương pháp thủ công nên sai số lớn. Một số nơi có hiện tượng đo đất không công bằng. Chẳng hạn có hộ trong sổ ghi theo Nghị định 64-CP là 3 sào nhưng đo thực tế lại là 3,5 sào. Còn hiện nay, nhờ thực hiện DĐĐT, chia lại bằng thước dây và vằn máy, nên đã đảm bảo sự chính xác.
Những diện tích đất dôi dư trong các hộ và diện tích có được do bỏ bờ vùng, bờ thửa đã giúp cho các địa phương có thêm quỹ đất công thực hiện quy hoạch bờ vùng, bờ thửa, cũng như các công trình phúc lợi, mà không phải giải phóng mặt bằng. Đơn cử như xã Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai) sau DĐĐT dôi dưa ra 8,3ha; xã Liên Mạc (huyện Mê Linh) sử dụng đất dôi dư xây dựng khu thể thao của xã phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch của pháp luật vì khi đó đã thay đổi chức năng sử dụng đất từ đất được quy hoạch sản xuất sang đất đầu tư xây dư ; một số xã như Song Phượng (Đan Phượng), Tây Tựu (Từ Liêm) dùng quỹ đất đổi đất của nhân dân để mở rộng đường giao thông, nội đồng là phù hợp vì trong quy hoạch sản xuất có phần đất được quy hoạch là đường giao thông phục vụ sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng Quy hoạch nông thôn, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội trả lời trực tuyến. Ảnh Hoàng Hải
Nguyễn Thị Thủy, xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm: Địa phương chúng tôi đang nằm sát nội đô, nhiều diện tích ruộng đất xen kẹt giữa khu dân cư. Xin hỏi những diện tích xen kẹt này có phải dồn điền đổi thửa không? Và nếu không dồn thì có cơ chế nào giúp chúng tôi sản xuất được thuận lợi?
Ông Chu Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội:
- Quỹ đất để DĐĐT là toàn bộ đất nông nghiệp của địa phương đó. Vì vậy diện tích đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư phải được đưa vào phương án DĐĐT. Thực tế cho thấy các diện tích đất xen kẹt thường không thuận tiện cho việc tưới tiêu trong quá trình canh tác của các hộ gia đình cá nhân sử dụng diện tích này. Kinh nghiệm một số địa phương ngay trong giai đoạn quy hoạch đã bố trí quy hoạch các trong trình phúc lợi của địa phương vào diện tích đất xen kẹt và trong phương án dồn điền đổi thửa đưa diện tích đất này vào quỹ đất công ích 5% của địa phương.
Trần Thị Mai, huyện Ứng Hòa: Tôi có 5 sào ruộng nhưng bố chồng tôi mới mất. Xin hỏi khi dồn điền đổi thửa phần ruộng của bố chồng tôi có bị cắt đi hay không?
- Ông Nguyễn Tuấn Khải, Phòng Kế hoạch Nông nghiệp, Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội:
Ảnh: Thanh Hải
- Theo Hướng dẫn số 29/HD-SNN của Sở NN&PTNT Hà Nội về quy trình thực hiện công tác DĐĐT đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, phải tuân thủ nguyên tắc (sinh không tăng, tử không giảm) đảm bảo theo đúng qui định tại nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ đồng thời phải giao đủ số diện tích các hộ được chia theo Nghị định 64/CP đang quản lý, sử dụng theo quy định tại phương án chuyển đổi đã được phê duyệt trước đây.
Phạm Văn Tý, huyện Quốc Oai: Cách đây hơn 10 năm vợ chồng tôi khai hoang được 3 sào ruộng trồng màu nhưng không có trong sổ sách. Khi dồn điền đổi thửa chúng tôi có bị mất số ruộng này không?
Ông Chu Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội:
- Chính sách của Nhà nước là khuyến khích việc khai hoang, phục hóa. Vì vậy gia đình ông có quyền sử dụng đối với diện tích đất khai hoang theo đúng quy định. Theo quy định tại Hướng dẫn số 29/HD-SNN ngày 14/5/2012 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy hạn mức để giao xác định giao cho các hộ gia đình, cá nhân khi dồn điền đổi thửa là căn cứ theo hạn mức hộ gia đình, cá nhân đó được tính theo thời điểm giao ruộng của Nghị định 64/NDD-CP của Chính phủ. Vì vậy đối với diện tích đất khai hoang này có thể vận dụng linh hoạt quy chế dân chủ ở cơ sở, nếu nhân dân địa phương đồng tình nhất trí hỗ trợ công tác khai hoang cho gia đình ông khi dồn điển đổi thửa.
Lê Văn Quang, huyện Chương Mỹ: Ở địa phương tôi sau khi dồn điền đổi thửa, các thửa ruộng rất to, nhu cầu sử dụng máy cày, máy gặt đập nhiều. Tôi muốn mua các loại máy này về làm dịch vụ phục vụ bà con địa phương. Xin hỏi có chính sách nào hỗ trợ cho chúng tôi việc này không?
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng phòng ngân sách quận, huyện - Sở Tài chính Hà Nội:
- Việc mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp là cần thiết, là tư duy mới của người dân nông thôn nên thành phố có cơ chế khuyến khích tại Điều 8 của Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016.
Ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng phòng quản lý ngân sách quận, huyện - Sở Tài chính Hà Nội trả lời câu hỏi của độc giả.
Theo đó, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi mua các loại máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp thuộc các chủng loại sau:
a) Máy làm đất; máy gieo cấy; máy gặt đập liên hợp; máy sấy hạt; máy phun thuốc có động cơ; hệ thống tưới nước; máy phát điện; máy vắt sữa; máy thái cỏ; hệ thống làm mát chuồng trại; hệ thống cho ăn, uống tự động; thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường; máy quạt nước trong nuôi thủy sản.
b) Các loại máy móc do các tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu; có nhãn hàng hóa theo quy định tại nghị định số 89/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Sẽ được ngân sách cấp thành phố hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất 100% giá trị sản phẩm.
Việc làm thủ tục hồ sơ để được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 16 đề nghị bà con gặp trực tiếp Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của huyện, xã để được hướng dẫn cụ thể.
Phùng Minh Đăng, huyện Ba Vì: Sau khi dồn điền đổi thửa tôi có được cho doanh nghiệp thuê ruộng để sản xuất hoặc liên kết với doanh nghiệp để sản xuất trên đất ruộng đó không?
Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Hà Nội - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02:
- Sau khi DĐĐT, ông có thể toàn quyền quyết định liên doanh liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, tuy nhiên phải theo đúng quy định của Luật Đất đai.
Cấy lúa xuân tại xã Hạ Mỗ huyện Đan Phượng.
Nguyễn Thị Liên, huyện Thường Tín: Ở xã tôi khi lấy ý kiến dồn điền đổi thửa còn khoảng hơn 10 hộ không đồng ý nhưng xã vẫn tiến hành dồn. Thậm chí những hộ phản đối còn bị nhận chân ruộng xấu nhất. Xin hỏi làm như vậy có đúng không?
Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Hà Nội - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Chương trình 02:
- Trong quá trình DĐĐT phải thực hiện nguyên tắc dân chủ ở cơ sở. Nếu lấy ý kiến của đa số người dân đồng ý, thống nhất DĐĐT thì địa phương có thể thực hiện, không thể vì một vài hộ dân mà ảnh hưởng đến cả thôn, xã.
Ví dụ tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn trong khi hầu hết các hộ dân đồng ý DĐĐT thì còn 13 hộ phản đối. Tuy nhiên qua lấy ý kiến biểu quyết trong nhân dân đã đề ra nghị quyết nếu các hộ này không đồng ý thì sẽ được phân vào khu đất xấu. Thế là các hộ trên đồng ý tham gia DĐĐT ngay.