Thực hiện Kế hoạch số 127/KH –BTC ngày 05/7/2016 của Ban Tổ chức Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2016, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Ban Thi đua Khen thưởng Thành phố tổ chức Giao lưu –Tọa đàm trực tuyến“Gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt năm 2016” tại trụ sở báo Kinh tế & Đô thị – 21 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội, trên Báo Kinh tế & Đô thị điện tử
http://kinhtedothi.vn.
|
Các khách mời tham gia giao lưu |
Tham dự buổi giao lưu có ông Nguyễn Công Bằng - Phó trưởng ban thường trực Ban thi đua khen thưởng TP Hà Nội, đại diện lãnh đạo báo Kinh tế & Đô thị.
|
Phó Trưởng ban Thường trực Ban thi đua khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng phát biểu tại buổi giao lưu. |
Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Công Bằng cho biết: "Năm nay là năm thứ 24 phong trào thi đua người tốt, việc tốt được TP Hà Nội phát động triển khai, và đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, ban thi đua khen thưởng phối hợp báo Kinh tế & Đô thị tổ chức cuộc thi viết và phát hiện gương điển hình tiên tiến. Hôm nay, Báo Kinh tế & Đô thị có tổ chức giao lưu trực tuyến cùng độc giả với 5 gương điển hình, đại diện cho rất nhiều gương người tốt, việc tốt của TP. Đây là những nhân tố sống động nhất, là những đòn bẩy động lực để phong trào thi đua người tốt, việc tốt của TP ngày càng hiệu quả hơn.
Buổi giao lưu góp phần lan tỏa hơn đối với đời sống xã hội để người tốt, việc tốt nhân lên, đây sẽ gương sáng trong phong trào thi đua của TP nói chung và mong rằng Báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong những năm vừa qua, đồng hành cùng phong trào thi đua của TP Hà Nội để các gương điển hình ngày càng được phát hiện nhiều hơn, thông tin về những tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt xuất hiện trên báo chí sẽ ngày càng nhiều hơn, lan tỏa hơn đối với xã hội, để đóng góp tốt hơn để thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.
Xin chân thành cảm ơn ban biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cũng như các cơ quan báo chí đã liên tục đồng hành cùng phong trào thi đua khen thưởng của TP Hà Nội nói chung và các gương điển hình tiên tiến của TP nói riêng, chúng tôi rất mong được cộng tác với các cơ quan báo chí và các gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua người tốt, việc tốt để nhân lên, lan tỏa mạnh mẽ những việc tốt trong xã hội, phát hiện thêm nhiều gương điển hình tiên tiến khác trong khu dân cư và xã hội."
Hiện tại khách mời đã tới đầy đủ để tham gia buổi giao lưu, tọa đàm trực tuyến “Gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt năm 2016”.
KHÁCH MỜI THAM DỰ
-
(74 tuổi ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội)
Cô giáo Nguyễn Thị Côi
-
(SN 1990, giảng viên Khoa Tiếng Anh, ĐH Hà Nội)
Thầy giáo Nguyễn Tự Sánh
-
(sinh viên năm thứ 4, Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Sinh viên Đàm Thanh Tùng
-
(lớp Kỹ thuật Vật liệu K57) - trưởng nhóm 6 sinh viên thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu (ĐH Bách khoa Hà Nội)
Sinh viên Nguyễn Thị Diệu Huyền
-
(SN 1981), Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa (Hà Nội)
Chị Đỗ Thúy Hà
Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Nguyễn Ngọc Thu (PV Truyền hình Quốc hội Việt Nam) hỏi:
Để học Tiếng Anh, với người bình thường đã khó, với người khuyết tật còn khó hơn. Vậy chị Đỗ Thúy Hà có thể chia sẻ bí quyết của chị, làm thế nào mà chị có thể học Tiếng Anh giỏi đến thế?
Chị Đỗ Thúy Hà trả lời:
Đúng như các bạn đã nói, để học Tiếng Anh, với người bình thường đã khó, với người khuyết tật còn khó hơn. Thời điểm, tôi học không có sách giáo khoa, có khi 3-4 bạn chung nhau một quyển sách Tiếng Anh. Bản thân gặp rất nhiều khó khăn trong việc học. Tôi đã nhờ người nhà (bố mẹ và em trai), sau đó là một số sinh viên hỗ trợ tôi đọc Tiếng Anh. Hay có khi gặp bất cứ ai, tôi đều có thể nhờ họ đọc Tiếng Anh. Thời điểm tôi học, CNTT chưa phát triển nên việc học khá vất vả. Sau khi phần đọc hoàn thành, tôi đã nhờ người nhà gõ bản mềm để đọc được trên máy tính. Máy tính có phần mềm hỗ trợ cho người khuyết tật. Phải kiên trì và quyết tâm thì tôi mới có thể làm được như vậy. Ngoài ra, tôi còn hay nghe trên đài phát thanh, mua những băng catset về để nghe Tiếng Anh.
Bạn đọc Nguyễn Văn Hoàn (Đống Đa) hỏi:
Với cương vị là Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa (Hà Nội), chị mong muốn gì để cộng đồng hiểu hơn về những người khiếm thị cũng như những người khuyết tật?Để truyền lửa cho những kém may mắn, chị có thể nói gì để họ có đủ nghị lực vượt qua và làm được những điều kỳ diệu như chị?
Chị Đỗ Thúy Hà trả lời:
Trong buổi giao lưu ngày hôm nay, tôi nhận thấy, dù ở ngành nghề nào, thì chúng ta cùng chung lý tưởng sống. Sống làm sao để có ích cho xã hội. Chính vì vậy, khi đi du học ở Nhật Bản, tôi đã được Tổ chức Châu Á TBD hỗ trợ tôi cũng như các bạn khuyết tật học bổng toàn phần, đào tạo kỹ năng lãnh đạo. Sau khi du học về nước, tôi đã liên kết với những tổ chức trong và ngoài nước, liên hệ với họ, kêu gọi để hỗ trợ cho những đứa trẻ đồng cảnh ngộ có cơ hội được đến trường. Bởi tôi nghĩ rằng, không có học tập thì sẽ không làm được gì cả.
Nên khi về HN, tôi cùng một số bạn đi du học về đã dạy trên SKY hỗ trợ các bạn trẻ..
Với cương vị là Chủ tịch Hội người mù quận Đống Đa (Hà Nội), tôi đã nhờ các tổ chức xã hội đã đồng hành với tôi, chung tay cùng Hội người mù hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh. Hiện có 2 lớp học Tiếng Anh. Ngoài ra, có mở những lớp dạy chữ nổi cho những bạn khiếm thị hay mở lớp xoa bóp bấm huyết, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Thực sự tôi rất xúc động và cảm ơn cộng đồng đã chung tay góp sức cùng tôi để tôi cũng như các bạn có cùng cảnh ngộ có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Nếu muốn gửi thông điệp, tôi muốn nói rằng , “nếu chúng ta có niềm tin, có nghị lực, có quyết tâm, thì mọi sự khó khăn đều có thể vượt qua tất cả. Bởi tôi nghĩ rằng, mỗi một tế bào của xã hội đều có một trái tim nhân ái”.
Bạn đọc PV Truyền hình QPVN ( Truyền hình Quốc Phòng Việt Nam ) hỏi:
Chắc hẳn, chính quyền địa phương rất nhân rộng mô hình lớp học của cô, vậy trong thời gian qua cô đã kêu gọi mọi người cùng tham gia vào công việc này như thế nào?
Cô giáo Nguyễn Thị Côi trả lời:
Công việc làm từ thiện, phải xuất phát từ tâm của con người, giúp đỡ để họ thoát cảnh nghèo, chứ không phải vấn đề kinh tế. Tôi cho rằng, được giúp đỡ các em có kiến thức để bước vào đời là một niềm phấn khởi.
Đối với việc nhân rộng mô hình này, bản thân tôi cho rằng, các nhà giáo phải có tình thần yêu nghề, yêu trẻ, đồng thời là có kinh tế gia đình ổn định. Tôi có nhiều đồng nghiệp còn trẻ, các cô đó còn xây dựn củng cố gia đình và sau đó mới có thể truyền tải kiến thức cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Bạn đọc Phí Thu Hương (phihuong.vc@gmail.com) hỏi:
22 năm qua, như một người mẹ, một người bà, ngày ngày cô Nguyễn Thị Côi (74 tuổi) ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội không quản mưa nắng, đều đặn lên lớp, truyền thụ kiến thức văn hóa và hoàn thiện nhân cách sống cho những đứa trẻ khiếm khuyết, lang thang cơ nhỡ. Cô đã làm sao để thuyết phục những trẻ em cơ nhỡ ở gầm cầu đến lớp học tình thương, thưa cô?
Cô giáo Nguyễn Thị Côi trả lời:
Khi còn trẻ, cũng là nhờ niềm say mê với nghề giáo, và thông qua đó để có nhiều việc tốt, giúp được nhiều người, trẻ em cỡ nhỡ hơn. Khi đi khắp những gầm cầu, dọc bờ sông Hồng, tôi đã tìm cách thuyết phục các em một cách chân thành với mong muốn đưa kiến thức, để giúp các em có nghề nghiệp. Những khó khăn trong vấn đề đi bộ, đi đò, thì tôi vẫn không quản ngại để tìm kiếm những trẻ em cơ nhỡ. Tôi thuyết phục bằng cách nói rằng, việc học có thể tạo điều kiện để các em không bị thất học, được biết chữ, đồng thời không bị thiệt thòi trước những bạn bè đồng trang lứa. Mang chữ để các em có kiến thức để tạo dựng nghề cho bản thân.
Bạn đọc Đàm Thị Linh (damlinh.hc@gmail.com) hỏi:
Từ dự án của Tùng có thể thấy, dù ý tưởng xuất phát là từ một cuộc thi, nhưng khi đi vào thực hiện đã thu hút được sự hưởng ứng lớn từ cộng đồng. Không chỉ dừng lại ở việc thay đổi cảnh quan, dự án còn có tác dụng tích cực trong tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường. Với Tùng, khi ngành học của bạn là báo chí, vậy ý tưởng nhân rộng dự án đã đến với bạn như thế nào?
Sinh viên Đàm Thanh Tùng trả lời:
Các bạn trẻ ai cũng mong muốn làm 1 điều gì đấy nhưng quan trọng là làm gì để biến ý tưởng thành hiện thực, thành cụ thể. Theo em, chúng ta nên chia sẻ ý tưởng với mọi người để tìm điểm những tư vấn tốt và có được sự tương đồng để hợp tác. Quan trọng nhất vẫn là quyết tâm, mong muốn và khát khao. Nếu có đam mê bạn sẽ tìm ra giải pháp nào đó, nếu không thì chỉ là trốn tránh.
Bạn đọc Hoàng Mai Chi (Đống Đa, Hà Nội) hỏi:
Khởi động từ năm 2014, đến nay, dự án lớp học cộng đồng PEC (Perfect English center) đã giúp 4.000 học sinh (HS), SV được học Tiếng Anh miễn phí. Lớp học của PEC không chỉ thu hút các học viên là HS, SV mà có cả phụ huynh HS, những người cao tuổi. Ngoài học Tiếng Anh, thầy Sánh còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho lớp. Ý tưởng khởi nghiệp đến với bạn như thế nào?
Thầy giáo Nguyễn Tự Sánh trả lời:
Ý tưởng đến với tôi từ nhiều nguồn, từ trao đổi những bạn bè đến niềm đam mê đào sâu của chính bản thân mình.
Tôi rất tâm niệm một câu nói rằng, “nếu muốn đi xa thì bạn phải học”, tôi đã tham gia nhiều khóa học, từ cơ bản đến các khóa học kỹ năng, đồng thời chia sẻ với những người cùng chí hướng, thông qua đó tôi đã tìm những phương tiện để có được những ý tưởng hiệu quả trong công việc và đời sống.
Bạn đọc Vũ Thị Mai Châm (maicham23@gmail.com) hỏi:
Bạn có thể chia sẻ về “bí quyết” chế tạo nên sản phẩm rất có ích cho xã hội của nhóm mình? Hiện người tiêu dùng có thể mua sản phẩm ở đâu, giá cả thế nào?
Sinh viên Nguyễn Thị Diệu Huyền trả lời:
Về quá trình chế tạo chia 2 công nghệ chính: Công nghệ thứ nhất là chế tạo than hoạt tính chất lượng cao từ vỏ trấu. Đề tài sử dụng 2 sản phẩm từ quá trình này là nước thủy tinh và than hoạt tính nhỏ mịn.
Để tiếp tục thực hiện công nghệ chế tạo xà phòng bằng phản ứng xà phòng hóa, 2 loại dầu nền được sử dụng là dầu lạc và dầu dừa. Sau phản ứng xà phòng hóa, các chất phụ gia như than hoạt tính, nước thủy tinh, bột trà xanh, tinh bột nghệ và các loại tinh dầu được bổ sung.
Hiện nay người tiêu dùng có thể mua sản phẩm qua trang web thantrau.vn và fanpage Xà phòng đen - Sinh viên hướng tới môi trường - ĐHBKHN, có giá 65.000/1sp 70kg.
Bạn đọc Đào Nguyễn Gia Hân (Gia Lâm) hỏi:
Thành phố đang rất quan tâm đến dự án “Biến bãi rác thành vườn hoa” và đã có buổi làm việc với Thủ lĩnh của nhóm. Vậy ngoài vườn hoa ở phố Trần Bình (Mai Dịch, Cầu Giấy), Mễ Trì Thượng, Phó Đức Chính, Quang Trung, nhóm đã triển khai được những vườn hoa nào tiếp theo? Và kế hoạch sắp tới của nhóm là gì? Ý nghĩa của việc làm này là gì?
Sinh viên Đàm Thanh Tùng trả lời:
Sau khi làm xong công trình đầu tiên đến hiện tại nhóm đã thực hiện được 9 công trình tại Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm ... Các công trình đều được sử dụng vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường như vỏ nhựa, lốp xe ... Trong thời gian tới nhóm cũng mong muốn phối hợp chính quyền, doanh nghiệp nhằm nhân rộng mô hình không chỉ ở Hà Nội mà còn đến các tỉnh thành khác.
Đặc biệt, dự án của nhóm cũng được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo TP Hà Nội. Vào ngày 20/10 vừa qua, Phó Bí thư Đào Đức Toàn đã có buổi tham quan tới dự án của nhóm. Sau khi lắng nghe những chia sẻ của nhóm, Phó Bí thư đã có chủ trương thực hiện thí điểm dự án tại 10 quận nội thành Hà Nội sau đó nhân rộng mô hình ra khu vực khác. Đây là một điều rất bất ngờ khi một dự án của sinh viên lại thu hút được sự chú ý của lãnh đạo TP.
Bạn đọc Trương Quỳnh Hoa (truonghoa.bv@gmail.com) hỏi:
Việc mỗi ngày kiên nhẫn, bền bỉ đến lớp dạy những đứa trẻ tật nguyền hay có những mảnh đời không may mắn, khiến nhiều người càng thêm nể phục cô. Cô có thể chia sẻ kỷ niệm lớn nhất trong suốt 20 năm gắn bó với lớp học đặc biệt đó?
Cô giáo Nguyễn Thị Côi trả lời:
Kỷ niệm để tôi nhớ nhất trong 22 năm qua, rất nhiều học sinh đã trưởng thành từ những trẻ em lang thang cơ nhỡ, khiếm khuyết gia đình hoặc mồ côi. Hiện giờ có rất đông các em trở thành những người công dân tốt, có thể tự nuôi bản thân và có gia đình.
Điều làm tôi vui nhất là có 2 em học sinh, một em thi đỗ Đại học Tài chính Kế toán. Đặc biệt, có một em nhỏ khi đến với lớp học của tôi khi mới 10 tuổi, không có giấy khai sinh, giờ em đó đã thi đỗ Đại học Thương mại. Tôi đã hỗ trợ em học sinh này xin tài trợ của nước ngoài hàng tháng những nhu yếu phẩm để ăn học và thi đỗ đại học. Mẹ em năm nay 46 tuổi nhưng lại không biết chữ. Mới đây mẹ em đó cũng xin vào lớp tôi học và đã đến lớp được vài tuần. Em học sinh đó đã nói một câu khiến tôi nhớ mãi rằng, “nếu không có cô, gia đình em không được như thế này”.
Bên cạnh đó, cũng có một học sinh gia đình cha mẹ khuyết thiếu, từng bị bạo hành và bỏ rơi, khiến em trở thành đứa trẻ ngỗ ngược nhưng khi vào học lớp của tôi đã được cảm hóa, trở nên ngoan ngoãn, chăm chú học hành.
Tôi luôn mong sẽ đem lòng kiên trì, nhẫn nại, tình yêu dành cho trẻ em đóng góp cho cộng đồng những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt như vậy, để không phải chỉ dậy chữ mà còn rèn người, để xã hội bớt đi những gánh nặng và ngày càng tốt đẹp hơn.
Bạn đọc Đào Đức Anh (daoanh.gl@gmail.com) hỏi:
Để duy trì lớp học 0 đồng với hàng ngàn sinh viên, thầy có thể chia sẻ những khó khăn bước đầu?
Thầy giáo Nguyễn Tự Sánh trả lời:
Ngay từ trước khi khởi nghiệp, tôi đã chủ động về vấn đề vốn, huy động từ gia đình và bạn bè được 70 triệu để mua máy chiếu, loa đài để tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên. Đó là những khởi đầu hoàn toàn khó khăn.
|
Các khách mời trả lời độc giả của buổi giao lưu |
Nhưng trong quá trình khởi nghiệp, tôi lại rất may mắn khi có được những người đồng hành rất giỏi và có tâm, khoảng 40 người chia ra thành nhiều nhóm khác nhau.
Lúc đó, tôi đã chia sẻ với họ rằng kinh phí cho dự án này sẽ không lớn, nhưng câu trả lời tôi nhận được vô cùng bất ngờ, rằng họ cũng mong muốn chia sẻ để được những giá trị lớn cho cộng đồng.
Trong thời gian này, tôi vẫn có những công việc khác, nhưng vẫn đồng thời cố gắng duy trì dự án dạy học cộng đồng này. Cho tới thời điểm này, chúng tôi đã và đang đào tạo cho 4.000 sinh viên nhưng tôi tin rằng đây chưa phải mục tiêu hoàn thành mà sẽ chỉ là sự khởi đầu.
Trong quá trình du học tại Italia, tôi trải nghiệm mức sống cao và tuyệt vời. Trong thời gian tại đây, tôi đã tiếp cận được nhiều phương pháp hay trong giảng dạy và mong muốn áp dụng cho dự án giảng dạy của riêng mình.
Bạn đọc Trần Thúy Mai (Hoàn Kiếm) hỏi:
Người ta nói “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, khi“cửa sổ tâm hồn” không còn nghĩa là mất đi tất cả. Nhưng với chị Đỗ Thúy Hà, chị đã vượt lên số phận để tìm nguồn sáng khác trong đời bằng cách học giỏi 2 ngoại ngữ và sử dụng máy tính thành thạo. Động lực nào để chị làm được những điều phi thường như vậy?
Chị Đỗ Thúy Hà trả lời:
Đúng như các cụ đã nói, “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, nhưng tôi nghĩ rằng, khi mất đi nguồn ánh sáng như Shakespear đã nói “tồn tại hay không tồn tại”, thì mình cần phải làm điều gì đó để vươn lên trong cuộc sống. Nên khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi nghĩ đây là chiếc chìa khóa mở cho cuộc đời mình.
|
Cô giáo Đỗ Thúy Hà trả lời câu hỏi của độc giả tại buổi giao lưu. |
Trong quá trình học tập tại trường Nguyễn Đình Chiểu, tôi thấy trường đón rất nhiều tổ chức nước ngoài đến thăm trường và tự hỏi rằng, tại sao mình không biết tiếng của họ, không hiểu họ nói gì? Giá như mình hiểu tiếng của họ để hiểu nền văn hóa, hiểu ý nghĩa những việc làm của họ...
Và từ đó, tôi yêu thích ngoại ngữ. Nhưng khi đăng ký học ngoại ngữ tại trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, các thầy cô từ chối tiếp nhận tôi bởi bản thân bị khiếm khuyết không như những người bình thường gây khó khăn cho việc học tập. Nhưng ngay sau đó, tôi biết được Viện ĐH Mở mở lớp học và đã tiếp nhận tôi. Từ đó, tôi đã cố gắng học tập vươn lên để có được như ngày hôm nay.
Bạn đọc Lương Việt Thắng (luongthang.bc@gmail.com) hỏi:
Với ý nghĩa cao đẹp là bảo vệ môi trường, bạn đã biến bãi rác thành vườn hoa sạch đẹp, tạo không gian xanh cho người dân khu vực. Chính từ những bãi rác các vườn hoa sạch đẹp đã được hình thành, không biết bạn và nhóm của bạn đã có ý tưởng xuất phát từ đâu? Những khó khăn gặp phải khi thực hiện ý tưởng đó?
Sinh viên Đàm Thanh Tùng trả lời:
Ý tưởng biến bãi rác thành vườn hoa xuất phát từ cuộc thi Siêu thủ lĩnh của VTV, có yêu cầu biến 1 bãi rác thành vườn hoa. Động lực để em nhân rộng dự án này ở thời điểm trên khi em nghe nhiều bức xúc của người dân về các bãi rác, em có suy nghĩ tại sao không làm việc gì giúp ích cho họ, từ đó tạo động lực và phấn khởi cho cộng đồng. Và thực tế, khi triển khai dự án này em và nhóm của em cũng nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, doanh nghiệp nên các hoạt động đều được tiến hành khá thuận lợi.
|
Sinh viên Thanh Tùng trả lời câu hỏi của độc giả. |
Vào thời điểm đầu, việc thực hiện dự án khó khăn lớn nhất là niềm tin. Đặt vấn đề với chính quyền thì tính khả thi đã được nêu ra đầu tiên, bản thân em cũng có nhiều câu hỏi tương tự, ngay cả người dân cũng nghi ngờ. Không những thế, huy động kinh phí cũng là vấn đề. Để có nguồn kinh phí ban đầu, nhóm của bọn em thậm chí phải làm các sản phẩm thủ công mang bán để gây dựng quỹ, tổ chức đêm nhạc...
Trong quá trình xây dựng công trình đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm và hạn chế về kinh phí nên bọn em cùng nhau tự làm. Mọi thông tin về xây dựng đều không biết nên phải tự tìm kiếm trên Google, mọi thứ khá khó khăn nhưng đều là kỷ niệm đáng nhớ.
Rất may mắn khi công trình đầu tiên hoàn thành đã nhận được hưởng ứng của cộng đồng, do đó các dự án tiếp theo đều tiến hành thuận lợi hơn.
Bạn đọc Nguyễn Hùng (Ba Đình) hỏi:
Để chế tạo thành công sản phẩm xà phòng đen từ vỏ trấu, không gây hại và thân thiện với môi trường, nhóm đã phải đi thực tế khảo sát như thế nào? Khó khăn nhóm gặp phải là gì? Mục đích của việc chế tạo ra sản phẩm xà phòng đen từ vỏ trấu là gì?
Sinh viên Nguyễn Thị Diệu Huyền trả lời:
Em là sinh viên năm thứ 5, nhưng từ năm thứ 3 chúng em đã nghiên cứu khoa học tại trường với đề tài xoay quanh vấn đề nghiên cứu chế tạo than hoạt tính chất lượng cao từ vỏ trấu. Sản phẩm không thể thiếu trong quá trình này là nước thủy tinh, trước đây chúng em thường không tận dụng, gây lãng phí và có thể gây ô nhiễm môi trường. Nhưng nếu tận dụng thì nó có khả năng ổn định bọt, đóng rắn nhanh cho xà phòng. Đây là ý tưởng đầu tiên để chế tạo nên sản phẩm xà phòng đen, có thể giảm chi phí để đạt tính kinh tế, bảo vệ môi trường, tạo nên sản phẩm có tính ưu việt hơn.
|
Sinh viên Diệu Huyền trả lời câu hỏi của độc giả |
Khó khăn ở chỗ, do đề tài có tính kế thừa, máy móc trong phòng thí nghiệm đã sử dụng lâu năm, có lúc trục trặc đồng loạt, nhiều lúc bọn em phải tự mày mò sửa chữa thiết bị.
Hiện chúng em đã cung cấp 2 sản phẩm trên fanpage là xà phòng đen và túi hấp thụ khí, trong tương lai sẽ đưa thêm các sản phẩm ứng dụng trong nông nghiệp, để khử độc hồ nuôi tôm, chuồng trại chăn nuôi gia súc, trồng cây.
Về kinh phí cho đề tài, chúng em được thầy giáo hỗ trợ và sinh viên đóng góp thêm. Bên cạnh đó, trong quá trình phải tự tìm tòi tài liệu liên quan, chắt lọc nhiều tài liệu và ứng dụng, thực hiện nhiều thí nghiệm khác nhau để đưa ra chế độ tối ưu.
Bạn đọc Nguyễn Thị Nhung (nguyennhung31@gmail.com) hỏi:
Đã đi dạy được 22 năm, gặp nhiều khó khăn như vậy, đã bao giờ cô nghĩ muốn bỏ cuộc?
Cô giáo Nguyễn Thị Côi trả lời:
Tuy tôi tuổi cũng đã cao, song bây giờ tôi vẫn có sức khỏe, mà theo như khẩu hiệu của Hội Người cao tuổi “tuổi cao trí càng cao”, do vậy, một khi còn sức khỏe, tôi càng muốn thể hiện những việc làm có ích cho xã hội, đến khi nào sức khỏe yếu thì tôi sẽ nghỉ.
Bạn đọc Trình Mai Phương (maiphuong@gmail.com) hỏi:
Là một nhà giáo dạy cho những đứa trẻ bình thường đã khó, nay cô lại nhận dạy những trẻ em khuyết tật, tự kỷ, trẻ em cơ nhỡ, vậy chắc hẳn có nhiều khó khăn, thưa cô?
Cô giáo Nguyễn Thị Côi trả lời:
Hôm nay, tôi rất vinh dự được đến báo Kinh tế & Đô thị để giao lưu trực tuyến với những gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2016.
|
Cô giáo Nguyễn Thị Côi đang trả lời bạn đọc |
Có thể nói, xuất phát từ lòng yêu nghề, mến trẻ, muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Suốt những năm tháng đầu tiên đi dạy, tôi đã đi khắp các ngõ nhỏ, xóm nhỏ trong khu vực để tìm kiếm và truyền tải kiến thức cho những trẻ em cơ nhỡ từ quê ra thành phố kiếm sống. Thông qua đó, tôi muốn thể hiện tình yêu thương chân thật, vô bờ bến đến các em.
Trong suốt những năm đi dạy, tôi đã vượt qua mọi khó khăn, từ đêm tối, mưa gió, ngập lụt đến mức ngậm hết bánh xe, khu vực nhiều tệ nạn xã hội, nghiện hút… song tôi vẫn quyết tâm đi dạy. Trong cuộc đời giảng dạy của mình, tôi luôn làm với tình thương yêu trẻ. Sau khi đi khắp ngõ, phố giảng dạy được 10 năm, việc làm của tôi đã được UBND quận Hai Bà Trưng công nhận và hỗ trợ mở một lớp học riêng. Hiện, lớp học của tôi đã thu hút được 20 em, đa phần là những trẻ thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, lang thang cơ nhỡ…
Với kinh nghiệm từng là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ và sau đó lại được tiếp cận với quá trình rèn luyện khả năng giao tiếp với những trẻ em đặc biệt. Chính vì vậy, tôi đã phân chia các em thành từng tốp, trình độ khác nhau, sau đó dạy từng em một. Đối với tôi, việc say mê với nghề và tình yêu thương trẻ là những động lực giúp tôi giữ được sức khỏe và tiếp tục phát huy để truyền tải được nhiều kiến thức cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Bạn đọc Hoàng Thùy Minh (hoangthuyminh.hn@gmail.com) hỏi:
Bạn đã làm gì để duy trì, phát triển lớp học này trước rất nhiều khó khăn?
Thầy giáo Nguyễn Tự Sánh trả lời:
Phải nói, chúng tôi đã vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt trong vấn đề tài chính khi triển khai dự án lớp học cộng đồng PEC (Perfect English center). Nhưng may mắn cùng với tôi là một đội ngũ giáo viên rất tâm huyết, có tâm có tầm luôn cố gắng, nên lớp học này mới có thể đi xa đến đây và sẽ tiếp tục được duy trì phát triển trong thời gian tới.
Bạn đọc Dương Phương Nga (duongnga@gmail.com) hỏi:
Là một giảng viên trẻ, thầy giáo Sánh đã sáng lập lớp học 0 đồng cho nhiều học sinh nghèo được hưởng giáo dục, mang tên dự án lớp học cộng đồng PEC (Perfect English center). Hiện, dự án có 5 cơ sở tại các trường: ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, Cao đẳng Du lịch, THCS Quang Trung và THCS Tô Hoàng, với 78 lớp giao tiếp, 71 lớp phát âm và 20 lớp giao tiếp nâng cao. Ngoài ra, dự án đã mở rộng thêm 8 lớp học ở ngoại thành. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đâu là động lực của anh?
Thầy giáo Nguyễn Tự Sánh trả lời:
Tôi thấy bản thân mình vẫn còn bé nhỏ so với sự đóng góp của nhiều thầy cô giáo, nhiều người khác trong xã hội.
|
Thầy giáo Nguyễn Tự Sánh trả lời câu hỏi của độc giả |
Với kinh nghiệm đi dạy học từ hồi sinh viên, đứng lớp hàng chục trung tâm lớn nhỏ tại Hà Nội, tôi thấy nhiều trung tâm có chi phí học rất cao, nhưng thực sự chưa hài lòng với những kết quả giáo dục tại đây. Với số tiền lớn như vậy mà chất lượng chưa đảm bảo, điều đó khiến tôi và một số giáo viên tâm huyết khác ấp ủ ý tưởng thiết kế một bộ sản phẩm dạy hiệu quả, dễ hiểu và chi phí thấp cho sinh viên cùng các giáo viên khác.
Tôi cảm nhận được sự hạnh phúc khi giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn để tiếp cận tri thức, với những động lực đó, tôi đã mở lớp học 0 đồng dành cho các em học sinh khó khăn được đi đi học